Giáo dục 'đồng phục' giống kê chung một toa thuốc cho tất cả bệnh nhân

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - người sáng lập FAROS Education & Consulting và đưa mô hình 'trường học kiến tạo' về Việt Nam chia sẻ, nếu áp dụng lối giáo dục 'đồng phục' lên tất cả học sinh không khác gì chuyện ông bác sĩ kê một toa thuốc chung cho các bệnh nhân mà không quan tâm căn bệnh của bệnh nhân đó gặp phải là gì.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nhận định, giáo dục đồng phục gây ra những tổn thương và những “cái chết” về mặt tinh thần cho các em.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nhận định, giáo dục đồng phục gây ra những tổn thương và những “cái chết” về mặt tinh thần cho các em.

Hệ lụy từ giáo dục "đồng phục"

Có lẽ chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại nuôi dạy con trong tâm trạng hoang mang như hiện nay. Nhiều người tỏ ra băn khoăn, trăn trở với một rừng các lý thuyết, các phương pháp giáo dục. Chị nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Chưa bao giờ ở Việt Nam lại có nhiều chuyên gia nói về phương pháp cũng như tràn ngập sách vở về nuôi dạy con nhiều như ngày nay (dạy con kiểu Nhật, kiểu Do Thái, bà mẹ kiểu Mỹ…).

Có điều, những thông tin đó lại mâu thuẫn với nhau, khiến phụ huynh không tránh khỏi tình trạng bội thực thông tin và cảm thấy không biết nên tin vào phương pháp nào.

Đó cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin như ngày nay.

Nhưng sâu xa hơn tôi nghĩ sự hoang mang trong nuôi dạy con của phụ huynh thể hiện cả sự hoang mang vào chính hệ thống giáo dục và ở niềm tin vào chính bản thân mình.

Thực ra, trong việc giáo dục trẻ nhỏ thì giáo dục nhà trường chỉ là một trong các thành tố, phụ huynh cần phải là tấm gương lớn nhất cho con, là người ảnh hưởng lớn nhất đến hành trình trưởng thành của con.

Nhưng ngày nay cũng khá nhiều phụ huynh cảm thấy trăn trở về chính bản thân mình, chính họ cũng là người thụ hưởng nền giáo dục không vững mạnh. Thành ra họ thiếu đi những giá trị về triết lý cho chính bản thân mình.

Vì thế, khi phải chọn ra một đường lối, một triết lý để nuôi dạy con, họ cũng băn khoăn không biết bám víu vào đâu. Họ đành phải dựa vào lời khuyên, những triết lý trong các cuốn sách khác nhau.

Bên cạnh đó, sự hoang mang của phụ huynh cũng thể hiện sự chênh vênh không dám tin vào nền tảng giáo dục chung của xã hội.

Giáo dục đánh đồng học sinh, cùng “dùng một liều thuốc dành cho tất cả bệnh nhân” sẽ để lại hệ lụy gì, theo chị?

Không quá khó để chúng ta nhận thấy hậu quả của giáo dục "đồng phục". Có thể thấy trên đời này gần như rất khó tồn tại hai đứa trẻ giống hệt nhau về mọi thứ.

Ngay ở trong một gia đình cùng cha cùng mẹ, cùng một nền giáo dục gia đình mà sự khác biệt đã lớn như vậy nói gì đến việc nhìn rộng ra ở một trường học, ở xã hội.

Do đó, giáo viên phải làm sao để các em học sinh đều được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng như nhau. Đồng thời, mỗi đứa trẻ đều là bản thể riêng biệt, khác nhau về thiên hướng, về tính cách, về tốc độ trưởng thành.

Nếu chúng ta áp dụng lối giáo dục "đồng phục" giống nhau lên tất cả các em không khác gì chuyện một ông bác sĩ kê một toa thuốc chung cho các bệnh nhân của mình mà không quan tâm đến thể trạng và căn bệnh của bệnh nhân đó gặp phải là gì?

Nếu như ông bác sĩ kê toa hàng loạt sẽ gây tổn thương về mặt thể chất thì giáo dục đồng phục gây ra những tổn thương và những “cái chết” về mặt tinh thần cho các em.

Những tổn thương đó khiến các em trở thành con người vô cảm, đánh mất đi sự trăn trở, khát khao đối với những vấn đề xung quanh mình.

Thậm chí, các em còn trở thành những cỗ máy rất thụ động, thờ ơ, là những con robot bảo gì làm đó, không linh hoạt, không chủ động để làm chủ cuộc đời mình.

Tôn trọng sự khác biệt của đứa trẻ

Nhiều người đã đánh mất đi mục tiêu học tập của mình ngay từ nhỏ, chỉ học vì điểm số, học theo đánh giá của xã hội. Vậy gia đình nên can thiệp đến đâu trong quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ, đánh thức tiềm năng của trẻ từ câu chuyện giáo dục con của chị?

Có thể nói, thời đại nào, gia đình cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giáo dục đứa trẻ. Chúng ta thường nghĩ trẻ sẽ học nhiều nhất ở trường học, từ thầy cô giáo nhưng thực ra chính cha mẹ mới là tấm gương sống động nhất để con quan sát, dõi theo và quyết định lựa chọn lối sống của mình.

Tôi nhớ có câu châm ngôn của một phụ huynh: “Hãy trở thành người mà bạn muốn con bạn trở thành. Con bạn có thể không nói chuyện với bạn nhưng nó sẽ không ngừng dõi theo những việc bạn đã làm”.

Quả thực, đứa trẻ có thể học được những điều bổ ích ở trường nhưng có tin hay không phụ thuộc vào việc quan sát cha mẹ có thực hành theo những điều đó hay không? Cho nên, tấm gương của cha mẹ trong thời nào cũng luôn là bài học hay nhất đối với đứa trẻ trong chuyện lựa chọn lẽ sống cho mình.

Trong thời đại ngày nay khi giáo dục ở trường học chính khóa và giáo dục ở cộng đồng xã hội khủng hoảng thì vai trò của các bậc phụ huynh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Dù có bỏ ra nhiều tiền, cho con vào những ngôi trường tốt nhất nhưng cha mẹ không đồng hành cùng con sẽ thật khó để đòi hỏi có kết quả phi thường.

Ở đây, tôi nhấn mạnh hai chữ “đồng hành” vì phụ huynh vẫn nhầm lẫn sự đồng hành và sự áp đặt lên con. Áp đặt là khi ta áp lên con những mong đợi, không quan tâm đến chuyện con mình là ai, ước mơ của con mình là gì.

Còn đồng hành cùng con tức là trước khi quyết định bất kỳ phương pháp nào, chúng ta cần dành thời gian để quan sát, dõi theo và hiểu chính đứa con của mình, phải luôn trong tinh thần là người dẫn dắt con, chia sẻ cùng con, luôn dành cho con sự tôn trọng nhất định.

Không ít đứa trẻ bị nhồi nhét kiến thức, trải qua các lớp học kỹ năng sống nhưng vẫn thiếu tự tin, vẫn như cái cây “cớm nắng”. Có phải người lớn đã sai trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục không phù hợp với con mình?

Tôi nghĩ việc cha mẹ ngày nay cho con đi học các chương trình kỹ năng sống trước hết vẫn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phụ huynh đã nhận ra những hậu quả của nền giáo dục coi trọng thi cử và thành tích.

Chính vì thế, phụ huynh đang chuyển dịch dần theo những phương pháp giáo dục mới mẻ, quan điểm cởi mở hơn. Có điều, những chương trình đó không mang lại hiệu quả như mong đợi vì chúng ta chưa chạm đến những tầng nấc sâu nhất của ba chữ “kỹ năng sống”.

Kỹ năng sống không phải là lớp học mang tính hình thức bề ngoài, như chơi đàn, biết vẽ. Ở đây cần được hiểu là kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tế của cuộc sống. Làm sao để sau này khi con ra đời, ra khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ, con sẽ có kỹ năng để vượt qua được thách thức cũng như giải quyết được những vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Do đó, con cần học cách làm chủ cảm xúc của bản thân, cần học cách quan sát và hiểu cảm xúc của những người xung quanh mình để có được sự kết nối tốt nhất với mọi người, với thế giới xung quanh. Kỹ năng sống cũng có thể được hiểu là kỹ năng để thích ứng trong những hoàn cảnh không như mong đợi, là học tư duy phản biện khi đứng trước một vấn đề.

Có một câu nói của nhà giáo dục mà tôi rất tâm đắc: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà giáo dục chính là cuộc sống”.

Edison, Bill Gates tuy không theo đuổi việc học tập ở trường nhưng vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Thậm chí, họ chia sẻ rằng đã học được nhiều nhất khi rời khỏi ghế nhà trường. Vậy chúng ta phải hiểu và đánh thức “thiên tài” trong mỗi đứa trẻ ra sao?

Trước hết phải nói rằng, những thiên tài dù bỏ học vẫn đạt được thành công là câu chuyện rất đáng ngưỡng mộ và truyền cảm hứng. Nhưng điều đó không có nghĩa, bất kỳ ai cứ bỏ học sẽ thành công như họ.

Thực sự nếu chúng ta đọc kỹ về cuộc đời của những nhân vật ấy sẽ thấy họ may mắn thụ hưởng nền giáo dục gia đình rất tốt. Họ đều có những ông bố, bà mẹ rất quan tâm đến con và biết cách nuôi dạy con. Nếu không, trên chặng đường trưởng thành của họ, họ cũng may mắn gặp được những người thầy, những người bạn đồng hành rất giỏi, chia sẻ cho họ những bài học đúng đắn để giúp họ chiêm nghiệm và cập bến thành công.

Ngoài ra, câu chuyện thành công của những nhân vật này còn đến từ ý chí vượt khó, nỗ lực xoay sở đến tột bậc của họ.

Nếu muốn con mình gặt hái được những thành quả tốt, chúng ta hãy dành thời gian đồng hành cùng con, quan sát con, lắng nghe những tâm tư và cả những điểm khác biệt của con.

Vậy theo chị, cha mẹ cần định hướng gì cho con trong thế giới đầy bất an, nhiều biến động?

Có một câu nói của nhà giáo dục mà tôi rất tâm đắc: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà giáo dục chính là cuộc sống”.

Đó là câu nói rất đúng trong thời đại nhiều biến động, nhiều bất an như hiện nay. Tôi cho rằng, điều cha mẹ có thể làm trong thời đại ngày nay không phải dự đoán tương lai và sắp xếp con theo tương lai. Thay vào đó, chúng ta cần chú trọng trang bị cho con những kỹ năng dù ở thời đại nào, biến động ra sao cũng giúp con vượt qua và thành công.

Đó chính là những kỹ năng linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi, chủ động thích nghi với mọi hoàn cảnh. Hãy để con có ý chí vượt khó, không cần sự bao bọc ấm êm của cha mẹ nữa. Hãy để con biết quan tâm và có thể kết nối tìm kiếm sự trợ giúp từ chính những người xung quanh mình. Hãy làm sao đó để con có khả năng kiến tạo ra giải pháp để giải quyết chính những vấn đề mà thời đại đang đặt ra.

Xin cảm ơn chị!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-dong-phuc-giong-ke-chung-mot-toa-thuoc-cho-tat-ca-benh-nhan-140244.html