Giáo dục di sản - thêm tín hiệu vui

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa ra mắt khu trải nghiệm di sản gắn với 'Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới', nhằm tạo không gian chuyên biệt và bài bản cho hoạt động tìm hiểu, khám phá lịch sử, văn hóa. Đây cũng là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích lựa chọn trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kiến thức, giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Tìm hiểu về di sản tại khu trải nghiệm di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chủ động và hào hứng khám phá

Không gian trải nghiệm di sản tại nhà Hữu Vu, khu điện Đại Thành, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một ngày đầu tháng 12-2019 như vỡ òa trong tiếng cười, nói vui nhộn, đầy hào hứng. Hơn 30 học sinh đến từ Trường THPT Bình Gia (Lạng Sơn) hăng say tham gia trò chơi “Rung chuông vàng, tìm hiểu lịch sử di tích”, một trong những hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” do Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức.

Thầy giáo Lê Vũ Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Gia cho biết: “Qua Fanpage của di tích, nhà trường nhận thấy chương trình giáo dục di sản tại đây phù hợp với mục tiêu dạy và học tích cực của nhà trường, nên đã kết nối với trung tâm để hình thành chương trình tham quan trải nghiệm cho học sinh. Ở đây, các em được chủ động tìm hiểu kiến thức, được thử sức mình trong những câu hỏi giúp hiểu sâu và nhớ lâu hơn.

Em Lê Thị Gia, học sinh lớp 11A, Trường THPT Bình Gia chia sẻ, học lịch sử như thế này, em thấy dễ hiểu, dễ nhớ và rất thú vị. “Khu trải nghiệm di sản được trang bị đầy đủ điều kiện, vật dụng, đồng thời có rất nhiều bài học về di sản sinh động, lôi cuốn và ý nghĩa để lựa chọn, như: Lớp học xưa, vinh quy bái tổ, sách và mộc bản, khám phá bia tiến sĩ..., khiến chúng em muốn tìm hiểu nhiều hơn”, em Lê Thị Gia cho hay.

Có nhiều chương trình trải nghiệm như vậy đã và đang được Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng để khám phá di sản. Chẳng hạn, với chủ đề “Ơ kìa con nghê”, người tham gia được giới thiệu về ý nghĩa của linh vật này và sự khác nhau của những con nghê đại diện cho mỗi thời kỳ lịch sử ở di tích..., kết thúc chương trình là trò chơi tìm nghê, giải câu hỏi về nghê.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, các chương trình giáo dục di sản ở đây được khởi động từ năm 2016 và đến nay thêm hoàn thiện với không gian trải nghiệm chuyên biệt để các hoạt động học tập và tương tác với di sản được thuận tiện, bài bản hơn. “Đây cũng là xu hướng thực hành trải nghiệm di sản văn hóa hiện đại, góp phần khơi gợi tư duy sáng tạo cho người học”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Tăng hiệu quả giáo dục di sản

Đầu tư cho giáo dục di sản đang là hướng đi của nhiều bảo tàng, di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách lâu bền, hiệu quả. Không riêng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều nơi khác cũng đã và đang tích cực xây dựng những chương trình trải nghiệm hấp dẫn, tổ chức không gian khám phá di sản một cách chuyên nghiệp, có hệ thống.

Có thể kể đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Câu lạc bộ “Bé yêu lịch sử”, chương trình “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” và đặc biệt là “Phòng khám phá: Không ngừng sáng tạo - không ngừng ước mơ”, mang đến nhiều hoạt động tương tác, kích thích tìm tòi, sáng tạo cũng như rèn luyện kỹ năng khéo léo cho người chơi. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long duy trì không gian trải nghiệm di sản cộng đồng, hướng tới nhiều đối tượng khách tham quan, trong đó, học sinh đi theo lớp hoặc trẻ em đi theo gia đình đều có thể tham gia được.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, trung tâm có nhiều khu vực tương tác, trải nghiệm và chương trình tìm hiểu di sản theo hướng mở, hấp dẫn nhiều đối tượng tham quan. Ví dụ như chương trình “Em tập làm khảo cổ” rất thu hút học sinh nhờ các trò chơi tìm cổ vật trong lòng đất; ghép, vẽ những hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành... Từ khi tăng cường các hoạt động giáo dục di sản mới cũng như mở ra nhiều không gian tương tác, khu di tích đã đón khoảng 100.000 lượt học sinh tham quan, trải nghiệm mỗi năm.

Có vai trò quan trọng trong việc giáo dục văn hóa, lịch sử, đồng thời tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, giáo dục di sản với nhiều cách làm mới mẻ ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm từ công chúng.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, sự xuất hiện của các không gian trải nghiệm chuyên biệt là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động giáo dục di sản phát triển hiệu quả hơn. Để hỗ trợ những không gian này, các bảo tàng, di tích cần thu hút đội ngũ cộng tác viên bằng việc xã hội hóa các hoạt động gắn kết công chúng; thiết kế tour du lịch trải nghiệm bài học lịch sử một cách độc lập để có đối tượng tham gia đa dạng hơn. Về lâu dài, cần có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên sâu về giáo dục di sản, nhằm tăng hiệu quả tổ chức chương trình.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, các di tích cần tăng cường liên kết, phối hợp với các nhà trường để đưa ra chương trình, cách tổ chức phù hợp, hiệu quả, nhằm thúc đẩy, lan tỏa tình yêu với giáo dục di sản. Các đơn vị có thể thực hiện ký kết hợp tác về giáo dục di sản theo từng năm, đưa ra các gói học tập phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng cơ sở giáo dục.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/952952/giao-duc-di-san---them-tin-hieu-vui