Giáo dục di sản - giải 'bài toán' sân chơi ngày hè

Mùa hè năm nay, nếu như chương trình phim truyện, sân chơi truyền hình cho thiếu nhi dường như vắng bóng thì những sân chơi giáo dục di sản nở rộ đang là địa chỉ hấp dẫn cho thiếu nhi trong dịp hè. Những điểm đến văn hóa di sản đã phần nào giải tỏa được 'bài toán'sân chơi ngày hè cho trẻ.

Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm

Nhằm tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chuỗi hoạt động hè “Sĩ tử nhí”. Đây là lần đầu tiên, Văn Miếu tổ chức chuỗi hoạt động hè mang tính trải nghiệm cho thiếu nhi kéo dài gần 3 tháng (từ 1/6 đến 20/8) được rất nhiều phụ huynh quan tâm và thu hút khá nhiều trẻ em tham gia.

Đến với không gian này, các em vừa được trải nghiệm truyền thống nhưng cũng được thỏa sức sáng tạo, chơi mà học, từ làm giấy dó, sáng tác truyện, vẽ tranh, học làm gốm đến chế tác điêu khắc, học nấu ăn, thả đèn chữ… Bên cạnh đó, các em thiếu nhi còn có cơ hội thể hiện sự hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa qua trò chơi “Lều chõng”.

Không riêng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với mục đích tạo sân chơi giáo dục di sản cho thiếu nhi, nhiều di tích, bảo tàng của Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm học mà chơi, hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức chương trình “Em tập làm thuyết minh”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long với chương trình “Em làm nhà khảo cổ” đón hàng trăm lượt em nhỏ tìm đến.

Hiệu ứng từ các chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục di sản, lịch sử trong học đường. Đây là cách vừa chơi, vừa học tạo sự hào hứng và phù hợp với lứa tuổi, để các em đến với di sản, thêm yêu và có ý thức gìn giữ di sản.

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc

Thời gian qua, nhiều trại hè dành cho trẻ mọc lên với những lời chào gọi hấp dẫn nhưng nặng về tính thương mại. Vì thế, những sân chơi giáo dục di sản là sự lựa chọn của nhiều gia đình trong dịp hè.

Chị Phạm Thị Hoàng My, cán bộ Phòng Giáo dục Truyền thông, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cho biết, hè năm 2018 có 40 học sinh đang tham gia chương trình “Em tập làm thuyết minh”. Đến với chương trình, các em không chỉ được học các kỹ năng thuyết minh, mà còn được tham gia hoạt động ngoại khóa tại các địa điểm ngoài di tích để thực hành các kiến thức đã học. Đây là những cách tiếp cận mới trong phương pháp giáo dục di sản cho giới trẻ.

Thay vì nghe những bài thuyết minh khô khan, cứng nhắc khi các em nghe thuyết minh, giới thiệu một cách thụ động từ các đơn vị quản lý di sản. Với phương pháp này, học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ những bài giới thiệu, mà còn được trải nghiệm, tương tác, tìm hiểu về di sản.

Đăng ký cho con tham gia chương trình “Sĩ tử nhí” tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chị Nguyễn Thu Hòa (Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Hà Nội) chia sẻ: “Ở Hà Nội, tìm được sân chơi cho trẻ dịp hè hấp dẫn, bổ ích luôn là trăn trở của các phụ huynh. Hè này, khi biết chương trình “Sĩ tử nhí”, tôi đã đăng ký cho con tham gia. Tham gia chương trình, các con có cơ hội trải nghiệm, được học kỹ năng sống và có thêm kiến thức, tình yêu với di sản văn hóa”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, những sân chơi di sản trong dịp hè cũng là cách để trẻ em học tập và tiếp nhận tri thức. Việc tạo ra các hình thức giải trí, đặc biệt là sân chơi văn hóa - giáo dục chính là phương pháp giáo dục truyền thống, dạy kỹ năng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cần có cách quảng bá rộng rãi, kết nối hiệu quả để đưa các chương trình tới gần hơn với công chúng.

Trung Kiên

Trung Kiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/giao-duc-di-san-giai-bai-toan-san-choi-ngay-he-3935194-b.html