Giáo dục đạo đức thông qua tất cả môn học trong Chương trình mới

Cử tri tỉnh Bình Dương thể hiện quan ngại về vấn đề đạo đức của người dân hiện nay, trong đó có một phần liên quan đến trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục đạo đức học sinh.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Do đó, đề nghị trong chương trình giảng dạy đạo đức ở nhà trường cần chú trọng nêu nhiều tấm gương tốt, người thật, việc thật góp phần lan tỏa các phẩm chất đạo đức tốt trong xã hội.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở THCS gọi là môn Giáo dục công dân, ở THPT gọi là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) đóng vai trò quan trọng.

Để tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:

Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và môi trường xã hội lành mạnh.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức học sinh.

Nêu nhiều tấm gương việc tốt, các trường hợp điển hình, gần gũi với đời sống học sinh trong chương trình giảng dạy đạo đức ở nhà trường.

Rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào trong các môn học chính khóa: Các chuyên đề lễ giáo cho trẻ em mầm non, môn Đạo đức cho học sinh tiểu học, môn Giáo dục công dân cho học sinh trung học và các môn học, hoạt động giáo dục khác.

Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức: Chú trọng việc tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình, gần gũi với đời sống học sinh; coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, từ đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai; vận dụng các hình thức giáo dục theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả (dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường); tăng cường thực hành, rèn luyện kỹ năng trong các tình huống cụ thể của đời sống; tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo hứng thú cho học sinh; kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục của gia đình và xã hội. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-duc-dao-duc-thong-qua-tat-ca-mon-hoc-trong-chuong-trinh-moi-4042051-b.html