Giáo dục đạo đức qua những câu chuyện đời thường

Không chỉ tạo dựng nền móng kỷ luật, kỷ cương vững chãi cho ngôi trường, điều mà thầy Đỗ Ngọc Thanh (Hiệu trưởng Trường THCS Trường Sa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) quan tâm nhất chính là bồi dưỡng đạo đức, nhân cách cho các thế hệ học trò.

Ghế đá sân trường được in các công thức Toán học

Ghế đá sân trường được in các công thức Toán học

Người thầy “khai hoang”

18 tuổi, Đỗ Ngọc Thanh trở thành sinh viên Khoa Sư phạm Toán, Trường ĐH Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp, thầy Thanh được phân công về dạy tại Trường THCS Hoàng Diệu (khi đó là trường bán công). Qua năm thứ 2, thầy đã tham gia thi và đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đến năm học thứ 3, cô hiệu phó chuyển công tác, thầy Thanh là người được lựa chọn thay thế, trở thành vị hiệu phó trẻ tuổi nhất của TP Biên Hòa và gắn bó với vị trí này suốt 20 năm.

Dù ở vị trí quản lý nhưng thầy Thanh vẫn xin một “chân” dạy Toán và làm phó chủ nhiệm cho một lớp bởi thầy không muốn rời xa công việc chuyên môn của nghề giáo. Nhờ có chuyên môn tốt nên khi làm quản lý thầy cũng nhận được sự tín nhiệm của giáo viên.

Đến năm học 2008 - 2009, Trường THCS Lê Quang Định (TP Biên Hòa) được thành lập, thầy Thanh được phân công về làm hiệu trưởng. Trong 9 năm công tác tại trường, thầy đã xây dựng nên một ngôi trường có nền móng dạy - học vững chắc. Năm học 2017 - 2018, khi Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) thành lập, thầy Thanh lại được phân công về đây công tác.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa nhận xét: “Thầy Thanh là một cán bộ quản lý có năng lực và luôn hoàn thành rất tốt công việc được giao. Vì thế, khi thành lập trường mới, chúng tôi lựa chọn thầy để xây dựng “nền móng” cho ngôi trường mới”. Còn các đồng nghiệp vẫn ví thầy là một người đi “khai hoang” bởi thầy luôn là hiệu trưởng đầu tiên của những ngôi trường mới thành lập.

Thầy Đỗ Ngọc Thanh

Bồi dưỡng đạo đức, kiến thức cho học trò

Trăn trở lớn nhất hiện nay của thầy Thanh chính là vấn đề nâng cao đạo đức cho học sinh. Đó cũng là lý do mà thầy thường đem những bài giảng về đạo lý làm người, về đức hiếu thảo với cha mẹ để răn dạy học trò trong mỗi thứ hai chào cờ đầu tuần.

Thầy cho biết: “Để buổi chào cờ đầu tuần thiết thực, bổ ích, nhà trường chỉ dùng một khoản thời gian ngắn để thông báo tình hình thi đua trong tuần, còn phần lớn thời gian còn lại dành cho các hoạt động như: ôn luyện kiến thức, giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền pháp luật”. “Báo cáo viên” thường là chính thầy hiệu trưởng. Chẳng hạn, trong tuần lễ “Ngày của mẹ”, thầy Thanh đã hỏi toàn trường một câu: “Trong chúng ta, ai đã từng có lỗi với mẹ, làm cho mẹ buồn”? Hỏi xong, chính thầy Thanh cũng giơ tay. Thầy bảo, thầy cũng từng phạm lỗi, từng làm cho mẹ thầy buồn.

Rồi thầy hỏi, ai có thể kể cho các bạn nghe về lỗi lầm của mình. Lần ấy, có một học sinh nam đã đứng trước toàn trường kể về lỗi lầm của mình. Ngày tổng kết năm học, thầy đã tặng quà và tuyên dương em vì sự tự giác của mình. Thầy còn chú ý dặn học trò từng li, từng tí những kỹ năng cần có trong cuộc sống: “Các con ở nhà nếu có người lạ đến xin vào nhà sửa điện, nước… thì con phải gọi hỏi ba mẹ xem có đúng không kẻo bị lừa; nếu có người lạ cho con bất cứ thứ gì thì con đừng nên lấy…”.

Ngoài việc chú ý giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thầy Thanh còn nỗ lực giúp học sinh ghi nhớ kiến thức. Thỉnh thoảng trong tiết chào cờ đầu tuần, thầy tổ chức khảo bài học sinh. Với các môn Toán, Lý, Hóa, thầy là người trực tiếp kiểm tra kiến thức. Với các môn Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, cô hiệu phó sẽ mời các lớp được chọn vào phòng để làm bài kiểm tra. Thầy có sáng kiến ghi những công thức Toán học, Vật lý, Hóa học lên những chiếc ghế đá trong sân trường. “Tôi còn dự định ghi các công thức ở chân các cầu thang nữa. Bên cạnh đó là những câu thơ, danh ngôn, tục ngữ về đạo lý làm người. Ngày nào các em cũng thấy thì chắc sẽ ghi nhớ được ít nhiều”, thầy Thanh cho hay.

Thầy Thanh còn sắm một cuốn sổ gọi là sổ “nề nếp” để ghi chép lại tất cả mọi việc cần lưu ý trong trường. Thầy dặn học trò nếu có bức xúc gì thì cứ lên trực tiếp gặp thầy để phản ánh. Tuy sẵn sàng lắng nghe học sinh nhưng thầy Thanh cũng tự nhận mình là người khá nghiêm nghị. Vì thế, học sinh có phần “sợ” thầy.

Tuyên dương học sinh xuất sắc

Chưa bao giờ dùng hình thức đuổi học

“Tôi cũng băn khoăn nhiều về cách thức để duy trì kỷ luật của nhà trường. Học sinh quá đông, năm nay, trường chúng tôi có hơn 3.000 học sinh, nếu không có kỷ luật tốt thì khó lòng quản lý được. Nhưng cần xử lý như thế nào với học sinh vi phạm luôn là vấn đề mà tôi đặt ra. Có những em phải phạt thì mới sợ mà tuân thủ. Nhưng cũng có những em chỉ cần bị la mắng một chút thôi là đã tổn thương rồi, nói chi đến việc bắt em lên đứng ở cột cờ. Với những em buộc phải ra hội đồng kỷ luật nhà trường, bao giờ chúng tôi cũng yêu cầu em trực tiếp xin lỗi cha mẹ. Những lần như thế, cả phụ huynh và học sinh đều khóc vì xúc động”, thầy Thanh tâm sự.

Nói vậy nhưng 30 năm làm quản lý, thầy Thanh chỉ luôn “giơ cao đánh khẽ” đối với những học sinh vi phạm và chưa bao giờ dùng đến hình thức kỷ luật đuổi học.

Về phần phụ huynh, đa số rất đồng tình với cách làm của thầy. Bởi nhờ sự nghiêm khắc ấy mà con cái của họ đi vào nề nếp. Có nhiều phụ huynh mỗi sáng thứ 2 chở con đến trường xong còn nán lại ngoài cổng để lắng nghe thầy Thanh răn dạy học trò. Chính sự nghiêm khắc nhưng chân thành của thầy Thanh đã góp phần tạo dựng nên nề nếp cho học sinh toàn trường.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-duc-dao-duc-qua-nhung-cau-chuyen-doi-thuong-3981458-b.html