Giáo dục đạo đức cho học sinh: Gương sáng từ những người thầy

Năm học mới 2019 - 2020, toàn ngành GD-ĐT xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV. Để làm tốt công tác này, trước hết, người thầy phải là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách.

“Thầy cô mẫu mực - trò tích cực” là mong mỏi của toàn xã hội (giờ học ở Trường THPTLê Hồng Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Lê Yên

“Thầy cô mẫu mực - trò tích cực” là mong mỏi của toàn xã hội (giờ học ở Trường THPTLê Hồng Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Lê Yên

Thiếu gương mẫu do đâu?

Đạo đức nghề nghiệp là tiêu chuẩn đầu tiên, cốt lõi, là điều kiện nền tảng, bắt buộc của mỗi người thầy giáo. Quy định “các hành vi nhà giáo không được làm” được nêu rõ tại Điều 75 của Luật Giáo dục (2005) và Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (2009). Ngày 16/4/2008, Bộ GD&ĐT cũng ban hành “Quy định về đạo đức nhà giáo”, trong đó nêu rõ các yêu cầu cụ thể về phẩm chất chính trị; đạo đức nghề nghiệp; lối sống, tác phong; giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo…

Đạo đức nhà giáo được luật hóa khá rõ ràng, thế nhưng thực tế vẫn có không ít giáo viên vi phạm, một số trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội. Những biểu hiện vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của HSSV, đến uy tín, hình ảnh của nhà giáo, mà còn khiến cho một bộ phận xã hội giảm sút niềm tin vào nền GD nước nhà.

Theo nhà giáo Vũ Đình Bảy (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM): “Ai đó chọn nghề dạy học chỉ với mục đích đơn giản là để có một kế sinh nhai, họ sẽ không tìm thấy niềm vui, sự đam mê trong công việc dạy học, không có tình yêu thương và không có thiện cảm với trẻ em. Có nghĩa là người đó đã chọn nhầm nghề để theo đuổi. Và chắc chắn, những hậu quả, tác hại do sự lựa chọn sai lầm này gây ra đối với bản thân người dạy học, đối với học trò và xã hội là không thể lường hết được”.

Từ thực tế làm GV lâu năm, nhà giáo Trần Hoàng Đợi (Trường CĐ Giao thông Huế) bày tỏ: “Nhà giáo, không chỉ là một nghề, nó như là cái “nghiệp”, cái “duyên” cho mỗi người đã trót mang theo. Người ta không thể vụ lợi, chộp giật, sòng phẳng ăn thua trong nghề giáo được. Bởi làm như vậy, người thầy sẽ bị thay đổi bản chất của mình. Họ sẽ thành kẻ đi buôn - “buôn chữ”. Thời kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hiện nay, GV phải có đủ bản lĩnh - giữ cho trọn chuẩn mực nhà giáo, dám đương đầu với những chuyển biến sâu sắc của thời đại đầy biến động”.

Một số GV bị suy thoái đạo đức do đâu? Nhà giáo Trần Thị Kim Cúc (ĐHSP Đà Nẵng) cho rằng: “Chúng tôi đã khảo sát 88 SV Khoa GD Tiểu học về những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thiếu gương mẫu của GV. Kết quả có 71/88 SV (80%) cho rằng do ảnh hưởng vấn đề kinh tế; 14/88 SV nhận định áp lực trong công việc giảng dạy chiếm 16% và 3/88 (4%) số em được hỏi nói rằng do ảnh hưởng của mạng xã hội”.

Đường đến Trường Mầm non Mường Ải của các cô giáo
xã biên giới Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh:Minh Khuê

Vững vàng, vượt qua mọi thách thức

Hiện nay, giáo viên phải đối mặt với nhiều khó khăn, cả về thu nhập lẫn áp lực công việc. Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng (và nhóm cộng sự ở ĐHSP TPHCM), khảo sát gần đây trên 200 SV ĐHSP TPHCM và GV, nhân viên (NV) một số trường phổ thông (PT) trước những tiêu cực hiện nay của ngành GD- ĐT, kết quả cho thấy: 54,72% GV&NV trường PT thấy lo lắng, hoang mang. 46,5% SV cảm thấy hoang mang, e ngại về sự an toàn nghề dạy học sau này. Đáng lo ngại, có 15% GV&NV trường PT cảm thấy xấu hổ, mất tự tin khi công tác trong ngành GD, 11% SV cho rằng thiếu tự tin, xấu hổ khi theo học sư phạm.

Để nhà giáo yên tâm với nghề, cần thiết phải có những đổi mới về mục tiêu, chính sách. Nhà giáo Đặng Thế Anh (Trường CĐSP Lạng Sơn) lưu ý: “Nếu mục tiêu GD chỉ giới hạn ở tỷ lệ nhập học của trường và theo đuổi kết quả điểm học tập; chiến lược giảng dạy của GV dựa trên việc chú trọng dạy kiến thức thì việc cải thiện đạo đức nghề nghiệp của GV sẽ bị hạn chế rất nhiều”.

Tuy vậy, đa số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều nhất trí rằng: Để nâng cao đạo đức cho đội ngũ nhà giáo - trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới GD-ĐT hiện nay, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Nhưng trước hết, mỗi nhà giáo phải luôn tự ý thức được vị trí, vai trò, sứ mệnh cao cả của mình trước HS, đồng nghiệp và xã hội.

Nhà giáo Phạm Hùng Dũng (Trường CĐ Kinh tế TPHCM) lưu ý: “Thầy, cô giáo chỉ nói hay, truyền đạt kiến thức tốt là chưa đủ. Quan trọng nhất là người thầy phải có đủ kiến thức về tâm lý học, GD học để có khả năng thấu hiểu từng HS. GV phải biết vận dụng những phương pháp dạy học tích cực, nhằm khơi dậy tính năng động, sự sáng tạo của HS, dẫn dắt các em tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp và ngoài nhà trường”.

Cùng với sự vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi nhà giáo với lương tâm và trách nhiệm của mình phải không ngừng tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ bản lĩnh để đấu tranh, vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những cám dỗ, áp lực bon chen từ cuộc sống, để giữ gìn, phát triển phẩm chất cao đẹp của người thầy, trở thành tấm gương sáng trong GD đạo đức cho học sinh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới GD nước nhà.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giao-duc-dao-duc-cho-hoc-sinh-guong-sang-tu-nhung-nguoi-thay-4044738-b.html