Giáo dục, còn đó nỗi buồn...

Vừa qua, có câu chuyện các học sinh ở Thanh Hóa bị đuổi học vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội. Là một người từng đi học, đi dạy, làm cán bộ quản lý ngành giáo dục, tôi có nhiều suy nghĩ.

Thầy và trò trong lễ tri ân của học sinh trường PTTH Trưng Vương (TPHCM) niên học 2017-2018. Ảnh: THÀNH HOA

1. Các đồng nghiệp của tôi (tại trường PTTH Nguyễn Trãi) đúng là có vội vàng. Học trò, tùy hoàn cảnh, con người, tâm tính mỗi em mỗi khác. Nhà giáo thì phải giữ được tâm bình an để thấu hiểu học sinh và để ứng xử khéo léo với “những con ngựa chứng”. Dòng sông có phẳng lặng thì mới có thể nhìn thấu tới đáy.

2. Học trò ngày nay đã thay đổi rồi. Xã hội ngày nay có xu hướng đề cao cá nhân. Học đường không còn là thánh đường. Dân chủ trong trường học, những hướng dẫn, những thông tư, những quy định ràng buộc người dạy và người học. Mặt khác, việc giũ bỏ quyền năng nơi người thầy không dễ. Nên trong dạy học, có lúc thầy cô... vướng luật!

Thầy cô không được xem tin nhắn trên điện thoại của học sinh vì đó là bí mật thư tín, là quyền trẻ em. Biết là thế, nhưng như tôi - một nhà giáo xưa, sao cứ thấy chông chênh. Tuân thủ quy định, chuẩn mực cuộc sống, quan hệ thầy trò... mọi thứ đan xen mà qua lăng kính mang tên quy định cùng trào lưu a dua ném đá trên mạng xã hội, ít có những tiếng nói bảo vệ các thầy cô. Báo chí cũng vậy, có những bài viết dùng lời lẽ đến cay nghiệt.

3. Đạo đức học đường hiện nay nổi lên nhiều vấn đề. Dường như mẫu số chung là tâm trạng lo lắng, băn khoăn. Cũng đã có nhiều giải pháp đưa ra nhưng sự thay đổi thì chưa được bao nhiêu.

Ứng xử trên mạng xã hội của học sinh, sinh viên làm đau đầu thầy cô, phụ huynh. Đã có trường ban hành quy định khá chặt chẽ, tuy chưa nhiều. Căn cứ để xem xét kỷ luật học sinh phổ thông là Thông tư 08 của Bộ Giáo dục ban hành ngày 21-3-1988, cách đây đã 30 năm. Trong khoảng thời gian ấy, tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi nhiều. Học đường thay đổi cả về chất, lượng, phương pháp, mô hình... mà Thông tư 08 vẫn giậm chân tại chỗ. Thầy - trò - cán bộ quản lý thiếu những ràng buộc cần phải có. Việc kỷ luật học sinh được “vận dụng” có lúc do cảm tính, đúng/sai chỉ là gang tấc.

4. Học đường phải kỷ cương, được tự chủ, áp dụng chương trình của nhà trường với bộ công cụ đánh giá cùng quy tắc ứng xử linh hoạt, đặc thù. Có như thế, quyền và lợi ích chính đáng của thầy trò mới được phát huy đầy đủ. Nhưng mong ước đó cũng chỉ là mong ước. Hệ lụy là những tính toán vô cảm nhằm mang đến sự an toàn ích kỷ; những đòi hỏi từ nhiều phía lên học đường, thiếu căn cứ và cảm thông vô hình trung làm nhà giáo vốn đã yếu thế nay càng đơn độc. Một hình ảnh nhà giáo như thế, khi đứng trên bục giảng, họ không khác thợ dạy, học sinh im lặng ghi chép, còn niềm tin thì các em gửi ở bên ngoài cửa lớp. Thầy cô đánh mất cái thiêng liêng cần có để rồi trái tim người thầy không còn nằm trong những trang giáo án.

5. Lại sắp đến Ngày nhà giáo Việt Nam. Đã có sở giáo dục và đào tạo nhanh chóng thông báo không nhận hoa, quà, tiếp khách nhân ngày 20-11. Phải chăng vì nhiều năm qua, ngày 20-11 luôn gắn với hoa và quà? Phải chăng ngày càng có nhiều góp ý lẫn nói xấu, nói hỗn với thầy cô trên mạng xã hội và cả trong đời thực? Phải chăng... phải chăng còn nhiều điều đau xót hay khó nói khác?

Có những người vẫn ủng hộ nhà giáo. Quê nghèo của tôi có người thật thà thường gửi tặng thầy cô những bông hoa dại vào ngày 20-11, tại sao không?

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281286/giao-duc-con-do-noi-buon.html