Giáo dục con bằng cách mắng mỏ trước mặt bạn bè, nên hay không?

Nhiều cha mẹ thường chọn hình thức giáo dục nghiêm khắc như răn đe, phê bình, thậm chí mắng con trước mặt bạn bè khiến bé xấu hổ để cố gắng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cách giáo dục này có thực sự phù hợp?

Ảnh: Internet

Lý do nào khiến các phụ huynh chọn cách giáo dục mắng con trước mặt bạn bè

Cha mẹ mắng con trước mặt bạn bè là điều khá quen thuộc và phổ biến trong đời sống. Có rất nhiều lý do khiến cha mẹ hành xử như vậy, một trong số đó chính là cha mẹ muốn con khơi dậy sự tự hào về bản thân để từ đó thay đổi hành vi.

Bên cạnh đó, có thể trong thời điểm này cha mẹ cũng chưa có một kỹ thuật xử trí tốt hơn, và mắng con trước mặt bạn bè là lựa chọn duy nhất. Ngoài ra, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc phụ huynh nôn nóng trong việc mong con có được thành tựu, họ cảm nhận được rằng nếu bây giờ dịu dàng và ôn hòa với con, kiên nhẫn để nói ra chuyện con sai chỗ nào và con nên làm gì mất quá nhiều thời gian, lại chưa chắc đã có hiệu quả.

Cho nên cách tốt nhất phụ huynh cảm nhận lúc này là chỉ cần nạt con, mắng con trước mặt bạn bè làm cho con cảm thấy xấu hổ với người khác, là ngay lập tức hành vi đó của con được dừng lại. Tuy nhiên, cha mẹ lại quên rằng, trong quá trình giáo dục thì kết quả giáo dục cần được kiểm nghiệm trong thời gian rất dài, chứ không phải ngay lập tức.

Nguy hại nghiêm trọng từ việc mắng con trước mặt bạn bè

Khi bị mắng trước mặt bạn bè, trẻ cũng như người lớn sẽ có sự trộn lẫn của rất nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, tùy từng độ tuổi trẻ sẽ có thêm những phát sinh khác. Tựu chung lại, trước tiên trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, vì hình ảnh của mình trở nên méo mó trong mắt bạn bè, sẽ mất đi niềm tự hào chính bản thân.

Đằng sau sự thất vọng và sụp đổ hoàn toàn, trẻ cũng có thể cho qua đi nếu sợi dây gắn kết yêu thương của gia đình bền chặt, tất nhiên cho qua không có nghĩa là quên đi. Ngược lại những gia đình có sự gắn kết lỏng lẻo, đứa trẻ sẽ rất dễ nổi loạn và bùng nổ. Theo đó, tùy khí chất trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau như, trẻ có khí chất yếu, sẽ thản nhiên và thờ ơ trước những lời la rầy, mắng mỏ của cha mẹ. Song với trẻ có khí chất mạnh, con sẽ lập tức phản ứng và cãi lãi phụ huynh.

Nghiêm trọng hơn, đây là tuổi có hoạt động chủ đạo là hoạt động giao lưu bạn bè, có nghĩa là vai trò của bạn còn quan trọng hơn người lớn. Theo đó, vì sự sĩ diện của bản thân và sự kêu gọi của bạn bè, các con sẽ tự tìm đến với nhau, làm xuất hiện những hình ảnh không vui trong cuộc sống như các con cùng bỏ nhà ra đi, thậm chí đã xuất hiện những vụ tự tử tập thể.

Thông thường trẻ sẽ có sự khác biệt về thích nghi tâm lý khi bị cha mẹ mắng trước mặt bạn bè lần đầu tiên và nhiều lần. Lần đầu tiên khi cha mẹ dùng 'chiêu' đủ tế nhị nhưng cũng đủ mạnh, để báo cho trẻ biết ba mẹ đang không hài lòng về con, có thể điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt. Lúc này trẻ sẽ phản tỉnh lại bản thân về những điều bất ổn ở mình, từ đó có sự điều chỉnh hành vi.

Nhưng với những trẻ, việc la mắng con trước mặt bạn bè quá nhiều lần thì lâu ngày tác động giáo dục này đã không còn giá trị nữa. Bởi trẻ đã quá thích nghi với điều này, hơn nữa nó sẽ trở thành một quy chuẩn trong mắt trẻ về cách hành xử của cha mẹ, khiến con không coi đây là một sự trách phạt, mà chỉ là cha mẹ chưa bao giờ tôn trọng mình. Từ đó làm rạn nứt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, phụ huynh cũng sẽ rất vất vả trong các phương pháp giáo dục khác vì lúc này con đã không còn niềm tin với cha mẹ nữa.

Mắng con trước mặt bạn bè có phải là lựa chọn giáo dục duy nhất?

Không có một công thức giáo dục chung nào cho mọi đối tượng, chúng ta cần dùng sự mẫn cảm, tinh tế của vai trò làm cha mẹ để biết con thuộc dạng gì về tình cảm, khí chất và đặc trưng tâm lý để có sự điều chỉnh trong phương pháp giáo dục với con.

Giáo dục con trẻ là quá trình rất lâu dài và có mục tiêu, đừng xử lý những câu chuyện bề nổi và mang tính thời điểm sẽ không có giá trị. Nếu có mục tiêu lâu dài trong việc giáo dục con, bạn hoàn toàn có đủ khả năng kiếm chế cảm xúc, để không la mắng con trước mặt bạn bè tại thời điểm đó.

Cha mẹ dù nói bất cứ điều gì cần lưu ý đừng làm con bị tổn thương, nhưng cũng cần đủ tác động đến trẻ để đánh thức cái chân - thiện- mỹ ở bên trong, khiến trẻ tự điều chỉnh hành vi. Mỗi ngày 30 phút dành cho con, không phải điều quá sức với người làm cha mẹ, để qua đó có thể nắm bắt tâm lý, chia sẻ cùng con, có niềm tin về con và kiên nhẫn theo đuổi đến cùng quá trình giáo dục con.

Theo Thegioitre

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giao-duc-con-bang-cach-mang-mo-truoc-mat-ban-be-nen-hay-khong-514138.htm