Giáo dục an toàn mạng: Giúp trẻ an toàn từ trường học

Các trào lưu thử thách, gia tăng bạo lực học đường bởi mâu thuẫn trên mạng, trẻ xâm phạm cơ thể bạn cùng lớp do xem phim ảnh…

Học sinh cần được trang bị kiến thức để phòng tránh các trang mạng độc hại. Ảnh: IT

Học sinh cần được trang bị kiến thức để phòng tránh các trang mạng độc hại. Ảnh: IT

Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm đưa giáo dục an toàn mạng vào trường học, mà cụ thể bộ môn Tin học để giáo dục kiến thức, kỹ năng mạng tốt hơn cho trẻ.

Lệch chuẩn từ mạng

Xã hội phát triển, mạng Internet trở nên phổ biến và thông dụng hơn với mỗi người. Nó không chỉ mang lại cơ hội học tập, giáo dục cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Thực tế cho thấy, sử dụng mạng xã hội thiếu định hướng và không có kỹ năng tự bảo vệ, trẻ phải đối diện với hàng loạt nguy cơ như: Bị dụ dỗ tham gia những hoạt động vi phạm pháp luật, trở thành nạn nhân của tội phạm. Thậm chí bị xâm hại tình dục, bạo lực học đường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dụ dỗ mua bán ma túy.

Gần đây nhất, một bé trai tại trường mẫu giáo ở Hải Phòng trong giờ ngủ trưa đã có hành vi được cho là xâm phạm cơ thể bé gái cùng lớp khiến dư luận dậy sóng. Chỉ trích giáo viên, nhà trường cũng có nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng, đây là hệ lụy từ việc trẻ tiếp cận những hành vi xấu từ điện thoại, Internet, thậm chí vô tình nhìn thấy người lớn thực hiện mà tò mò làm theo... chứ không ý thức về tình dục và chưa biết đó là hành vi xấu.

TS chuyên ngành giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) khẳng định: Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ có hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, mạng Internet với không ít phim, hình ảnh, truyện "đen"… không được ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, xử lý triệt để… là nguyên nhân đáng quan ngại hơn cả.

"Để bảo đảm an toàn cho trẻ trên không gian mạng, cần thiết và quan trọng hơn cả là tăng cường giáo dục kỹ năng an toàn từ các cơ sở giáo dục và bắt đầu từ cấp học nhỏ nhất. Các nội dung giáo dục an toàn mạng có thể lồng ghép các môn học, và đặc biệt bộ môn Tin học..." – TS Vũ Việt Anh bày tỏ quan điểm.

Không ít trẻ em ở lứa tuổi mầm non đã được bố mẹ cho sử dụng các thiết bị kết nối Internet. Ảnh: IT

Giáo dục sớm – an toàn cao

TS Vũ Việt Anh cho rằng: Giao tiếp mạng xã hội cũng như giao tiếp thông thường. Vì vậy nếu trẻ không được học sẽ dễ mắc những lỗi sơ đẳng. Và thậm chí, khi "trống" những kiến thức, kỹ năng trên mạng xã hội sẽ dẫn tới những hệ quả không tốt.

Mặt khác, dạy kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội thông qua bộ môn Tin học cần triển khai sớm (có thể từ tiểu học). Nội dung dạy cần thực tế và sinh động hơn để thu hút sự quan tâm. Thay lý thuyết khô cứng bằng những kỹ năng thiết thực có thể ứng dụng vào cuộc sống, giúp HS nhận biết được đúng sai, biết đề phòng, xử lý các tình huống nhất định… Thay vì kiến thức hàn lâm, HS có thể học cách lập trình, chơi game, điều khiển, giao tiếp, ứng xử văn hóa trên mạng, cách thức sử dụng mạng xã hội... qua các giờ Tin học.

Theo TS Vũ Việt Anh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không cho trẻ giao tiếp trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa đóng cánh cửa tương lai của trẻ. Điều cha mẹ cần chú ý để tạo ra sự an toàn cho trẻ khi tham gia mạng xã hội là hãy tạo các từ khóa để chặn website, phần mềm độc hại… Cha mẹ nhất định phải đọc, nghiên cứu và hiểu biết về những công cụ lọc, chặn để có thể ứng dụng vào việc hạn chế trẻ truy cập những nội dung không tích cực..

Mặt khác, hãy dạy và hướng dẫn con trẻ cách tìm các từ khóa tích cực, tránh lan man, tập trung vào đúng vấn đề, lĩnh vực mà mình quan tâm; Đồng thời đưa ra kế hoạch, thời gian nhất định khi trẻ lên mạng. Bố mẹ phải đóng vai trò là người giám sát, hỗ trợ, đồng hành chứ không thể cấm đoán, dẫn dắt.

NGND.PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (Hà Nội) cũng khẳng định: Đưa giáo dục an toàn không gian mạng vào trường học từ sớm là vô cùng cần thiết. Đối với bậc tiểu học, ngoài việc đưa vào giáo dục kỹ năng an toàn trên mạng vào môn Tin học, có thể giáo dục thông qua các môn học khác để HS dễ dàng nhận biết thông tin lành mạnh, có khả năng từ chối hay ứng phó với tình huống xấu, gây tác hại cho bản thân và cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh khẳng định: Việc giáo dục kỹ năng an toàn mạng từ bậc tiểu học không hề sớm bởi hiện nhiều gia đình đã cho con em sử dụng các phương tiện kết nối mạng. Đừng nghĩ các em còn nhỏ không biết gì mà chủ quan hoặc bỏ qua giáo dục an toàn mạng. Giáo dục sớm là cách bảo vệ và giúp các em tiếp xúc với môi trường mạng an toàn lành mạnh từ khi bắt đầu hình thành tư duy ý thức cuộc sống...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc-an-toan-mang-giup-tre-an-toan-tu-truong-hoc-20200622112401614.html