Giáo dục 4.0 - Giấc mơ hoa của giới trẻ Việt

Có lần một bạn sinh viên trẻ đặt với tôi câu hỏi giữa buổi thuyết trình khiến tôi chới với. 'Thưa thầy, rồi đến thời đại 4.0 thì sinh viên chúng em sẽ là ai?'.

Cánh tay robot trị giá khoảng 10 tỉ đồng tại một công ty sẽ thay thế nhiều công nhân - Ảnh: Phương Yên

Chới với là vì chính tôi, thầy giáo, cũng không chắc đã lường được hết chuyện chúng tôi sẽ là ai giữa thời đại ấy. Thế là suốt nửa buổi thuyết trình còn lại, tôi bị ám ảnh bởi cái viễn cảnh về giá trị bản thân chưa có tính ngữ nào thật sự đúng để diễn tả lúc này.

Thời đại 4.0 - viễn cảnh của một xã hội mà sự tích hợp đa công nghệ cộng với trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại sự phục vụ không thể tuyệt vời hơn cho con người như thể một lời mời gọi đầy cám dỗ của tương lai. Thế là nhiều người Việt tự gọi tên mình trong một giấc mơ hoa, rằng chúng ta sẽ đủ niềm tin vào trí tuệ Việt để bước lên chuyến tàu siêu tốc của thời đại đa công nghệ và băng băng về phía trước cùng nhân loại. Cụm từ 4.0 bỗng dưng lọt vào đời sống Việt như một giấc mơ lấp lánh.

Và thêm một lần nữa, giáo dục ngay lập tức được giao phó sứ mệnh 4.0. Các nhà quản lý giáo dục, các trường đại học ngay lập tức nhắc đến cụm từ giáo dục 4.0 như một mục tiêu chiến lược mới cần theo đuổi. Lứa tân sinh viên khóa 2017 bắt đầu được nắm tay chỉ hướng về giáo dục 4.0. Những ước mơ làm nên thành công ngoạn mục với ý tưởng sáng tạo siêu việt nào đó lóe lên trong trí não nhờ bắt kịp mạch kết nối và tích hợp của thời đại. Những cụm từ ngữ sóng sánh ý tưởng kỳ diệu của công nghệ 4.0 như Internet of Things (IoT), không gian mạng thực -ảo (cyber - physical system), điện toán đám mây (cloud computing), điện toán nhận thức (cognitive computing), big data, nhà máy thông minh (smart factory)... nhảy múa trong thông điệp định hướng của thầy cô với học trò về tương lai.

Nhưng có thầy cô nào sẽ thật sự biết phải nói điều gì rõ ràng với học sinh về thời đại 4.0 mà họ sẽ lớn lên và ở đó?

Thay đổi

Hôm 20.11.2017, có lứa học trò rủ nhau mua tặng văn phòng khoa vài món đồ dùng. Một lứa khác, học sau nhiều khóa, nghĩ ra trò sáng tạo tặng thiệp có ảnh thầy cô vẽ theo phong cách Chibi và lời chúc mừng chứa trong mã QR in trên thiệp. Thầy trò thi nhau cười vui rộn rã. Tôi nói đùa, rằng lứa sinh viên cũ tặng đồ thực, tức là chỉ dấu rõ ràng còn thuộc về thời đại 2.0. Còn lứa sinh viên mới hơn thì tặng đồ ảo, tức là xác lập tư thế công dân thời đại 4.0.

Là nói đùa cho vui vậy, nhưng rồi vẫn nghĩ ngợi, rằng có phải, chẳng đợi ai phất cờ xuất phát đâu, giới trẻ đã cứ từ từ một cách tự nhiên tiến về thời 4.0 rồi đấy. Bọn trẻ cứ hồn nhiên và thong thả học lấy những đổi thay của thời đại rồi hành xử theo đó. Thầy cô cũng vì thế mà “biến đổi” theo học trò. Hết dịp lễ 20.11, tôi cũng loay hoay để tự học cách làm lời chúc đóng gói trong mã QR để đáp từ sinh viên. Thầy cô có dám thay đổi không?

Cái câu hỏi “bạn sẽ là ai trong thời 4.0” hóa ra là một câu hỏi dẫn giáo dục về với đích thực giá trị nhân văn của nó. Là thầy cô, phải can đảm chấp nhận một ý niệm mới về dạy học. Là dạy nhau, và học cùng nhau. 4.0 có thể sẽ san lấp một trong những khoảng cách có tính biểu tượng của xã hội truyền thống là khoảng cách tri thức giữa thầy và trò. Có lẽ, vai trò quan trọng nhất của người thầy còn được thừa nhận trong thời 4.0 là vai trò của người gợi ý, người xúc tác. Có lẽ, chưa lúc nào trong lịch sử giáo dục nhân loại bằng thời đại 4.0 sắp đến, giáo dục sẽ tự nhiên mà đạt đến cái giá trị chân xác đã tìm kiếm tự lâu rồi: “Chín phần mười của giáo dục là sự khích lệ”.

Dạy nhau, học cùng nhau

Người ta nói rằng robot sẽ làm thay con người ở nhiều công việc. Nhiều nhà máy sẽ không còn cần đông công nhân nữa. Trí tuệ nhân tạo sẽ can dự sâu sắc vào đời sống con người. Robot nữ Sophia lên sóng truyền hình chơi oẳn tù tì và đe dọa nhân loại. Ôi viễn cảnh xã hội công nghệ 4.0!

Nhưng có lẽ người ta còn chưa nói hết nhẽ, rằng luôn có rất nhiều việc mà robot chẳng bao giờ có thể làm thay được con người. Bản thân con người luôn là một phần của sự tiến hóa, đặc biệt là sự tiến hóa của trí tuệ. Vậy nên, giáo dục 4.0 có sứ mệnh đặc biệt, và phải được thực hiện ngay từ bây giờ, là khơi nguồn sáng tạo vô tận ở mỗi học trò trẻ tuổi và khích lệ họ học tập bằng chính bản thân họ. Chứ không phải trói họ vào bài vở khuôn sáo. Giáo dục 4.0 sẽ không lấy thầy cô hay học trò làm trung tâm, mà lấy năng lực cá nhân làm trung tâm (competence - centered), kể cả năng lực của thầy cô.

Thôi cứ để giấc mơ hoa 4.0 dẫn dắt tương lai giới trẻ! Thầy cô đừng quên khích lệ học trò. Đừng quên dạy nhau, học cùng nhau.

TS Huỳnh Văn Thông

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/giao-duc-40-giac-mo-hoa-cua-gioi-tre-viet-931905.html