Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 100% trong 6 tháng đầu năm

Đến nay, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Ngày 21/7 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kích hoạt sự kiện Không dùng tiền mặt năm 2022 và “Tọa đàm mở về chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”. Những con số được báo cáo tại tọa đàm cho thấy công nghệ chuyển đổi số của ngành ngân hàng đang ngày càng phát triển.

Theo ghi nhận từ hệ thống của NAPAS, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Còn theo số liệu từ NHNN, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT) đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Đến nay, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Qua đó cho thấy dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.

Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện của Napas đã trình bày tham luận về các chính sách và kỳ vọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Bài tham luận đã nêu ra dư địa và các tiềm năng sẵn có về chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để Việt Nam triển khai tốt các giải pháp thanh toán không tiền mặt; đồng thời, đưa ra các dịch vụ thanh toán hiện đại và tối ưu nhất cho người dân như: Thẻ chip, thanh toán bằng mã VietQR, Thanh toán di động (mobile Payment), thanh toán bằng phụ kiện đeo tay (Wearable)…

Hiểu Lam

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giao-dich-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tang-gan-100-trong-6-thang-dau-nam-42022227145214900.htm