Giao dịch chứng khoán chiều 27/1: Thị trường tràn ngập sắc xanh phiên khai Xuân Quý Mão

Bất chấp sự đảo chiều của nhóm chứng khoán và một số cổ phiếu ngân hàng, thị trường vẫn duy trì sắc xanh trong ngày khai Xuân Quý Mão và có phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp. Điểm nhấn thuộc về nhóm khai khoáng với sắc tím ngập tràn.

Sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 27/1 khá tích cực. Cùng dòng tiền nhập cuộc khá sôi động với tâm lý “mở bát” đầu năm giúp thanh khoản cải thiện và hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch khởi sắc, nhanh chóng kéo VN-Index lên mốc 1.120 điểm ngay khi mở cửa.

Đà tăng được duy trì khá tốt trong suốt cả phiên sáng đã lan sang phiên chiều, giúp chỉ số VN-Index tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút mở cửa, thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều cổ phiếu dần thu hẹp độ cao hoặc quay đầu đảo chiều.

Chỉ số VN-Index thu hẹp đà tăng, lùi về sát mốc 1.110 điểm trước khi bật hồi trở lại trong đợt khớp lệnh ATC. Dù không thể lấy lại được ngưỡng 1.120 điểm, nhưng VN-Index đã kết thúc phiên giao dịch khai Xuân khá tích cực với mức tăng hơn 9 điểm.

Đáng chú ý, trong khi các nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán phân hóa và quay đầu giảm điểm, thì nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng lại nới rộng đà tăng trong phiên chiều với sự cầm đầu của cổ phiếu lớn VIC.

Đóng cửa, sàn HOSE có 275 mã tăng và 132 mã giảm, VN-Index tăng 9,02 điểm (+0,81%), lên 1.117,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 617,7 triệu đơn vị, giá trị 11.729,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,07% về khối lượng và 5,35% về giá trị so với phiên trước đó (19/1). Giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,32 triệu đơn vị, giá trị 728,85 tỷ đồng.

Nhóm VN30 ghi nhận mức tăng 8,73 điểm với 20 mã tăng và 8 mã giảm. Trong đó, các mã tăng tốt là SAB tăng 4%, GAS tăng 3,5%, GVR tăng 3,4%, VIC tăng 3,1%, BVH và VRE cùng tăng 2,2%, TPB và VHM cùng tăng 2,1%...

Ngược lại, PDR vẫn dẫn đầu trong danh mục giảm của rổ bluechip khi đóng cửa giảm 3,2% xuống mức giá thấp nhất phiên 13.700 đồng/CP. Tuy nhiên, gánh nặng chính khiến VN-Index không giữ được phong độ như phiên sáng một phần do các mã lớn như cặp đôi ngân hàng BID và CTG giảm 2-3%, VNM giảm 1,6%, SSI giảm 1,2%...

Xét về nhóm ngành, với sự quay đầu của cặp đôi lớn BID và CTG, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trở thành lực cản đà tăng tốc của thị trường. Trong đó, BID giảm 3%, CTG giảm 2,4%, còn TCB, STB, EIB giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Cổ phiếu OCB vẫn là điểm sáng của ngành khi vẫn giữ mức tăng tốt hơn 5%, còn lại các cổ phiếu chủ yếu tăng nhẹ trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng là một điểm trừ của thị trường, trong đó cặp đôi lớn VND giảm 2,7% và SSI giảm 1,2%, đều có thanh khoản tốt, thuộc top 5 với lần lượt 35,13 triệu đơn vị khớp lệnh và 19,46 triệu đơn vị; VCI giảm 1,5%; CTS giảm 4,9%, FTS giảm 3,2%... Tuy nhiên, VIX vẫn ngược dòng thành công khi đóng cửa tăng 3,2% lên mức 8.000 đồng/CP cùng thanh khoản đứng ở vị trí thứ 8 trên thị trường với gần 13,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép duy trì đà tăng nhẹ của phiên sáng, với HPG tăng 1,7% lên 21.500 đồng/CP và khớp 26,52 triệu đơn vị; HSG tăng 2,7% lên 14.950 đồng/CP và khớp 13,8 triệu đơn vị; NKG tăng 1,6% lên 15.750 đồng/CP và khớp gần 13,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc hơn với cổ phiếu đầu ngành VIC tăng 3,14%; tuy nhiên điểm nhấn vẫn thuộc về top vừa và nhỏ. Bên cạnh HBC và LCG duy trì sắc tím, cùng HHV, SZC tăng trên 6%, cổ phiếu ấn tượng nhất trong phiên chiều là KBC. Lực cầu tăng mạnh mẽ đã giúp KBC kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 26.950 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, đạt 11,33 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu khai khoáng tiếp tục tỏa sáng trong phiên khai xuân với các mã trên sàn HOSE như FCM, DHM đều đóng cửa tăng kịch trần.

Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao trong phiên chiều khiến chỉ số HNX-Index lùi về sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 131 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,41%), lên 220,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,58 triệu đơn vị, giá trị 954,19 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,42 triệu đơn vị, giá trị 20,56 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm khai khoáng trên sàn HNX, đặc biệt là dòng than đua nhau khoe sắc tím như NBC, TVD, TMB, CLM, THT, HLC, MDC, TC6, TDN.

Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán không mấy khả quan với nhiều mã đảo chiều giảm như SHS, MBS, APS đều giảm hơn 2%. Trong đó, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 16,8 triệu đơn vị khớp lệnh; còn MBS và APS đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO đảo chiều giảm 2,6% xuống vùng giá thấp trong phiên 22.100 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS khi khớp 6,84 triệu đơn vị; TIG giảm 4,3% xuống 8.900 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị; trong khi IDC may mắn giữ được sắc xanh nhạt và chỉ tăng 0,8% lên 40.300 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, MBG vẫn khởi sắc khi đóng cửa tăng 4,3% lên 4.900 đồng/CP và khớp hơn 3,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, KLF đảo chiều về nằm sàn ở mức giá 800 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,01 điểm (+1,36%), lên 74,99 điểm với 253 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,87 triệu đơn vị, giá trị 502,77 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn giữ phong độ khi đóng cửa tăng 6,9% lên mức 17.000 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với 13,98 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, C4G vươn lên vị trí thứ 2 về thanh khoản với khối lượng giao dịch hơn 3,31 triệu đơn vị nhưng biên độ thu hẹp đáng kể khi đóng cửa chỉ còn tăng 2,5% lên mức 12.400 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, PVX vẫn giữ mức tăng 8%, đóng cửa đứng tại mức giá 2.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,35 triệu đơn vị.

Cũng thuộc nhóm cổ phiếu than, CST đã nhanh chóng kéo trần từ phiên sáng và đóng cửa giữ vững mức giá trần 19.400 đồng/CP với thanh khoản tích cực, đạt 0,82 triệu đơn vị và dư mua trần 60.000 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng giảm, với VN30F2302 đáo hạn gần nhất là ngày 16/2 tăng 6 điểm, tương đương +0,5% lên 1.127 điểm, khớp lệnh 178.930 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.510 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó mã CHPG2221 có khối lượng giao dịch cao nhất với hơn 2,39 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 110 đồng/cq, theo sau là CTCB2213 với 1,61 triệu đơn vị, cũng đóng cửa tại mức giá tham chiếu tại 50 đồng/cq.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-271-thi-truong-tran-ngap-sac-xanh-phien-khai-xuan-quy-mao-post314135.html