Giao dịch cây cảnh, tranh ảnh tiền tỷ: Cẩn trọng rửa tiền

Tội phạm rửa tiền đang biến tướng với nhiều chiêu trò làm sạch 'tiền bẩn' thông qua việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật.

Ngày 10/7/2019, nhận định với Đất Việt về hiện tượng nhiều cuộc giao dịch cây cảnh, đá quý, tranh ảnh có giá tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, đang tiềm ẩn hình bóng tội phạm rửa tiền.

Hành vi rửa tiền là biểu hiện của nền kinh tế thị trường và nó xuất hiện ở các nơi. Tuy nhiên, ông Kiêm cho biết, nếu như trước đây tội phạm rửa tiền thường thông qua hình thức đầu tư bất động sản, ô tô... thì bây giờ đã biến tướng sang nhiều chiêu trò, thủ đoạn khác để qua mặt cơ quan chức năng.

"Trước đây, khi giá trị của bất động sản, ô tô hay những hiện vật quý hiếm khác có giá trị cao là nơi để các tội phạm tham nhũng, buôn lậu rửa từ "tiền bẩn" sang "tiền sạch" thì bây giờ chiêu thức rửa tiền của nhóm tội phạm đó đã tìm ra nhiều chiêu thức tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng. Việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật như cây cảnh, đá quý, tranh ảnh... là một trong những lĩnh vực để nhóm tội phạm rửa tiền hướng đến" - ông Kiêm nói.

Các cuộc giao dịch tác phẩm nghệ thuật như cây cảnh, đá quý, tranh ảnh có giá hàng tỷ đồng không còn là chuyện hiếm.

Các cuộc giao dịch tác phẩm nghệ thuật như cây cảnh, đá quý, tranh ảnh có giá hàng tỷ đồng không còn là chuyện hiếm.

Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khác với bất động sản thì việc rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật thường khó xác định giá trị, người đứng sau các cuộc giao dịch đó. Bởi, việc định giá tác phẩm nghệ thuật tùy theo mỗi con người. Các cuộc giao dịch thường được thực hiện bằng tiền mặt nên rất khó phát hiện.

Việc xác định tội phạm rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật càng trở lên khó khăn hơn khi mặt hàng giao dịch có nguồn gốc từ nước ngoài. Khi các cuộc giao dịch thành công thì một số lượng tiền rất lớn được chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp.

Chỉ một cái cây hay bức tranh, một viên đá quý cũng được giao dịch lên tới cả chục tỷ đồng, bằng cả một căn biệt thự cao cấp.

Ở một khía cạnh khác, việc rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật còn có thể nguy hiểm hơn bởi đôi khi mặt hàng bị đẩy giá trị lên rất cao dẫn tới rủi ro lớn, khi bị phát hiện thì cũng khó thu hồi mà khi thi hồi thì giá trị thực cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Vị chuyên gia dẫn chứng bằng vụ án liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh. Số lượng tiền do phạm tội mà có được xác định trong vụ án lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ông Vĩnh có vườn cây cảnh tại TP. Nam Định, có những cây giá trị gần chục tỷ. Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi liệu có chuyện rửa tiền thông qua đó hay không?

Tuy nhiên, cơ quan chức năng rất khó xác định vấn đề dư luận nêu ra. Và nếu có xác định được thì khi thu hồi cũng khó có thể xác định được giá trị thật của vườn cây của ông Vĩnh.

Hay như vườn Tùng Nhật Bản của Trầm Bê ở Sóc Trăng được mọi người đồn đoán được vị đại gia này mua về với hàng gần 2.000 tỷ đồng. Số tiền này từ đâu mà có? Khi Trầm Bê bị đưa ra xét xử, cơ quan chức năng cũng không thể thu hồi được vườn cây này.

Hai cây Tùng Nhật Bản trước dinh thự của đại gia Trầm Bê ở Sóc Trăng có giá hàng chục tỷ đồng.

"Cũng giống như trong lĩnh vực bất động sản, việc giao dịch các tác phẩm nghệ thuật được đẩy lên mức giá quá cao sẽ khiến mất giá đồng tiền, gây ảo trên thị trường và các sản phẩm khác.

Nguồn tiền bất hợp pháp cũng có thể đổ vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế nói chung, trong đó có cả những mảng tối, làm tăng GDP nhưng đó là tăng trưởng ảo, gây nguy hại cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế" - ông Kiêm cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng, cần làm rõ số tiền trong các cuộc giao dịch đó từ đâu mà có? Những người đứng ra giao dịch đó là ai? Nếu là doanh nhân thì cần làm rõ nguồn thu nhập, nguồn gốc số tiền này có phải do buôn lậu, trốn thuế hay không? Còn với người giao dịch là cán bộ, quan chức nhà nước thì có phải là do làm ăn kinh doanh, thừa kế hay do các hành vi không trong sáng?

Để làm rõ được điều này không khó, nhưng quan trọng nhất là cần xác định được việc mua bán này có thật hay không. Bởi hầu hết các cuộc giao dịch thường được thực hiện bằng tiền mặt.

Chính vì thế, để quản lý được nguy cơ rửa tiền qua việc mua bán cây cảnh, tranh ảnh, đá quý, ông Kiêm cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc giám sát. Với những cuộc giao dịch có giá trị vài trăm triệu trở lên cần được thực hiện thông qua việc chuyển khoản tại các hệ thống ngân hàng. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ truy được nguồn gốc số tiền đó từ đâu mà có.

"Chúng ta đã có Luật Phòng chống rửa tiền từ 3 năm trước, quy định chi tiết từ đối tượng, dấu hiệu đáng ngờ, nguồn tiền trong và ngoài nước như thế nào. Chỉ có điều chúng ta có kiên quyết làm hay không?" - ông Kiêm nói.

Ngọc Văn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/giao-dich-cay-canh-tranh-anh-tien-ty-can-trong-rua-tien-3383565/