Giao 438 ha rừng làm kinh tế, doanh nghiệp 'bỏ chạy', cả đất lẫn rừng 'biến mất'

438ha rừng và đất rừng ở tiểu khu 9 xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo, Đắk Lắk) được giao cho một doanh nghiệp thực hiện dự án trồng cao su nhưng không thành khiến toàn bộ diện tích rừng và đất rừng được giao bị mất trắng.

Đất rừng bị người dân lấn chiếm canh tác trái phép.

Đất rừng bị người dân lấn chiếm canh tác trái phép.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH Hoàng Nguyễn 438ha rừng và đất rừng (trong đó có 75ha rừng phải bảo vệ) để làm dự án trồng rừng kinh tế bằng cây cao su.

Tuy nhiên, ròng rã 8 năm trời, Công ty TNHH Hoàng Nguyễn không thực hiện được dự án. Đến năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định thu hồi dự án để giao về cho địa phương quản lý. Thế nhưng, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi giao về cho địa phương quản lý toàn bộ diện tích đất và rừng đã không còn.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có tới 415ha đã bị lấn chiếm, mua bán, bàn giao trái quy định; chỉ còn hơn 20ha ở những vùng đất xấu, đồi núi đá không canh tác được.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Mai Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Ea H’leo cho biết, sau khi giao về cho địa phương quản lý, trong quá trình kiểm đếm phát hiện có 415ha đất đã bị lấn chiếm, giao đất trái quy định để trồng cây công nghiệp, làm nhà ở.

Rất nhiều diện tích đã được người dân tạo lập tài sản như nhà cửa kiên cố, cây trồng lâu năm…

Nghiêm trọng hơn, trong số 438ha mà UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty TNHH Hoàng Nguyễn làm dự án trồng cao su, cả 75ha rừng có trước đó cần được quản lý, bảo vệ đã bị mất trắng trước khi giao về cho địa phương.

“Hiện chúng tôi đã lập 155 biên bản vi phạm hành chính, trong số này có 97 biên bản áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; 3 biên bản phạt 27.000.000 đồng; 55 biên bản còn lại vắng chủ…”, ông Thắng cho biết thêm.

Được biết, hiện nay UBND huyện Ea H’leo phối hợp với xã Ea H’leo đã lên phương án cưỡng chế thu hồi toàn bộ số đất lấn chiếm trên để địa phương quản lý.

Theo ông Thắng, sẽ có rất nhiều bất cập trong quá trình cưỡng chế vì người dân đã tạo lập tài sản trên đất từ lâu, quy mô rất lớn, trong quá trình lấn chiếm đất có hiện tượng mua bán trái phép qua lại lẫn nhau.

Hải Dương

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/doanh-nghiep-bo-chay-hon-400ha-dat-lan-rung-mat-trang-282977.html