Giành lại ưu thế

Nhóm công tác về chiến lược công nghiệp kỹ thuật số và chất bán dẫn do Chính phủ Nhật Bản thành lập đã có buổi làm việc đầu tiên, thảo luận về mục tiêu hoàn thiện chính sách liên quan đến việc tăng cường mạng lưới cung ứng chất bán dẫn để trình Chính phủ Nhật Bản xem xét trong tháng 5-2021.

Nhóm công tác gồm các nhà khoa học cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin, thiết bị điện tử. Dự kiến, sẽ có 3 hội nghị được nhóm công tác tổ chức để thảo luận các chính sách liên quan đến công nghiệp kỹ thuật số, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ứng dụng chất bán dẫn.

Tại buổi làm việc, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nhấn mạnh, ngành công nghiệp kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cùng chất bán dẫn là trụ cột quốc gia và việc triển khai các chính sách tăng cường đối với các lĩnh vực này là điều không thể thiếu. Nhật Bản sẽ căn cứ trên những nỗ lực của các quốc gia để đưa ra chính sách cần thiết. Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản Kajima Hiroshi cũng nêu rõ, việc phát triển ngành công nghiệp kỹ thuật số, đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn ổn định, có năng lực cạnh tranh cao mang tính quyết định đối với vận mệnh quốc gia.

Việc xúc tiến chính sách liên quan đến tăng cường mạng lưới cung ứng chất bán dẫn diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Ngành sản xuất linh kiện bán dẫn được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, với doanh thu hơn 400 tỷ USD trong năm 2020. Chính bởi vị trí quan trọng của chất bán dẫn mà chính phủ các nước có nền công nghiệp phát triển đều ưu tiên chính sách cho lĩnh vực này, trong đó có Nhật Bản. Chất bán dẫn vốn là yếu tố không thể thiếu trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư vì giúp khai thác tối đa các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và Internet vạn vật (IoT).

Theo METI, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản năm 1968 chiếm khoảng 50% doanh thu của toàn thế giới, tuy nhiên đến năm 2010, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 10%. METI cũng quan ngại rằng, trong khi các quốc gia hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực chất bán dẫn, ưu thế của Nhật Bản ở lĩnh vực này sẽ càng giảm xuống trong tương lai. Theo giới chuyên gia, nếu muốn giành vị thế ở cuộc đua, Nhật Bản cần tăng nguồn vốn đầu tư, thu hút nguồn lao động kỹ thuật cao để phục vụ cho hoạt động sản xuất linh kiện bán dẫn cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu đa dạng hơn trong thời gian tới.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gianh-lai-uu-the-721476.html