Giảng viên tự sát vì rủ nữ sinh đến nhà sàm sỡ

Các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục hay đơn giản là những lời nhắn gạ tình sẽ là vết nhơ với mọi người thầy ở Hàn Quốc. Sau những bê bối, họ không có con đường lùi.

Phong trào #Me Too bảo vệ các nạn nhân trước tội ác tình dục đang được lan rộng ở các trường học tại Hàn Quốc thời gian qua. Vụ việc được thổi bùng sau cái chết của giáo sư, diễn viên nổi tiếng và cũng là giảng viên Đại học Cheongju. Tháng 3/2018, Jo Min Ki treo cổ tự sát tại nhà riêng sau khi bị hàng loạt nữ sinh cáo buộc hành vi quấy rối tình dục.

Tượng đài phim ảnh chết không được ai thương xót

Jo Min Ki nổi tiếng nhờ các phim Phía đông vườn địa đàng, Người tình ánh trăng, Người luật sư. Ông có học vị Thạc sĩ tại ĐH Chung-Ang. Trong nhiều năm, ông là giảng viên dạy diễn xuất tại ĐH Cheongju bên cạnh đóng phim.

Học sinh cũ của Jo Min Ki tên Song Ha Neul đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục

Học sinh cũ của Jo Min Ki tên Song Ha Neul đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục

Đầu năm 2018, học sinh cũ của Jo Min Ki tên Song Ha Neul đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục của ông trong quá khứ. Cô kể thường bị Jo Min Ki nhắn tin gạ gẫm, gửi ảnh khỏa thân và dụ cô tới nhà để nói về diễn xuất. Nhưng sau đó, cô đã bị thầy giáo sàm sỡ cơ thể. Sau lời tố cáo của Song Ha Neul, 19 nữ sinh khác xin giấu tên cũng lên tiếng tố cáo Jo Min Ki.

Trong thời gian chờ kiểm tra các nội dung tố cáo, Jo Min Ki bị đuổi việc. Không lâu sau, Jo Min Ki tự sát và để lại bức thư tuyệt mệnh: “Tôi xin lỗi nếu tất cả các em học sinh cảm thấy bị sỉ nhục, bôi nhọ vì hành vi của tôi. Tôi xin lỗi ban lãnh đạo trường học”.

Ngày đưa tang, rất ít bạn bè, người thân có mặt tiễn đưa Jo Min Ki. Họ ngại nếu bị nhận xét là “thương xót kẻ biến thái”.

Maydaily cho biết căn cứ luật ở Hàn Quốc không quy định rõ ràng về hành vi sàm sỡ chịu chế tài như thế nào. Nhưng các khung hình phạt đều có có biện pháp trừng trị những kẻ gây tổn hại về tinh thần và thể xác cho người khác. Quan trọng hơn, ở quốc gia này, sự chỉ trích từ đám đông luôn khiến các “bị cáo” không thể đối diện với tòa án lương tâm, khó sống cùng hàng xóm và bạn bè.

Năm 2014, một giáo sư Sử học cũng đã bị đuổi việc và bỏ về quê sống sau khi bị cáo buộc nhắn tin gạ tình, xoa má nữ sinh. Dù tại sở cảnh sát, người này khai không hề có ý định dâm ô, đơn giản là hành động cưng chiều nữ sinh.

Ở Hàn, thầy cô giáo quyền lực như Chúa trời

“Môi trường giáo dục Hàn Quốc rất khác với Mỹ hay châu Âu”, một giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh ở trường đại học Hàn Quốc chia sẻ trên Chosun Ilbo. Ở Hàn, học sinh, sinh viên có thể phải học 16 giờ một ngày.

Tại Hàn, kỳ thi tuyển sinh đại học được tổ chức hàng năm giống như chìa khóa duy nhất để thanh niên nước này mộng mơ sự nghiệp thành đạt. Chính phủ đặc biệt ưu tiên giáo dục. Trong các ngày thi, xe tải bị cấm trên đường phố, các nhà hàng mở cửa muộn để không gây ùn tắc. Các hãng hàng không trì hoãn chuyến bay sớm để thí sinh không bị phân tâm khi làm bài.

Phóng viên Kinh tế Daniel Tudor, tác giả cuốn sách "Những điều không thể ở Hàn Quốc", đã viết về hệ thống giáo dục xứ Kim chi: “Ồ, bạn sẽ là kẻ thất bại nếu không thể đỗ đại học”.

Vai trò của người thầy do đó cũng được nói đến rất nhiều trong những năm qua. Có một câu nói truyền miệng dành cho các học sinh: “Thầy cô giống như Chúa trời”. Giáo viên ở Hàn Quốc cũng có đãi ngộ cao hơn các nghề nghiệp khác khi họ luôn được coi là trụ cột của hệ thống giáo dục.

Áp lực và quyền lực tối thượng của thầy giáo đã dẫn đến những mặt trái giáo dục. Bê bối tình dục là vấn đề nhức nhối với Bộ Giáo dục Hàn Quốc những năm qua.

Trong phần lớn các vụ việc được tố cáo, quốc gia này tỏ ra mạnh tay với các tội ác. Những người bị tố nhẹ là đuổi việc, nặng phải chịu án tù hoặc tự tìm đến cái chết. Tổng thống Hàn Moon Jae In kêu gọi các nạn nhân hãy dũng cảm lên tiếng tố cáo mặt trái của ngành giáo dục.

Thống kê từ Twitter cho biết từ khóa “#Me Too học đường” được tag nhiều nhất trong năm 2018 ở Hàn Quốc. Các đài truyền hình bắt đầu vào cuộc với việc phỏng vấn nhiều nữ sinh với camera giấu kín. 30% số nữ sinh được hỏi thừa nhận từng có cảm giác bị quấy rối. Nhưng các cô chọn cách im lặng vì không có bằng chứng ghi lại.

“Không có clip, không file ghi âm, ai sẽ tin chúng tôi chứ? Những người quấy rối ở trường là giáo viên. Họ luôn được xã hội tôn trọng. Họ sẽ nói rằng chúng tôi tưởng tượng ra mọi thứ. Chúng tôi có thể bị đuổi học”, một nữ sinh nói trên SBS.

Chủ tịch Viện Phát triển vì Phụ nữ Hàn Quốc, Kwon In Sook, không giấu sự nghi ngờ về độ tin cậy của quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Bà cho rằng cảnh sát có phần vô cảm trước những chia sẻ của nạn nhân.

“Với án tình dục, chia sẻ từ các em còn đáng giá hơn bất kỳ thông tin clip hay bằng chứng nào. Đó đều là nhân chứng”, bà nói.

Hà Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giang-vien-tai-tu-tu-sat-vi-ru-nu-sinh-den-nha-sam-so-512129.html