Giảng viên Trung Quốc bỏ phố lên núi, sống như người nguyên thủy

Thi trượt tiến sĩ, giảng viên đại học danh tiếng Trung Quốc cùng vợ bỏ lên vùng núi không điện, không Internet, không xe cộ sống biệt lập.

Tống Thanh Tùng tốt nghiệp khoa chính trị, Đại học Bắc Kinh - một trong những ngôi trường danh giá ở Trung Quốc - vào năm 1979. Tốt nghiệp với điểm số thuộc top đầu, ông Tống được giữ lại làm giảng viên và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ngành luật tại ĐH Bắc Kinh.

Vào những năm 1980, giảng viên Tống là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ĐH Bắc Kinh. Các giờ dạy của ông luôn thu hút rất đông sinh viên. Ngoài việc giảng dạy, ông còn là một chuyên gia sức khỏe, theo học khí công, võ công tại ngôi chùa Bạch Mã.

 Vợ chồng ông Tống khi còn là giảng viên tại ĐH Bắc Kinh.

Vợ chồng ông Tống khi còn là giảng viên tại ĐH Bắc Kinh.

Trong thời gian dạy học ở ĐH Bắc Kinh, Tống Thanh Tùng gặp gỡ và kết hôn với Trương Mai - giáo viên dạy tiếng Anh cùng trường. Cả hai được xem là đôi trai tài gái sắc, được nhiều người ngưỡng mộ ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, sự nghiệp của cặp vợ chồng không thuận lợi vào những năm tiếp theo. Trong khi Tống Thanh Tùng trượt một học phần tiến sĩ Triết học, vợ ông cũng không thể trở thành giảng viên chính thức sau 5 năm gắn bó ở ĐH Bắc Kinh.

Cả hai dần cảm thấy bí bách, tù túng vì công việc không thuận lợi và cuộc sống ngày một khó khăn nơi phố thị. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đôi vợ chồng, những người vốn thích tự do, bay nhảy, bỏ việc tại Bắc Kinh, tìm về sinh sống ở vùng ngoại thành hẻo lánh.

Vợ chồng ông Tống nói rằng quyết định bỏ phố về quê sinh sống không phải là một hành động bốc đồng mà đã được cả hai suy tính, lên kế hoạch từ trước đó. Họ tin rằng cuộc sống ở thôn quê không ồn ào, ô nhiễm sẽ phù hợp với mình và cũng tốt cho tương lai con cái sau này.

Cuộc sống tự cung tự cấp của gia đình ông Tống ở vùng núi hẻo lánh.

Tại vùng núi cách Bắc Kinh hàng trăm km, vợ chồng ông Tống dùng tiền tiết kiệm thuê 2.500 mẫu đất đồi cằn cỗi trong 50 năm. Xung quanh khu đất thưa thớt nhà dân, chỉ có một con đường mòn dẫn vào.

Cả hai tập thích nghi với "cuộc sống nguyên thủy": không điện, không TV, không Internet, không xe cộ... Họ cũng phải tự cung tự cấp mọi thứ từ tự làm nhà, nông cụ đến trồng trọt, chăn nuôi...

Vài năm sau, ông Tống và vợ chào đón con đầu lòng. Tại vùng quê hoang vắng, không có cơ sở y tế, chính ông Tống là người đỡ đẻ cho vợ. Đến tuổi đi học, con trai ông Tống được bố mẹ dạy học tại nhà thay vì đến trường.

Từ một giảng viên đại học trở thành nông dân, cùng vợ con sống biệt lập, Tống Thanh Tùng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người khen dũng cảm trong khi số khác chỉ trích ông sống khác người, phí hoài tài năng.

Sau 11 năm sống biệt lập, ông Tống nhận ra con trai học tập ngày càng kém so với bạn bè. Vì vậy, mới đây, cả gia đình quyết định xuống núi, về lại thành phố sinh sống để gửi con đến trường.

Nhìn lại những năm tháng bỏ phố về quê, ông Tống nói mình không hề hối hận. "Mỗi giai đoạn tôi có cách nhìn khác nhau về cuộc sống và có lựa chọn riêng để bản thân, gia đình cảm thấy hạnh phúc. Bởi vậy tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì cả", ông nói.

Nhận nhiều chỉ trích, ông Tống nói không hối hận vì quyết định bỏ phố về quê.

Lê Vy (Theo Sohu)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giang-vien-trung-quoc-bo-pho-len-nui-song-nhu-nguoi-nguyen-thuy-post1106191.html