Giảng viên phải chủ động đổi mới

Được tôn vinh là 'Nhà giáo của năm 2019' và được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, PGS.TS Trần Ngọc Hiền - Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông Vận tải luôn tâm niệm: Nhà giáo có nhiệm vụ 'trồng người', nghề được xã hội quan tâm bởi tạo ra nguồn nhân lực tương lai cho đất nước nên bản thân mỗi thầy cô luôn tự làm mới mình để hiểu trò, biết trò muốn gì.

Các trường cần cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo gắn với yêu cầu từ thực tiễn, từ doanh nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Các trường cần cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo gắn với yêu cầu từ thực tiễn, từ doanh nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn

- PGS nghĩ gì về trách nhiệm của mình sau khi được tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”?

- Trước hết, tôi xin được cảm ơn lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019” nhằm ghi nhận những đóng góp của thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục trong năm học. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, nhiệm vụ là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, là một giảng viên tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ cao cả đó. Đồng thời luôn ghi nhớ, mỗi giảng viên đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa, với sự phát triển về khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra, giảng viên cần chủ động trong cập nhật tri thức, nghiên cứu khoa học, thâm nhập thực tiễn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS Trần Ngọc Hiền phát biểu tại Lễ tôn vinh “Nhà giáo của năm 2019”. Ảnh: T.G

- Thời gian qua, giáo dục đại học đã đạt được những thành tích đáng tự hào, song cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Theo PGS, hạn chế lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải là gì? Có cách nào để khắc phục?

- Theo tôi, ngoài những thành tích đạt được: Chất lượng đào tạo được nâng cao, đội ngũ giảng viên có khả năng nghiên cứu tốt, được thể hiện qua một số trường đại học đạt uy tín trong khu vực và thế giới, các chương trình đào tạo đạt được kiểm định quốc tế; Giáo dục đại học vẫn còn một số tồn tại nhất định. Chẳng hạn như: Chương trình đào tạo không sát với yêu cầu thực tế và yêu cầu của doanh nghiệp nên vẫn còn tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động vẫn phải đào tạo lại gây lãng phí về nhân lực và tài chính.

Chính vì vậy, các trường cần cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo gắn với yêu cầu từ thực tiễn, từ doanh nghiệp. Cùng với đó cần kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường thực hành, thực tập tại trường và doanh nghiệp cho sinh viên.

Ảnh minh họa/ INT

Chủ động đổi mới

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực. Một trong những chính sách lớn được các trường quan tâm đó là tự chủ. Đứng ở góc độ giảng viên, PGS thấy khó khăn lớn nhất hiện nay khi áp dụng chính sách này là gì?

- Tự chủ đại học cho phép các trường được tự xác định mục tiêu và cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Điều đó cho phép các trường phát huy được thế mạnh nguồn lực cũng như thuận lợi hơn trong triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ giảng viên, theo tôi, ngoài các vấn đề cần sự đồng bộ của hệ thống luật trong thực hiện tự chủ đại học, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính. Bởi phần lớn nguồn thu chủ yếu của các trường là từ học phí, rất ít trường có được nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ. Điều đó ảnh hưởng lớn tới hoạt động của nhà trường trong đầu tư cơ sở vật chất cũng như đầu tư xây dựng đội ngũ và các hoạt động khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra thách thức đối với GDĐT nói chung và đối với đào tạo bậc đại học nói riêng. Đối với giáo dục đại học ngày nay, các trường đã cập nhật đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn, chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Điều đó yêu cầu chúng tôi phải luôn cố gắng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; người thầy ngoài giảng dạy cần tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học, thâm nhập thực tiễn. Đó là cách tốt nhất để cập nhật kiến thức, công nghệ từ đó truyền đạt tới sinh viên, xây dựng thế hệ tương lai không những vững về trí thức mà tốt cả về nhân cách, phẩm chất.

- Theo cơ chế tự chủ, từng bộ phận, cán bộ, giảng viên cũng phải đổi mới. Vậy tại đơn vị PGS công tác đã và đang đổi mới như thế nào để bắt nhịp với chính sách tự chủ đại học?

- Cơ chế tự chủ đại học cho phép các trường phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường. Được nhà trường giao nhiệm vụ quản lý cấp khoa, tôi nhận thấy vai trò quan trọng trong tập hợp nhân lực để thực hiện nhiệm vụ về khoa học công nghệ và đào tạo.

Về nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã hình thành các nhóm nghiên cứu định hướng mũi nhọn; các bộ môn tích cực với các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên chủ động trong tìm kiếm đề tài nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước. Các hoạt động về khoa học công nghệ, thâm nhập thực tiễn làm cho giảng viên nâng cao trình độ, kiến thức thực tế và có hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu; từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

- Xin cảm ơn PGS!

Ngoài kiến thức lý thuyết được đào tạo trên lớp, hiện nay sinh viên được rèn luyện kỹ năng thông qua thực hành, thí nghiệm tại trường cũng như thực tập tại các đơn vị sản xuất, tham gia nghiên cứu khoa học, startup khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ, tạo cho người học có được kiến thức thực tế sau khi tốt nghiệp.
PGS.TS Trần Ngọc Hiền

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giang-vien-phai-chu-dong-doi-moi-4053214-b.html