Giảng viên đi gom thực phẩm hỗ trợ khu cách ly tập trung

A lô, a lô! Hiện nay các giáo viên trường Đại học Hà Tĩnh đã có mặt trên địa bàn, đề nghị bà con ai có lương thực, thực phẩm ủng hộ bếp ăn tại điểm cách ly tập trung ở trường thì mang ra cửa để đoàn đến nhận. Tiếng loa phóng thanh từ hội quán thôn Tân An, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vang lên khiến làng quê rộn rã.

Thành viên nhóm tình nguyện tiếp nhận, phân loại thực phẩm.

Thành viên nhóm tình nguyện tiếp nhận, phân loại thực phẩm.

NDĐT - A lô, a lô! Hiện nay các giáo viên trường Đại học Hà Tĩnh đã có mặt trên địa bàn, đề nghị bà con ai có lương thực, thực phẩm ủng hộ bếp ăn tại điểm cách ly tập trung ở trường thì mang ra cửa để đoàn đến nhận. Tiếng loa phóng thanh từ hội quán thôn Tân An, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vang lên khiến làng quê rộn rã.

Khi loa phát thanh ở hội quán vừa dứt tiếng, gần 200 hộ dân thôn Tân An không ai bảo ai nhưng đã chuẩn bị sẵn đồ “tiếp tế” để hỗ trợ người dân đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại trường Đại học Hà Tĩnh. Người thì bó rau, quả bí, người thì dăm bảy cân gạo, chục quả trứng… đã sẵn sàng trước cổng nhà, chờ nhóm tình nguyện đến tiếp nhận. Sau vài phút hội ý chớp nhoáng, nhóm tình nguyện đã chia thành bốn tổ, mỗi tổ được giao phụ trách một khu vực, nhanh chóng đến tận nhà dân tiếp nhận và phân loại từng nhu yêu phẩm mà người dân trao gửi.

Tại trục đường chính của thôn, chiếc xe kéo được tổ tiếp nhận do cô giáo Tống Thị Cẩm Lệ, Giảng viên khoa Sư phạm (Trường Đại học Hà Tĩnh) dẫn đầu dùng làm phương tiện tăng-bo vừa đi được hơn 100m đã chất đầy hàng. Hầu hết thực phẩm ủng hộ đều được các gia đình đặt ngay ngắn trước cổng, các thành viên chỉ việc phân loại và xếp lên xe. Thi thoảng một vài hộ dân thán phục tinh thần thiện nguyện của thầy cô đã trực tiếp mang rau, củ quả ra tận xe. Được các thành viên nhắc nhở, tránh tiếp xúc, tụ tập đông người nên những gia đình khác dù rất muốn thể hiện tình cảm qua cái bắt nồng ấm nhưng đành đứng ở sân vườn gửi trao tình cảm trân quý qua nụ cười trìu mến. Cô giáo Tống Thị Cẩm Lệ cho biết, sau giờ lên lớp dạy trực tuyến buổi sáng, chiều nay tôi mới tham gia được cùng đoàn. Trực tiếp đón nhận tấm lòng của bà con, tôi càng cảm nhận rõ hơn tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào ta. Được biết, kể từ khi trường Đại học Hà Tĩnh trở thành điểm cách ly y tế tập trung, cô Lệ cùng với các giáo viên ở trường đã tình nguyện tham gia công tác hậu cần với các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 841 (Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh) phục vụ gần 900 người đang thực hiện cách ly tại đây.

Khu dân cư kiểu mẫu Tân An những ngày đầu tháng tư vườn cây xanh mát, sum suê cây trái. Từng hạt nắng nhẹ nhàng xuyên qua khẽ lá như tô điểm thêm sức sống cho mỗi ngôi nhà nơi đây. Không phân biệt già, trẻ, gái, trai tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng như sợi dây xuyên suốt những con người mà chúng tôi gặp ở làng quê này. Ông Nguyễn Văn Thiết năm nay dù đã 83 tuổi nhưng khi nhắc đến tinh thần cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19 cụ phấn chấn lắm. “Nếu còn khỏe, tôi sẽ trực tiếp đưa từng quả bí, bó rau đến điểm cách ly tập trung để động viên các chú bộ đội và nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ tại đây. Hôm nay nghe loa thông báo tôi mừng lắm, mình già yếu không đi được thì có thầy cô đến tiếp nhận, vận chuyển giúp cho. Thật là ý nghĩa”. Ông Thiết hào hứng nói. Lần thứ sáu, chiếc xe tăng - bo chất đầy hàng phải quay về điểm tập kết để chuyển sang xe tải. Như sợ nhóm tiếp nhận quay về, ông Đặng Văn Choan vội vàng đạp xe, đưa túi gạo chạy đến nơi tập kết, ông nói: Tôi vừa ra đồng, khi về không thấy ai đến gom đồ, sợ mọi người về nên tôi phải chạy ra đây.

Tại khu vực tiếp nhận cuối thôn Tân An, hai vợ chồng giảng viên Bùi Ngọc Anh và Đặng Thị Diệp cùng với các bạn sinh viên phải tận dụng cả dãy ghế ngồi phía sau của chiếc ô tô bốn chổ để đựng bí, rau, gạo. Cô Diệp cho biết, khu vực cô phụ trách ở xa điểm tập kết nên phải linh động dùng ô tô thay xe kéo. Khi đi trên xe bốn người, khi về trên xe chỉ mỗi tài xế bởi rau, củ, quả đã chất đầy khoang. Song hành cùng thầy cô giáo, các bạn sinh viên là người địa phương vừa trở thành cộng sự, vừa là người dẫn đường đi khắp làng trên, xóm dưới. Bạn Vũ Thanh Tâm, sinh viên khoa sư phạm cho biết, khi đi thu gom, chúng tôi tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh dịch tễ. Việc thu gom, tiếp nhận nhu yếu phẩm được thực hiện giãn cách hai đến ba ngày/lần để đảm bảo nhu yếu phẩm luôn tươi sạch, không dư thừa dẫn đến hư hỏng

Theo đồng chí Phạm Văn Thiệp, Bí thư Chi bộ thôn Tân An, nhằm hạn chế việc tiếp xúc, tụ tập đông người, chúng tôi đã thông báo rộng rãi tới bà con nhân dân. Toàn bộ các mặt hàng ủng hộ được bà con chuẩn bị và để trước cổng nhà để các thành viên tình nguyện đến gom. Cũng theo chia sẻ của đồng chí Phạm Văn Thiệp, là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu nên thôn Tân An có thế mạnh về kinh tế vườn. Toàn thôn đã có 65/193 vườn được công nhận vườn mẫu, cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Ngoài ra các vườn còn lại đều được cải tạo, bố trí trồng các loại cây phù hợp, mùa nào cũng có cây cho thu hoạch nên thuận lợi cho việc bổ sung thực phẩm hỗ trợ cho bếp ăn tại các khu cách ly.

Bí thư đoàn trường Đại học Hà Tĩnh, Biện Văn Quyền, người đưa ra ý tưởng vận động bà con ủng hộ nhu yếu phẩm để vận chuyển về phục vụ tại khu cách ly tập trung tâm sự, là người gắn bó với bà con nông dân nên hơn ai hết tôi hiểu được tinh thần, trách nhiệm của bà con. Khi tôi đưa ra ý tưởng này, bác trưởng thôn ở nơi tôi ở đồng tình ngay bởi tôi biết, chúng tôi đã khắc phục được hai “trở ngại” đó là, bà con bận việc đồng áng và các mặt hàng ủng hộ có khi chỉ là quả bí, bó rau, cân gạo… Vì vậy rất cần đầu mối tiếp nhận và vận chuyển đến địa chỉ cần hỗ trợ. Với cách nghĩ đó, Biện Văn Quyền cùng với các đồng nghiệp và sinh viên của mình đã tiến hành năm đợt tiếp nhận, vận chuyển nhu yếu phẩm về điểm cách ly với số lượng bình quân từ 1,5 tạ - năm tạ thực phẩm/lượt. Việc kêu gọi quyên góp, ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm sẽ được luôn phiên thực hiện tại các địa phương và duy trì đến hết thời điểm thực hiện cách ly y tế tập trung. Thượng tá Nguyễn Thế Lượng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 841 chia sẻ, sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của giáo viên, sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh vừa động viên, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây, vừa góp phần giảm áp lực về thực phẩm cho đơn vị tại điểm cách ly, giúp đa dạng hóa khẩu phần ăn do nguồn thực phẩm bà con cung cấp rất đa dạng và phong phú, tươi mới.

Từ ý tưởng mộc mạc đến hành động thiện nguyện, không ngại khó, ngại khổ, nhóm tình nguyện ở trường Đại học Hà Tĩnh đã gắn kết được tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng của bà con nhân dân. Mang tình cảm sẽ chia đến với cán bộ, chiến sỹ và những người đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại đây. Việc làm của họ tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/44015902-giang-vien-di-gom-thuc-pham-ho-tro-khu-cach-ly-tap-trung.html