Giảng viên ĐH tham gia thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT: Đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi

Năm nay, giảng viên các trường ĐH sẽ không tham gia và công tác coi thi và chấm thi, nhưng sẽ tham gia vào đoàn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Bộ GD&ĐT, thanh tra, kiểm tra của ba cấp Bộ, tỉnh, Sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi... của địa phương để bảo đảm tính trung thực, khách quan của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, năm nay kỳ thi được giao hoàn toàn về cho địa phương, không có sự tham gia của lực lượng cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH, kể cả trong khâu coi thi, chấm thi. Tuy nhiên, thông tin từ Bộ GD&ĐT, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra của ba cấp Bộ, tỉnh, Sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các hội đồng thi, điểm thi, phòng thi… của địa phương, cán bộ, giảng viên ĐH sẽ được Bộ GD&ĐT huy động để tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của Bộ và tham gia cả các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương.

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ chỉ đạo và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường, theo nguyên tắc: Xác định rõ trách nhiệm trong công tác thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi đối với Bộ; UBND cấp tỉnh; Sở GD&ĐT (hình thức, đối tượng, nội dung, thành phần tham gia, tập huấn để thực hiện việc thanh tra/kiểm tra); Việc thanh tra/kiểm tra bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả và khả thi. Mặc dù không huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác thi tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương.

Việc có mặt đội ngũ thanh tra từ các trường ĐH khiến nhiều bậc phụ huynh, học sinh yên tâm về tính minh bạch, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: PT

Việc có mặt đội ngũ thanh tra từ các trường ĐH khiến nhiều bậc phụ huynh, học sinh yên tâm về tính minh bạch, công bằng của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: PT

Việc huy động cán bộ, giảng viên tham gia các đoàn thanh tra phải bảo đảm đúng các quy định pháp luật về thanh tra. Dự kiến có 2 nhóm khác nhau: Một số tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của Bộ; Một số tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương.

Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ dư luận. Việc có mặt đội ngũ thanh tra từ các trường ĐH cũng khiến nhiều bậc phụ huynh, học sinh yên tâm về tính minh bạch, công bằng của kỳ thi. Bởi những năm trước, sự có mặt của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường ĐH tham gia vào công tác coi, chấm thi đã khiến cho dư luận xã hội yên tâm hơn rất nhiều về các khâu tổ chức kỳ thi. Thậm chí, sau khi phát hiện những sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại ba địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bộ cũng đã điều chỉnh giải pháp tăng cường lực lượng giảng viên từ các trường ĐH vào kỳ thi năm 2019.

Cử giảng viên các trường ĐH tham gia kỳ thi năm nay được cho là phương án phù hợp, nhất là khi phần lớn các trường ĐH cũng căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. Việc huy động đội ngũ giảng viên tham gia làm thanh tra sẽ giúp các trường ĐH yên tâm hơn về chất lượng của kỳ thi.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) lưu ý: Cần chọn lọc cán bộ, giảng viên ĐH tham gia làm thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đội ngũ thanh tra phát huy hiệu quả, Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH cần đưa ra tiêu chí cụ thể để lựa chọn những cán bộ thanh tra đủ năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ; phẩm chất, đạo đức tốt, làm việc chuyên nghiệp và trách nhiệm. Bộ GD&ĐT cần chú trọng khâu tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, trong đó chú trọng đến kỹ năng, nghiệp vụ. Qua đó, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, cần tránh trùng lặp giữa các đoàn thanh tra khi tiến hành thanh tra thi trên cùng một địa phương.

Sau khi Quy chế thi được ban hành, phương án thanh tra/kiểm tra thi của Bộ được lãnh đạo Bộ phê duyệt (phương án gồm tổ chức đoàn thanh tra/kiểm tra thi của Bộ và phương án hướng dẫn tổ chức đoàn thanh tra/kiểm tra thi của địa phương), Bộ ban hành Hướng dẫn thanh tra/kiểm tra thi. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra thi. Việc tập huấn cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nhiều bước.

“Trước kỳ thi, hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào một số nội dung chính: Công tác chuẩn bị thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi; Công tác chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức thanh tra của tỉnh, Sở GD&ĐT; Chỉ đạo và hoàn thành chương trình cho học sinh lớp 12, đánh giá kết quả, đăng ký dự thi; Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị tại các nơi dự kiến đặt điểm thi; Công tác chuẩn bị của Ban in sao đề thi” - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết.

Dự thảo quy chế thi cũng quy định việc chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận, quy định chấm thẩm định trong các trường hợp cần thiết. Năm nay, các giải pháp đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan trong quy trình chấm thi vẫn duy trì. Cán bộ, giảng viên trường ĐH không trực tiếp phụ trách chấm thi, mà chuyển sang vai trò thanh tra. Không chỉ riêng khâu chấm thi trắc nghiệm mà các nội dung, kế hoạch hoạt động thanh tra sẽ được xây dựng cụ thể, chi tiết ở tất cả các khâu của kỳ thi.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/giang-vien-dh-tham-gia-thanh-tra-ky-thi-tot-nghiep-thpt-dam-bao-tinh-trung-thuc-khach-quan-cua-ky-thi-194828.html