Giang hồ vô cớ đập phá tan hoang cơ sở du lịch tại Khánh Hòa (Bài 2): Cần xử lý hình sự để tránh tiền lệ xấu

Trưởng Công an TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khẳng định tài sản của bà Loan được pháp luật bảo hộ, không có cá nhân nào được phép hủy hoại. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp luật nhận định trong xử lý sự việc này, cơ quan chức năng địa phương có một số thiếu sót tắc trách, cần bổ sung ngay.

Công trình du lịch của bà Loan bị ông Hiến phá tan hoang.

Công trình du lịch của bà Loan bị ông Hiến phá tan hoang.

Vì sao công an không vào hiện trường?

Nhằm làm rõ những tố cáo của bà Trương Thị Bích Loan (SN 1970, ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) về việc ông Trần Văn Hiến (SN 1968, ngụ Cam Ranh) có hành vi hủy hoại tài sản tại cơ sở du lịch của mình, PV đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng địa phương.

Ông Phạm Như Thúc Bảo, Trưởng Công an xã Cam Lập lý giải việc không đến hiện trường lập biên bản dù rất gần, như sau: “Ông Hiến đi cano từ Cam Ranh sang, chúng tôi không biết được, không nắm được. Còn chúng tôi không ra hiện trường vì khi mời ông Hiến làm việc, ông Hiến đã thừa nhận hành vi của mình”. Trưởng Công an xã cho rằng do ông Hiến thừa nhận hành vi nên “không cần đến hiện trường lập biên bản, không cần xem xét tài sản bị hủy hoại”.

“Địa phương tạo điều kiện cho hai bên ngồi lại thỏa thuận với nhau. Ngày 27/3, công an cùng tư pháp xã đã mời hai bên đến làm việc, yêu cầu hai bên đưa ra chứng cứ chứng minh đất của họ. Vì trên sơ đồ địa chính, khu vực xảy ra tranh chấp là đất nhà nước quản lý. Việc bà Loan xây dựng cũng bị xử phạt hành chính. Chúng tôi cho hai bên 30 ngày để thỏa thuận. Hết thời gian đó, chúng tôi sẽ đưa hồ sơ lên cấp trên”, ông Bảo nói.

PV đặt vấn đề việc tranh chấp đất thì hòa giải thuộc về UBND xã Cam Lập, còn hành vi hủy hoại tài sản thuộc trách nhiệm xử lý của công an xã. Theo quy định, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, công an xã phải tiến hành vào hiện trường, lập biên bản, xem xét các tài sản bị hủy hoại để có cơ sở đi giám định thiệt hại. Nếu vụ việc vượt quá thẩm quyền, công an xã phải chuyển hồ sơ đến Công an TP Cam Ranh để xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ông Bảo vẫn cho rằng “việc tranh chấp đất và hành vi hủy hoại tài sản là một, phải thực hiện hòa giải ở xã mới chuyển hồ sơ”. PV tiếp tục nêu vấn đề nếu bà Loan xây dựng trái phép, chính quyền mới có thẩm quyền xử lý, ông Hiến không có quyền đụng đến dù là một viên gạch và hành vi phá hoại tài sản có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Lúc này, vị Trưởng Công an xã nói: “Thì chúng tôi đã tách hai vụ việc ra. Nhưng vẫn phải chờ hết 30 ngày như biên bản hòa giải được lập thì mới chuyển lên cấp trên được”.

Về phía Công an Cam Ranh, ông Nguyễn Bá Đoàn, Trưởng Công an TP Cam Ranh cho hay: “Đến thời điểm này, Công an TP chưa nhận được đơn tố giác của bà Loan hoặc hồ sơ từ công an xã chuyển lên. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sự việc.

Ông Hiến ngang ngược dựng cột bê tông trên đất bà Loan sử dụng nhiều năm nay.

Sự việc người dân trình báo thì công an xã phải lập hồ sơ xác minh, ghi nhận sự việc. Đọc đơn mà bà Loan gửi báo chí thì còn nhiều tình tiết, uẩn khúc. Tuy nhiên, dù bà Loan có xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm do Nhà nước quản lý thì tài sản đó vẫn là hợp pháp của bà Loan và được pháp luật bảo hộ”.

Người bị tố phá hoại tài sản nói gì?

PV cũng đã cố gắng gặp mặt người bị tố phá hoại tài sản, nhưng bất thành. Qua điện thoại, ông Hiến nói thừa nhận có hành vi phá dỡ cầu, nhổ cây dừa của bà Loan.

Tuy nhiên, ông Hiến cho rằng: “Đất của tôi mà bà Loan xây cầu, làm đường, xây nhà. Tôi muốn gặp bà Loan để thương lượng nhưng bà Loan không chịu, tránh mặt tôi. Bà Loan không gặp mà tiếp tục cho người qua xây dựng. Một lần tôi gặp bà Loan bên chỗ đất, tôi nói: “Hàng xóm với nhau cứ hẹn người bán đất ra chỉ ranh rồi đất ai nấy làm”.

Bà Loan hẹn hai ngày sau nhưng hủy hẹn. Không gặp nhưng bà vẫn cho người tiếp tục trồng cây, xây dựng trên đất. Tôi qua gỡ cầu với mục đích là gặp mặt bà Loan. Sau đó bà Loan viết đơn lên Ủy ban. Ủy ban xã có mời tôi với bà Loan lên làm việc, nói trong thời gian chờ giải quyết thì không được làm gì thêm. Từ bữa đến giờ tôi không làm gì nữa”.

PV hỏi vì sao ông Hiến hủy hoại tài sản bà Loan nhiều lần, trong thời gian dài? Và cơ sở nào nói đất là của mình, ông Hiến nói đã trình bày với xã và UBND xã đang giải quyết. Sau nhiều lần cho người hủy hoại tài sản hàng xóm, giờ đây ông Hiến cho rằng: “Tôi đang đợi gặp thương lượng giải quyết. Nói chung là hàng xóm với nhau nên muốn gặp mặt thương lượng. Chuyện hàng xóm láng giềng mà đưa ra chính quyền thì xấu hổ. Hàng xóm phải nương tựa lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng có lợi”.

Đánh giá về sự việc, Luật sư (LS) Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM) nói: “Trước tiên, việc không đến hiện trường ghi nhận sự việc, lập biên bản tài sản bị hủy hoại của chính quyền xã Cam Lập là tắc trách, có dấu hiệu dung túng cho hành vi phạm tội và có thể làm thay đổi bản chất vấn đề. Bởi lẽ muốn xử lý ông Hiến hành vi hủy hoại tài sản thì phải định giá tài sản bị hủy hoại.

Tài sản bị hủy hoại có đủ để khởi tố, truy tố hay không và ở khung hình phạt nào? Hành vi của ông Hiến có dấu hiệu phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015”.

LS Trí nhận định chính quyền cần sớm làm rõ vụ việc tránh những hệ lụy, tiền lệ xấu, nhất là khi vấn đề đất đai đang nóng từng ngày do giá đất leo thang ở một số nơi. “Cam Ranh là thành phố du lịch nên có nhiều dự án đầu tư. Vụ ngang nhiên phá hoại tài sản cần xử lý công minh, tránh tạo thành điểm nóng, không để các đối tượng “xã hội đen” “nhờn” luật”.

PLVN sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh sự việc khi có các diễn biến mới.

Về nguồn gốc khu đất, ông Huỳnh Châu Long, Trưởng thôn Nước Ngọt, cho hay: “Đất khu vực này ngày xưa là đất rừng. Nói là rừng nhưng toàn đá, cây lưa thưa. Người dân tự khai phá. Tôi là Phó thôn rồi Trưởng thôn từ năm 2003 nhưng không biết ông Hiến là ai. Sau này, tôi thấy ông Hiến sử dụng phần đất phía bên kia núi đá của Gò Hàu. Còn ông Ba Dừa không có đất ở khu vực Gò Hàu”.

Ông Long khẳng định năm 2007, khi kê khai, chủ đất nào có mặt chỉ ranh thì sẽ được đo. Phần đất bà Loan đang sử dụng, Trưởng thôn nói vào năm 2007 khi đi cùng đoàn đo vẽ, ông thấy có cây trồng từ trước nhưng không thấy chủ có mặt nên đưa vào dạng đất nhà nước quản lý. Sau năm 2007, bà Loan có trồng cây. Về công trình bãi bồi, bà Loan xây dựng từ vài năm trước.

“Theo tôi thấy, việc tranh chấp đất thì họ đưa ra tòa, còn hành vi phá nhà, phá tài sản của ông Hiến là sai. Tôi cũng mong chính quyền xử lý dứt điểm để tránh tình trạng này tái diễn. Việc tranh chấp này có lẽ do tiềm năng du lịch của khu đất. Chứ trước đó núi đá, có xíu bãi bồi, không ai nhòm ngó đến cả”, vị Trưởng thôn nói.

Đông Phong

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/giang-ho-vo-co-dap-pha-tan-hoang-co-so-du-lich-tai-khanh-hoa-bai-2-can-xu-ly-hinh-su-de-tranh-tien-le-xau-448788.html