'Giang hồ mạng' Phúc XO, Khá Bảnh và 'lưới lọc' từ lương tri cộng đồng

Trong vài tháng trở lại đây hay chính xác hơn là từ sau Tết Nguyên đán 2019, thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội ngày càng trở nên nhức nhối. Cùng với đó, làn sóng dư luận đồng thuận với việc phải có biện pháp quyết liệt chống tin giả, thông tin nhảm nhí, độc hại… trên mạng xã hội ngày càng dâng cao qua các vụ việc như Momo Challenge, Khá Bảnh…

 Các nhân vật Khá Bảnh, Phú XO.. “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội với các thông tin độc hại, nhảm nhí đã bị tạm giữ để điều tra hành vi vi pháp luật hình sự. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Các nhân vật Khá Bảnh, Phú XO.. “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội với các thông tin độc hại, nhảm nhí đã bị tạm giữ để điều tra hành vi vi pháp luật hình sự. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Kiên quyết nói “không”

Dư luận đã nói không một cách rõ ràng và kiên quyết khi làn sóng game “hướng dẫn tự sát” Momo Challenge quay trở lại trên YouTube và YouTube Kids dưới dạng “nguyên con” hay chỉ là một trường đoạn từ 10-15 giây cài vào các clip dành cho trẻ em. Cho dù ban đầu phía Google phủ nhận rằng không thấy có sự xuất hiện của Momo Challenge trên YouTube nhưng sau đó, cứ qua mỗi ngày mỗi tuần, các nội dung “hướng dẫn tự sát” từ Momo Challenge đã được “day tận tay chỉ tận mặt” ẩn trong các clip trên YouTube Kids.

Hàng loạt Facebooker, các phương tiện truyền thông đã bất bình trước việc thả lỏng nội dung đăng tải trên YouTube của “ông lớn” mạng xã hội video này. Thậm chí, các nhà quan sát còn chỉ ra, suốt nhiều năm qua YouTube chỉ chạy theo views, chạy theo lượng người theo dõi trên các kênh mà sao nhãng việc kiểm soát nội dung, khiến lọt lưới rất nhiều nội dung độc hại mà điển hình là Momo Challenge, hay các clip nội dung nhảm nhí, phản cảm, chửi bới, bạo lực như của Khá “bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa hồng, Dũng “trọc”, v.v…

Từ áp lực của dư luận và yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, YouTube buộc phải xóa kênh YouTube của Khá “bảnh” và kênh YouTube của Dương Minh Tuyền. Một số “thánh chửi” khác có kênh YouTube chuyên chửi bới, bạo lực, nhảm nhí cũng phải tự đóng kênh hoặc tự lọc nội dung bằng cách xóa những clip nội dung nhảm nhí phản cảm và để lại những clip có nội dung bình thường hoặc hướng thiện như đi làm từ thiện chẳng hạn.

Làn sóng phản ứng với các trang Facebook đưa tin giả, tin thêu dệt cũng đang dần thể hiện sự chín chắn. Đơn cử trường hợp trang Facebook “Đầm bầu thời trang Mami” tung tin sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi, đã bị dư luận phản ứng dữ dội. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý vi phạm đối với Facebooker với mức phạt hành chính 20 triệu đồng. Mới đây nhất là trường hợp đám tang cố nghệ sĩ hài Anh Vũ, một số YouTuber đến đám tang có những hành động phản cảm như cười cợt, thả “tim” và quay cảnh đám tang về để tung lên câu views trên YouTube, cũng đã bị cộng đồng lên án.

Dư luận đã phản ứng đầy cảnh tỉnh về nội dung game “hướng dẫn tự sát” Momo Challenge quay trở lại trên YouTube. Ảnh: P.K

“Lưới lọc” từ cộng đồng

Có một thực tế là, chính YouTube và Facebook thời gian qua đã thả lỏng quản lý nội dung bao gồm những thông tin, hình ảnh dung tục, phản cảm, bạo lực, phân biệt chủng tộc, thông tin độc hại, tin giả, nhảm nhí, v.v… Các “ông lớn” này cho dù có trang bị những bộ máy lọc với đội ngũ hùng hậu và những phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh đến mấy thì cũng phải tận dụng “lưới lọc” từ cộng đồng báo cáo xấu về những nội dung, thông tin trên. Vấn đề ở chỗ, có nhiều báo cáo xấu nhưng vì những quyền lợi khác nhau, các “ông lớn” Internet này không xử lý triệt để.

Còn nhớ mùa World Cup 2018 diễn ra tại Nga, VTV đã phải rất khó khăn mới mua được bản quyền phát sóng tại Việt Nam trong bối cảnh tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan rất có thể khiến đối tác cắt quyền phát sóng giữa chừng. Lúc đó, cộng đồng “Hiệp sĩ online” được hình thành và công việc tự nguyện của họ là hằng ngày “canh sóng World Cup” xem các cá nhân, tổ chức, trang mạng, tài khoản nào xâm phạm bản quyền giúp cho VTV, HTV kịp thời xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm.

Trường hợp cảnh báo về “giang hồ mạng” vừa qua cũng thế, từ “lưới lọc” trong cộng đồng chính là những người dùng Facebook, YouTube có trách nhiệm đã cảm thấy “chối tai gai mắt” và lên tiếng tạo nên làn sóng dư luận lên án các nội dung nhảm nhí phản cảm và tình trạng “giang hồ mạng” đầy nguy hại đối với xã hội đặc biệt là đối với giới trẻ. Từ đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Bởi nghĩ cho cùng, ngay cả các cơ quan chức năng cũng không thể đủ triệu tay triệu mắt để kiểm tra, phát hiện hết các vi phạm trên hơn 60 triệu tài khoản Facebook và hơn 30 triệu người dùng YouTube tại Việt Nam.

THẾ LÂM

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/giang-ho-mang-phu-xo-kha-banh-va-luoi-loc-tu-luong-tri-cong-dong-727393.ldo