Giang hồ bảo kê buôn gỗ vùng biên

Đàn em của các ông trùm gỗ sẵn sàng thanh toán đối thủ để giành mua gỗ số lượng lớn, giá rẻ tại các cửa khẩu

Ngày 1-4, một nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết vụ xả súng tại một quán bida ở tỉnh Kon Tum xảy ra hôm 27-3, làm 2 người thương vong nghi vấn có liên quan việc tranh giành mua bán gỗ tại khu vực cửa khẩu và các lối mở tại tỉnh Kon Tum.

Đâm chém giành địa bàn

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua, khi được phép nhập khẩu gỗ từ biên giới Lào, Campuchia về nước, tại khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) và các lối mở giáp với các nước láng giềng nói trên luôn nóng về tình trạng an ninh trật tự khi các thương lái cạnh tranh thu mua gỗ.

Để mua được số lượng gỗ lớn, các thương lái sẵn sàng tìm các nhóm giang hồ để dằn mặt, cách ngăn cản đối thủ thu mua. Một số tay "anh chị" từ khắp nơi cũng dạt về đây, đầu quân cho các "trùm gỗ" nhằm bảo kê, thu tiền.

Rất khó để tiếp cận các ông chủ hay những "trùm gỗ" bởi họ giấu mặt, chỉ để "đàn em" tiếp xúc. Chúng tôi phải mất rất nhiều ngày để gầy dựng lòng tin. Một ông chủ buôn gỗ tại tỉnh Kon Tum chấp nhận tiếp xúc với chúng tôi với điều kiện "không hé răng", bằng không, cái giá phải trả sẽ không rẻ. Ông chủ gỗ này tiết lộ, muốn mua được gỗ, "xưng hùng xưng bá" trong giới thì không một thương lái nào không có giang hồ đứng sau bảo kê, sẵn sàng đâm chém khi có người dám tranh giành. "Ngay cả có mua được từ bên Lào về thì cũng phải bán rẻ lại ngay tại khu vực đường biên chứ không có cách nào vận chuyển ra khỏi khu vực" - ông chủ gỗ này nói.

Cũng theo người này, những ông "trùm gỗ" đáng gờm phải kể đến "Đội quân 37"; "P. nghệ sĩ"; "H. đồn"; "S. gỗ"… Họ thường kín tiếng, không để công an phát hiện. Kẻ thắng cuộc cứ thế xưng hùng, kẻ thua cuộc cũng lặng lẽ rời địa bàn hoặc âm thầm củng cố lực lượng chứ không để lộ ra ngoài.

Công an đang khám nhà "Sơn Cầu Giấy"

Công an đang khám nhà "Sơn Cầu Giấy"

Hang ổ "Sơn Cầu Giấy"

Vài năm trở lại đây, trong giới buôn gỗ tại tỉnh Kon Tum nổi lên nhân vật thường được gọi là "Sơn Cầu Giấy". Người này quê miền Bắc, mới chuyển vào sinh sống tại tỉnh Kon Tum vài năm nay, là "cánh tay phải" của ông trùm S. gỗ. "Sơn Cầu Giấy" chuyên bảo kê, sẵn sàng ra tay nếu có người dám cạnh tranh, chơi không đẹp với ông trùm S. gỗ.

Ngày 29-3, Công an tỉnh Kon Tum cùng lực lượng chức năng đã khám xét căn nhà "Sơn Cầu Giấy" đang sống ở đường Phan Đình Phùng, phường Ngô Mây, TP Kon Tum vì tình nghi có liên quan đến vụ xả súng bắn 2 người tại quán bida hôm 27-3. Vào thời điểm khám xét, Sơn không có mặt ở nhà, chỉ có người giúp việc, công an đã thu giữ nhiều thiết bị, vật dụng tại đây.

Trước đó, như Báo Người Lao Động phản ánh, trưa 27-3, tại quán bida Hải Sơn, số 72 đường Lê Quý Đôn, TP Kon Tum, anh Nguyễn Văn Cương (31 tuổi) và anh Lê Văn Xuân (36 tuổi, cùng quê Nghệ An) đang đánh bida thì một nhóm người xông vào bắn nhiều phát súng làm anh Cương tử vong tại chỗ, anh Xuân bị thương phải đưa đi cấp cứu. Sau khi gây án, nhóm nghi phạm đã lên ô tô trốn về Quảng Ngãi nhưng đã bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi bắt giữ và di lý về tỉnh Kon Tum phục vụ điều tra. Bước đầu xác định các nghi phạm này gồm: Nguyễn Văn Nam (31 tuổi, quê huyện Kim Động, Hưng Yên); Trần Ngọc Chung (33 tuổi, quê Nghệ An) và Đậu Văn Nhật (31 tuổi, quê Hà Tĩnh).

Một nguồn tin cho hay trước khi gây án, người dân phát hiện các nghi phạm này có nhiều ngày ăn ở tại ngôi nhà của "Sơn Cầu Giấy". Còn theo tìm hiểu của phóng viên, nạn nhân Cương trong vụ án mạng trước đây từng có thời gian làm việc cho một thương lái chuyên buôn gỗ tại khu vực xã Đắk Long, huyện Đắk Glei có tên T.K. Giới giang hồ đồn thổi người này từng bị "Sơn Cầu Giấy" bắt nhốt, đàn em ông "trùm gỗ" T.K phải huy động hàng chục tay chân mới giải thoát được.

Mượn tay giang hồ ép đối thủ

Tiếp xúc với phóng viên, một cán bộ kiểm lâm tại tỉnh Kon Tum thừa nhận khu vực lối mở giáp biên giới Lào tại xã Đắk Long, huyện Đắk Glei lâu nay "rất phức tạp" khi nhiều thương lái tập trung về đây thu mua gỗ. Sau khi gỗ được khai thác trên đất Lào sẽ được tập trung về khu vực dọc đường biên giới và các lối mở, thương lái người Việt tới mua rồi chuyển về các nơi trong nước. "Nguồn cung cấp gỗ thì ít trong khi thương lái nhiều nên xảy ra tranh giành thậm chí mượn tay giang hồ để chèn ép đối thủ" - vị cán bộ kiểm lâm này nói.

Bài và ảnh: Nguyên Vũ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giang-ho-bao-ke-buon-go-vung-bien-20180401223531309.htm