Giằng co văn hóa Hà Nội xưa và nay

Người Hà Nội thanh lịch ra đường phải áo dài khăn xếp, nếp nhà Hà Nội là cuộc sống tứ đại đồng đường hay chấp nhận sự thay đổi áo phông quần Tây, con cái trưởng thành tách biệt khỏi bố mẹ nhưng biết quan tâm gần gũi, lời ăn tiếng nói được rèn rũa…

Đó là những gì được tranh luận trong hội thảo bàn về việc “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, diễn ra tại Hà Nội sáng 3/6.

Nỗi lo xô đổ văn hóa truyền thống

Nhiều ý kiến đang khá bi quan về văn hóa Hà Nội, bởi trước các hiện tượng một số nhà hàng, quán ăn mặc sức xả “bún chửi, cháo chửi” phục vụ “thượng đế”. Những chủ nhà hàng sẵn sàng chửi bới thậm tệ, đốt vía nếu như khách vô tình mở hàng mà không mua. Giữa không gian văn hóa ở Hồ Gươm, trong nhiều chương trình nghệ thuật, các fan có thể quỳ sụp trước thần tượng nhưng lại không biết nói lời xin lỗi, cảm ơn…

Hơn 10 năm cho cả một chặng đường để Hà Nội chú trọng đề ra mục tiêu, chương trình xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhưng một bộ phận vẫn nhớ về người Tràng An một thời: “Yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm; ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm” – nhà văn Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn Hà Nội thanh lịch.

Hội thảo ''Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2015, tầm nhìn 2020'' diễn ra sáng 3/6 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan

Hội thảo ''Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2015, tầm nhìn 2020'' diễn ra sáng 3/6 tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan

Theo GS.TS Lê Hồng Lý – Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã có quy mô chưa từng có trong lịch sử. Người dân ở bốn xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc cũng từ đó nhập về TP, để Hà Nội giờ đây có cả người Dao, người Mường. Hà Nội cũng có những làng Tây, làng Hàn Quốc, Đài Loan hay các cộng đồng dân cư Âu, Á khác. Đủ để thấy Hà Nội bây giờ phong phú, nhưng phức tạp nhường nào. Chính vì vậy, không thể hỏi lối sống như cái thời Hà Nội được khuôn lại trong vòng cung “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”.

Và ở bất kể một giai đoạn dịch chuyển nào, theo các chuyên gia đều có những biến động về văn hóa. Đầu thế kỷ XX, khi có sự du nhập của văn hóa phương Tây, nhiều người cũng lo ngại văn hóa dân tộc cũng sẽ bị xô đổ, nhưng điều đó không xảy ra. Trải qua nhiều vật lộn, sàng lọc để chung đúc ra các giá trị thanh lịch của người Kẻ Chợ. Đến ngày nay, cách đi đứng, ăn nói, ứng xử chỗ đông người, kính trên nhường dưới… của người Kẻ Chợ vẫn là điểm sáng về sự thanh lịch của người Tràng An.

Không bảo thủ với sự du nhập

Nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long lấy ví dụ cụ thể ba danh nhân văn hóa Việt nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh đều không phải là những cư dân gốc ở Thăng Long nhưng họ đã kinh qua những năm tháng học tập, rèn luyện thành tài rồi trở thành những giá trị tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam khi đang sống và làm việc ở Thăng Long – Hà Nội nhiều năm. Họ mang tinh hoa văn hóa của các vùng miền khác vào Hà Nội. Nói lên ví dụ đó để thấy, Hà Nội cần rộng cửa đón nhận tất cả sự hội nhập của các vùng văn hóa bốn phương, trong đó hiện nay là sự du nhập của văn hóa thế giới.

"Hà Nội đang trong quá trình có sự giao thoa giữa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại. Thời gian ta đang thấy là giai đoạn đầu tiên, có nhiều cú sốc văn hóa, có nhiều điều chưa đẹp, xô bồ, lộn xộn… song sẽ dần được điều chỉnh ổn định để định hình một sự thanh lịch mới của Hà Nội. Chắc chắn sự thanh lịch đó không đúng như thời đầu thế kỷ XX hay những năm sau đó mà sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại hiện nay." - GS.TS Lê Hồng Lý – Viện Nghiên cứu văn hóa

Đứng trước phương hướng “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hà Nội cần chú trọng đến các vấn đề then chốt: Xây dựng hạ tầng sáng tạo, quy hoạch và ủng hộ cho sự hình thành, phát triển các không gian văn hóa sáng tạo. Đó là đầu tư hình ảnh và các công trình nghệ thuật, văn hóa ở các không gian công cộng, theo phương thức hợp tác công – tư như tái tạo đô thị (Khu đô thị Đông Anh, phố đi bộ, trung tâm triển lãm quốc gia…).

Đồng thời thu hút nguồn lực sáng tạo và kinh doanh sáng tạo. Hà Nội cũng cần hướng tới là tâm điểm các sự kiện văn hóa ở Đông Nam Á, vươn ra tầm châu lục. Khuyến khích đầu tư cho nền tảng công nghệ về công nghiệp văn hóa, công nghệ sáng tạo. Khuyến khích các DN đầu tư cho địa phương vào các dự án làm đẹp TP bằng nghệ thuật và văn hóa.

Điểm đến cho việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ không chỉ có trong các giai đoạn trước và dừng lại mà Hà Nội đang chuẩn bị các bước tiến dài để cùng bền bỉ xây dựng lối sống, con người Hà Nội ứng xử văn minh với cộng đồng; đẹp, thân thiện với bạn bè quốc tế trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng: Các ý kiến trong tham luận của hội thảo bên cạnh việc làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh còn dự báo tình hình, phân tích những yếu tố tác động sắp tới về việc “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2015, tầm nhìn 2020”. “Các ý kiến là những gợi mở rất bổ ích giúp Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu khi xây dựng báo cáo khoa học tổng kết đề tài” – Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Thanh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giang-co-van-hoa-ha-noi-xua-va-nay-344741.html