Gian truân vùng đất Quan Sơn

Khi chính quyền và bà con nhân dân huyện Quan Sơn đang gồng mình khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đầu tháng 8 vừa qua thì cơn bão số 4 lại đổ về. Tuy không phải là tâm bão, nhưng Thanh Hóa cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề, khiến đời sống của người dân ở vùng đất miền biên này khó khăn chồng chất khó khăn.

Những ngày chưa có cầu tràn tạm, người dân ở khắp nơi vẫn vượt bè mảng về chia khó với bà con Sa Ná.

Nỗi đau chưa nguôi

Sau 1 tháng khi trận lũ lịch sử ngày 3-8 đi qua, nỗi bàng hoàng của người dân nơi đây vẫn còn chưa dứt. Bởi chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh đất, đá cùng vô số những cây cổ thụ trên núi ào ào đổ xuống rồi cuốn phăng đi tất cả. Hàng chục ngôi nhà của người dân chỉ trong chốc lát đã bị cuốn trôi, đổ sập và vùi lấp dưới bùn đất. Cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình các thôn, bản trong huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình rơi vào cảnh mất người, mất sạch tài sản, không còn nơi ở và cũng chẳng còn lương thực, thực phẩm để ăn. Riêng bản Sa Ná, xã Na Mèo gần như bị xóa sổ, cả bản có 74 hộ thì có 35 nhà bị trôi, sập hoàn toàn, tất cả tài sản, trường học, ruộng vườn... đều trôi theo dòng lũ dữ. Trong những ngày ấy, chính quyền địa phương phải tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và cung cấp xoong, nồi, quần áo cho bà con nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ.

Nhớ lại những giây phút kinh hoàng ấy, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Chưa bao giờ Quan Sơn phải hứng chịu một trận lũ kinh hoàng như vậy. Mưa lũ đã làm 13 người chết, mất tích và 5 người khác bị thương. Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nhưng hiện vẫn còn 6 nạn nhân mất tích (trong số 10 người) ở Sa Ná vẫn chưa tìm thấy.

Lũ không chỉ cướp đi tính mạng của bà con vùng biên này, mà nhiều tài sản có giá trị cũng bị dòng nước cuốn trôi, vùi lấp... Hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, sập và phải di dời khẩn cấp, trong đó có 44 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 10 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; hơn 100 hộ dân phải di dời và sơ tán...; nhiều điểm trường học, nhà văn hóa thôn bị sập, cuốn trôi; hơn 150 ha lúa, nuôi trồng thủy sản, hơn 1.000 con trâu, bò, lợn, dê và gia cầm, hàng chục đập, mương cùng nhiều tuyến đường giao thông, cầu, đập tràn ở các xã Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Điện... bị cuốn trôi, hư hỏng nặng cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Là người tận mắt chứng kiến người con trai bị cuốn mất nhà, người con gái bị lũ cuốn mất tích, ông Lò Văn Thiêm (64 tuổi), bản Sa Ná, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mấy chục năm nay, đồng bào Thái ở địa phương chưa thấy trận lũ nào kinh hoàng như mưa lũ vừa qua. Bao năm qua, cuộc sống vẫn yên bình là vậy, nay người dân bỗng chốc mất người thân, mất nhà cửa, sống tạm bợ, cơ cực... Trận “đại hồng thủy” đã san phẳng hơn 30 ngôi nhà của bà con Sa Ná. Nhờ có sự cứu trợ kịp thời của các cấp chính quyền, quân đội, bộ đội biên phòng, công an và cộng đồng mà bà con trong bản mới vượt qua được cơn hoạn nạn ấy”.

Còn ông Lương Văn Định (52 tuổi), bản Sa Ná là một trong những người may mắn thoát chết khỏi miệng lưỡi tử thần, bảo: “Hôm lũ đổ về, khu 3 của bản mất hết sạch nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, hơn 10 người dân trong bản cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ... Tôi sống từng này tuổi, mà chưa bao giờ thấy dòng lũ hung dữ như vậy. Sáng hôm đó, dân bản tháo chạy như ong vỡ tổ, mỗi người chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người thôi. Đến bây giờ nghĩ lại cảnh chạy lũ, mà tôi vẫn còn run”.

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, không chỉ san phẳng bản làng của bà con Sa Ná (xã Na Mèo) mà người dân ở xã vùng biên Sơn Thủy, huyện Quan Sơn cũng chịu thiệt hại nặng nề. Cách trung tâm xã khoảng hơn 20 km đường rừng, ông Thao Văn Chá (dân tộc Mông), bản Mùa Xuân vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến những gì mà gia đình ông mới phải trải qua: “Lũ về đã cuốn đi toàn bộ nhà cửa, tài sản, con trai (Thao Văn Ly, sinh năm 1974) và cháu nội (Thao Văn Chính, sinh năm 2009)... Chỉ thương chúng nó còn quá trẻ, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu này”.

Theo thống kê của huyện Quan Sơn, trận lũ lịch sử vừa qua đã khiến huyện vùng cao, biên giới này thiệt hại trên 120 tỷ đồng. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng nghèo túng hơn. Bao ngày trôi qua, nhưng những ánh mắt ngơ ngác, đờ đẫn, thẩn thờ của người dân nơi đây luôn làm chúng tôi day dứt, ám ảnh.

Gian nan rồi sẽ qua

Chỉ ít ngày trước đây, “vùng đất chết” đã khác xa so với những ngày đầu khi cơn lũ quét qua và cô lập, Sa Ná như một công trường xây dựng với không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng, cột điện, luồng... nối tiếp nhau ra, vào trong bản, xen lẫn trong đó là những chuyến hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm... Những cây gỗ, củi ngổn ngang trước đây đã được dọn đi, nhanh chóng thay vào đó là con đường và một cầu tràn tạm bắc qua sông Luồng làm từ những ống cống ly tâm cực lớn, có thể chịu lực cho xe chở vật liệu, máy móc công trình vượt sông vào khu tái định cư Sa Ná. Người dân trong bản, lực lượng chức năng cùng nhau dọn dẹp, thu gom những phế thải sau trận lũ... Tất cả cùng chung tay giúp Sa Ná nhanh chóng hồi sinh.

Trước những đau thương, mất mát mà bà con vùng biên phải gánh chịu, đã có hàng trăm đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm ở khắp mọi miền đất nước về chung tay giúp đỡ. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: “Tính đến ngày 28-8-2019, huyện đã tiếp nhận 1.147 lượt hỗ trợ từ các đoàn của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức, cá nhân, tổng cộng toàn huyện gồm 4.828 thùng mì tôm, 28,52 tấn gạo, 564 thùng nước, hơn 3 tấn lương khô, 1.000 chiếc áo phao... cùng hơn 35 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, các xã, đơn vị trường học bị thiệt hại đã nhận trực tiếp hơn 24 tỷ đồng (gồm tiền và nhu yếu phẩm). Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhà hảo tâm và đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như nước ngoài đã đến trực tiếp tại bản Sa Ná và các bản, xã bị thiệt hại trên địa bàn huyện để hỗ trợ, động viên, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống sau mưa lũ”.

Là một trong những gia đình bị cuốn trôi toàn bộ tài sản ở bản Sa Ná, chị Phạm Thị Nguyễn (40 tuổi), bộc bạch: “Sau khi lũ đi, cũng may được anh em hàng xóm cho ăn ở nhờ, thậm chí còn cho cả quần áo để mặc. Rồi được các ngành chức năng, các nhà hảo tâm... vào thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm... nên cũng được an ủi phần nào, nhất là khi chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng khẩn trương san lấp mặt bằng, xây dựng khu tái định cư mới cho bà con chúng tôi không quản ngày đêm. Nhưng mấy ngày nay, khi bão số 4 đổ về, mọi công việc ở khu tái định cư đều bị ngưng trệ. Cứ như thế này, không biết lúc nào bà con chúng tôi mới có nơi ở mới nữa”, chị Nguyễn lo lắng nói.

Sau khi mưa lũ xảy ra, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn cùng các đơn vị liên quan của tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, xây dựng khu tái định cư cho người dân bản Sa Ná, để người dân sớm đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống và sản xuất. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch Kiến trúc tỉnh và UBND huyện Quan Sơn khảo sát vị trí khu đất bố trí tái định cư cho người dân bản Sa Ná, với diện tích 5,29 ha, cho 51 hộ dân bị thiệt hại nặng sau mưa lũ, đây là khu đất rừng sản xuất đang trồng cây luồng, lát đã được giao cho các hộ dân (cách khu ở cũ 800m).

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: “Sau 3 ngày nỗ lực làm xong cây cầu tràn tạm và tuyến đường vào khu tái định cư Sa Ná, huyện đã bố trí 10 máy múc, 15 xe ô tô để vận chuyển, trung chuyển vật liệu, 100 người tham gia chủ yếu là lực lượng tại chỗ và Trung đoàn 762 (30 người). Đến nay đã vận chuyển được 200 tấn xi măng, 361.170 vạn gạch và tập kết được cát, sỏi, tiến hành san lấp khu nhà văn hóa, trường mầm non, tiểu học tại bản Sa Ná; hồ sơ thiết kế mẫu nhà của các hộ gia đình, nhà văn hóa, trường học đã được hoàn thiện...”.

Theo ông Đạt, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị thi công đã san ủi đường vận xuất lên khu tái định cư, đang san ủi mặt bằng khu hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, từ ngày 12-8 đến nay, Quan Sơn liên tục có mưa, nước sông Luồng dâng cao, chảy xiết và tràn qua cầu tràn tạm nối từ bản Bo Hiềng để vào khu Son - Sa Ná, khiến cho Sa Ná lại bị chia cắt nhiều ngày, đến nay con đường duy nhất vào Sa Ná là vượt bè mảng qua sông. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của khu tái định cư này.

Được biết, hiện đã san ủi được nền của khu giáo viên, trường tiểu học và trường mầm non (đạt khoảng 50%); đường nội bộ lên khu thi công, mặt bằng nhà văn hóa, khu tập kết vật liệu trên khu tái định cư đã thực hiện xong; mặt bằng nhà dân cũng đang triển khai, tuy nhiên mưa suốt một thời gian dài nên máy móc thi công không thể đưa lên được nên đang tạm dừng.

“Theo kế hoạch, ưu tiên theo thứ tự từ khu mặt bằng trường học, khu nền nhà của 51 hộ dân, mặt bằng nhà văn hóa xong trước ngày 30-8-2019; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông nội vùng, điện, nước, hệ thống thoát nước...), hạ tầng xã hội (trường học, nhà văn hóa), đối với trường học xong trước ngày 30-9-2019, các hạng mục còn lại xong trước ngày 30-11-2019. Dự kiến các hộ này vào ở trước tết âm lịch. Tuy nhiên, hiện đang trong mùa mưa, bão, đặc biệt mưa lớn cục bộ thường xuyên diễn ra trên địa bàn huyện và vùng biên giới Việt - Lào, đã gây trở ngại, khó khăn cho công tác xây dựng khu tái định cư và tìm kiếm người mất tích, cũng như khắc phục thiệt hại của thiên tai. Các phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa phương chưa có, bất cập; hạ tầng giao thông, cầu tràn hư hỏng nặng, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển thiết bị, vật tư thi công khu tái định cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Dù huyện vẫn đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu theo kế hoạch đề ra, nhưng để đạt được điều này là rất khó”, ông Đạt cho biết.

Với mong muốn người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản, chính quyền địa phương nơi đây quyết tâm huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư cho các hộ nhận đất, xây dựng nhà cửa. Tổ chức tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ cho nhân dân đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Hiện huyện cũng đã dựng xong khu phòng học lắp ghép cho 71 học sinh học tạm trong thời gian chờ xây trường mới.

Chia tay Sa Ná, trong lúc trở về xuôi, thi thoảng chúng tôi lại gặp một đoàn xe có gắn băng zôn: “Chung tay hướng về đồng bào vùng lũ Sa Ná” đi ngược chiều. Những đau thương, mất mát của người dân Sa Ná không có gì đong đếm được nhưng vượt lên trên những đau thương đó, trong khó khăn, hoạn nạn tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau... và hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng được phát huy hơn bao giờ hết.

Và chúng tôi tin, bằng sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân tộc Việt cùng những quyết sách do Nhà nước đưa ra, chỉ một thời gian nữa thôi, ở nơi đây, những nóc nhà sàn mới sẽ lấp đầy những khoảng đất trống, hứa hẹn một cuộc sống mới an toàn hơn, tươi vui hơn. Và gian nan rồi cũng sẽ qua!.

Bài và ảnh: Hoài Thu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/gian-truan-vung-dat-quan-son/107112.htm