Gian nan xử lý nợ bảo hiểm

* Chuyển hồ sơ 5 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an

* Chuyển hồ sơ 5 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Đà Nẵng, số doanh nghiệp (DN) nợ đóng bảo hiểm trên địa bàn đã lên đến hàng nghìn, với tiền nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra 5 DN nợ các loại BHXH, bảo hiểm Y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), sắp tới BHXH TP Đà Nẵng sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong quyền hạn thanh kiểm tra để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Công nhân một Cty trên đường Phạm Như Xương tập trung đòi quyền lợi do bị chủ doanh nghiệp nợ lương và các chế độ khác. Ảnh: CÔNG KHANH

Công nhân một Cty trên đường Phạm Như Xương tập trung đòi quyền lợi do bị chủ doanh nghiệp nợ lương và các chế độ khác. Ảnh: CÔNG KHANH

Bà Lê Thị Sinh - Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, BHXH TP Đà Nẵng cho biết, tính đến tháng 6-2018, toàn thành phố có 1.041 đơn vị thuộc diện nợ chậm đóng (17 tỷ đồng), 2.313 đơn vị nợ đọng (94 tỷ) và 1.631 đơn vị nợ kéo dài (194 tỷ). Gian nan nhất là việc xử lý đối với các đơn vị nợ kéo dài với 409 DN trong số này nợ từ 12 tháng trở lên, thậm chí nợ dai dẳng trong nhiều năm trời. Tổng số người lao động đang bị nợ đóng các khoản bảo hiểm theo thống kê đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố là gần 113 nghìn người. "Các DN nợ nhiều, nợ lâu chủ yếu ở lĩnh vực giao thông, xây dựng, cầu đường, cơ khí, khai thác vàng, may mặc. Rất nhiều trong số đó khó thu do DN đã phá sản, giải thể hoặc tái cơ cấu", bà Sinh cho hay.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra BHXH TP đã tiến hành 11 cuộc thanh tra tại 66 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 20 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên số tiền nợ đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra, kiểm tra và nộp khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ đạt 7,5 tỷ đồng. Giám đốc BHXH TP ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại 13 đơn vị sử dụng lao động với số tiền xử phạt vi phạm hành chính phải thu là 557 triệu đồng. Đến thời điểm này mới chỉ có 5/13 đơn vị nộp phạt với số tiền chưa tới 200 triệu đồng. Đáng chú ý là dù chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính nhưng một số doanh nghiệp vẫn... tiếp tục nợ! "Thông qua việc thanh tra đã thu hồi được số nợ đọng BHXH, BHYT đáng kể, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong việc giải quyết các chế độ chính sách. Tuy nhiên tỷ lệ chấp hành nộp phạt chưa lớn. Quan trọng nữa là nộp phạt thì vẫn nộp mà nợ thì vẫn cứ nợ", bà Sinh cho hay.

Ông Đinh Văn Hiệp- Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng cho biết, kể từ khi Nghị định 21 của Chính phủ ra đời thì cơ quan Bảo hiểm có thêm chức năng phối hợp với Thanh tra thành phố, Sở LĐ-TB & XH tổ chức thanh tra, xử phạt. Từ ngày 1-1-2018 Bộ luật Hình sự có hẳn 3 điều liên quan đến BHXH gồm: Điều 214 (gian lận BHXH, BHTN), Điều 215 (Gian lận BHYT) và Điều 216 (trốn đóng BHXH cho người lao động). Đây là hành lang pháp lý, là công cụ để xử lý hiệu quả hơn vấn đề nợ BHXH. Sau các bước đi như kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, ra quyết định xử phạt mà doanh nghiệp vẫn chây ì thì BHXH TP sẽ mời làm việc với sự có mặt của cơ quan Công an. Nếu DN vẫn cố tình không chấp hành thì sẽ chuyển hồ sơ sang Phòng Cảnh sát Kinh tế xử lý. Hiện nay, BHXH đã chuyển 5 hồ sơ sang cơ quan Công an với số tiền nợ gần 10 tỷ đồng. Dù có thêm điều kiện thuận lợi nhưng ông Hiệp cho rằng thực tế triển khai vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Vì nợ BHXH sẽ liên quan đến rất nhiều quyền lợi của người lao động như nghỉ hưu, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp... Từ nay đến cuối năm, với thẩm quyền được giao, chúng tôi sẽ có nhiều biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp chây ì, trốn đóng bảo hiểm. Với các đơn vị cố tình, vi phạm có hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ đề nghị công an xử lý nghiêm theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự", ông Hiệp nhấn mạnh.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_193213_gian-nan-xu-ly-no-bao-hiem.aspx