Gian nan xóa đại dịch HIV

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Hiện nay hơn 140.000 nghìn người nhiễm HIV trên cả nước đang được điều trị ARV. Ảnh: DN

Hiện nay hơn 140.000 nghìn người nhiễm HIV trên cả nước đang được điều trị ARV. Ảnh: DN

Chưa hết lo

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới và 2.000- 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí (giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS).

Cũng theo ông Long, Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự tiếp cận cho người nhiễm HIV và tính bền vững của chương trình...

Hiện nay hơn 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV; hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng thuốc Methadone.

"Việt Nam cũng là nước đứng đầu trong các nước được PEPFAR hỗ trợ đạt được tỷ lệ cao nhất về tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (trên 93%). Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS và là nước áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS", Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho rằng, hiện còn nhiều khó khăn trong phòng chống dịch HIV. Cụ thể, việc điều phối thuốc ARV còn bất cập tại một số địa phương. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.

Ngoài ra, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (ngân sách nhà nước, BHYT) chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS phân tích, do các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn; nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.

“Đặc biệt, nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi trong khi các kỹ năng, phương pháp tiếp cận hiệu quả có tính đặc thù”, ông Long thông tin.

Quyết liệt giảm lây truyền

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV, theo ông Nguyễn Hoàng Long, cơ quan này sẽ triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, MSM (đồng tính nam); người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đồng thời, theo ông Long, cơ quan này sẽ đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thôn bản hoặc tổ chức cộng đồng thực hiện, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV

Ngoài ra, cần mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. “Đồng thời nâng cấp hệ thống báo cáo ca bệnh thành hệ thống giám sát ca bệnh; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia bảo đảm đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận”, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS nêu.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Cục phòng chống HIV, cơ quan này đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông K=K nhằm giảm sự lây truyền. Thông điệp K=K dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng, một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục. Tải lượng vi rút không phát hiện được trong máu được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu.

Để đẩy mạnh chiến dịch truyền thông K=K, theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia vào mục tiêu phòng chống và giảm tỉ lệ nhiễm HIV, bằng cách tăng cường nhận thức của cộng đồng về HIV và điều trị thuốc kháng HIV, đặc biệt về việc tiếp cận với xét nghiệm và thuốc ARV hiện nay đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuốc được BHYT chi trả 100%.

Đồng thời, theo Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác về K=K, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của việc uống thuốc hàng ngày theo chỉ định và thường xuyên theo dõi tải lượng vi rút, với thông điệp:

“Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính với họ”.

Ngoài ra, theo ông Cảnh, các cơ quan báo chí cũng là cầu nối góp phần cung cấp thông tin về các biện pháp dự phòng HIV khác và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV, để họ yên tâm tiếp cận xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế, có cuộc sống khỏe mạnh, bình thường.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gian-nan-xoa-dai-dich-hiv-116382-116382.html