Gian nan với nghề tận thu rừng cao su

Gần 10 năm theo chân các thầu thuê các vườn cao su già cỗi khắp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, anh Phạm Văn Phước (39 tuổi) đã không ít lần cay đắng bị các ông thầu cho thuê vườn cao su với giá cao mà vườn cho mủ chất lượng thấp; mủ bán thì bị thầu ép giá, phải bỏ ngang...

Len lỏi trong những cánh rừng cao su già cỗi tại Bình Phước, chúng tôi không khó để tìm thấy những chiếc lều siêu vẹo được dựng lên tạm bợ, gần nhau.

Những chiếc gậy cao gần 10 mét, những sợi dây nilông được cột với một miếng sắt nhỏ chữ V kéo từ trên cây để dẫn giọt mủ cao su trắng sữa (thường được gọi là “vàng trắng”) từ trên những cành cây tứa ra chảy xuống những chiếc chén hay đơn giản là những chiếc ly nhựa được đặt ở dưới. Cùng với đó là những con dao cạo mủ được cột chặt vào những chiếc gậy dài...

Đó chính là những dụng cụ hàng ngày của hơn 20 hộ dân đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đến Bình Phước hành nghề tận thu “vàng trắng” với ước mong “đổi đời”. Họ vất vưởng, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm đang hằng ngày rình rập.

Căn lều nhỏ là nơi ở của 4 người trong gia đình anh Phạm Văn Phước (ngụ Tây Ninh).

Căn lều nhỏ là nơi ở của 4 người trong gia đình anh Phạm Văn Phước (ngụ Tây Ninh).

Gần 10 năm cạo mủ cao su cho công ty, anh Đặng Chí Tài ở miền Tây cùng vợ quyết định bỏ việc có mức lương ổn định để thuê lại 2 hécta cao su già cỗi với giá 3,5 triệu đồng/ha/tháng của một người dân tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) nhằm tận thu mủ cao su trước khi chúng được thanh lý, chặt bỏ. Do nhà chỉ cách vườn vài kilomet, hai vợ chồng không chỉ chủ động được thời gian đi lại, làm việc, chỗ ở mà còn có được thu nhập đáng mơ ước so với việc làm thuê trước kia.

Từ bỏ nghề phụ hồ tại TP Hồ Chí Minh, anh Trần Văn Thạch (31 tuổi, ngụ Kiên Giang) theo anh chị mình lên Bình Phước thuê cao su già cỗi để tận thu mủ. “Công việc tự do, tương đối nhẹ nhàng. Hơn nữa, không phải thuê nhà trọ, sinh hoạt chi phí thấp. Hằng tháng, tôi cũng dành ra được một khoản tiền kha khá, cao hơn nhiều so với nghề phu hồ trước kia”.

Tuy nhiên, không phải người nào cũng may mắn đổi đời sau thời gian sống “du mục” giữa rừng “vàng trắng”. Gần 10 năm theo chân các thầu thuê các vườn cao su già cỗi khắp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, anh Phạm Văn Phước (39 tuổi) đã không ít lần cay đắng bị các ông thầu cho thuê vườn cao su với giá cao mà vườn cho mủ chất lượng thấp; mủ bán thì bị thầu ép giá, phải bỏ ngang. Hay gặp phải những tháng mưa triền miên không thể cạo mủ. Thiên tai, bệnh tật bủa vây, con cái theo cha mẹ mà lâm cảnh thất học.

Anh Phước kể: “Do nhà có 4 người, tôi thuê 3 hécta cao su để cạo, mỗi tháng cũng mất gần 8 triệu đồng. Hơn 1 tuần trước, một cơn mưa lốc lớn khiến nhiều cành cao su gãy đổ. Các gia đình sinh sống trong những chiếc lều tạm bợ giữa rừng cao su hoảng loạn không biết chạy đâu. Rất may có người chỉ bị thương nhẹ nhưng những căn lều tạm thì… bay sạch”.

Chỉ tay về phía vợ mình, anh Phước rầu rĩ: “Vợ tôi bị sốt xuất huyết cả chục ngày nay phải nằm ở Bệnh viện tỉnh Bình Phước. Gia đình tôi vừa mất công lao động, vừa tốn tiền thuốc thang tốn cả triệu mà lại gặp cảnh mưa gió suốt.

Tháng này, chắc phải bù tiền để trả tiền thuê cây cho thầu”. Còn hai vợ chồng chị Trần Thị Mỹ Hạnh (37 tuổi, ngụ Kiên Giang) cũng đã 3 năm nay chấp nhận cảnh sống “du mục” trong những tán rừng cao su khắp các tỉnh, nhưng cuộc sống vẫn chưa khá lên là mấy. Thời tiết, thiên tai rình rập nhưng cũng đành phải chấp nhận, vì mong muốn tương lai con cái đỡ khổ hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực rừng cao su rộng lớn hàng trăm hécta thuộc xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài có hơn 20 hộ gia đình đang sinh sống và thuê cao su già cỗi để tận thu từng giọt “vàng trắng” trước khi chúng được cưa chặt trồng mới hoặc làm dự án. Mỗi hộ có từ 2 đến 6 người, trong đó có không ít trẻ em. Thời gian cho thuê mỗi khoảnh chỉ từ 3 đến 6 tháng. Mỗi hécta thuê với giá từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Sau thời gian đó, các hộ dân lại tiếp tục theo chân các ông thầu đến những vùng đất mới để tiếp tục giấc mơ “đổi đời”. Thời gian lưu trú bất định, nên chính quyền địa phương chỉ có thể hỗ trợ công tác đăng ký tạm trú. Mọi quyền lợi về an sinh xã hội đều không được đảm bảo, vì không đáp ứng đủ các điều kiện tại địa phương.

Mục tiêu “đổi đời” đâu chưa thấy, nhưng hiện tại, cuộc sống của họ liên tục phải đối mặt với những khó khăn, lại bị thiên tai và bệnh tật rình rập. Hơn thế nữa, những đứa trẻ đang vô tình bị tước đi tương lai của mình khi không được đến trường; phải “vật lộn” với cuộc sống khó khăn giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn để theo đuổi giấc mơ đổi đời của cha mẹ chúng.

Đ.Trung-T.Thảo

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/gian-nan-voi-nghe-tan-thu-rung-cao-su-496227/