Gian nan tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy

Với những người muốn cai nghiện để trở lại với cuộc đời, hành trình tái hòa nhập cộng đồng không hề đơn giản khi trong lý lịch đã có vết đen từng nghiện ma túy. Thậm chí có người muốn hoàn lương, thì trong tay lại chẳng có một mảnh giấy tùy thân, ngoài danh phận 'con nghiện'...

Ma túy đã khiến nhiều người trở thành những kẻ hoang tưởng, đầu óc mụ mị, là gánh nặng cho gia đình và xã hội'. Tuy nhiên, với những người muốn cai nghiện để trở lại với cuộc đời, hành trình tái hòa nhập cộng đồng cũng không hề đơn giản khi trong lý lịch đã có vết đen từng nghiện ma túy. Thậm chí có người muốn hoàn lương, muốn làm người tử tế thì trong tay lại chẳng có một mảnh giấy tùy thân, ngoài danh phận "con nghiện" như câu chuyện này...

Vòng xoáy ma túy

Phải kết nối qua nhiều kênh, chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Hữu Ngà, một con người bước ra từ vũng lầy ma túy đang loay hoay kiếm tìm cuộc sống chân chính khi tái hòa nhập cộng đồng.

Câu đầu tiên, ông Ngà nói thẳng, là bây giờ mình không cần tiền, chỉ cần có một tờ CMND để lao động kiếm sống. Từ năm 1987, ông Nguyễn Hữu Ngà (SN 1966) ở với mẹ là bà Hoàng Thị Xuân Hoàng tại căn nhà Không số, tổ 30A (phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM). Không được ăn học đàng hoàng, ra đời, Ngà lang thang, lêu lổng, tìm thú vui trong những cuộc nhậu. "Gần mực thì đen…", chẳng bao lâu, Ngà "bén duyên" với "nàng tiên nâu".

Năm 2003, Ngà bị UBND phường 2 (quận Phú Nhuận) lập hồ sơ đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc tại Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn - huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). 5 năm cai nghiện là khoảng thời gian Nguyễn Hữu Ngà hồi tâm chuyển hướng, suy nghĩ thật tử tế về cuộc đời, về trách nhiệm của một người chồng, người cha với 2 con nhỏ.

Những ngày xa rời ma túy, Ngà trở thành người đàn ông hiền lành, ít nói. Chế độ và liệu trình cai nghiện ma túy tại cơ sở đã giúp cho Nguyễn Hữu Ngà đoạn tuyệt hẳn với ma túy, đủ điều kiện trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Nhưng ngày về đã không như Nguyễn Hữu Ngà từng mường tượng và mơ ước. Dù có mẹ bảo lãnh, có hồ sơ tại UBND Phường 2 nhưng Nguyễn Hữu Ngà không có bất cứ một tờ giấy tùy thân nào. Căn nhà không số tại "dãy 5 căn" thuộc diện di dời giải tỏa cho dự án cống hộp của địa phương. Nhận tiền đền bù đợt 1 được hơn 300 triệu đồng, bà Hoàng đi thuê một căn phòng trọ rồi mấy mẹ con sinh sống.

Thích ăn chơi, không có việc làm, lại mang tiếng "con nghiện" nên cuộc hôn nhân của Ngà với người vợ sớm tan đàn xẻ nghé. 2 đứa con theo mẹ, riêng Ngà, dù đã ngấp nghé 40 tuổi vẫn sống dựa vào vai áo của mẹ. Như con ngựa bất kham quen lối cũ, Ngà tiếp tục dính vào ma túy. Vì là đối tượng nằm trong diện theo dõi của địa phương nên thỉnh thoảng Ngà đảo qua UBND phường trình diện rồi lại lặn mất hút.

Ngà chìm đắm trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, lấy ma túy làm bầu bạn. Tiền kiếm được bao nhiêu ném vào thứ bột trắng bằng sạch. Hai năm sau, Nguyễn Hữu Ngà tiếp tục phải đi cai nghiện bắt buộc. Ma lực của ma túy luôn có sức hút kinh khủng với người nghiện. Những chuyến ra vào trại, xa rời, từ bỏ hay đoạn tuyệt với ma túy của Nguyễn Hữu Ngà chỉ mang tính tức thời.

Nguyễn Hữu Ngà tự nhận mình là thành phần xấu trong xã hội, lần tái hòa nhập gần đây nhất là năm 2016, khi ấy mẹ của ông đã qua đời. Ngôi nhà xưa bị giải tỏa, mẹ đã không còn, Nguyễn Hữu Ngà nhiều lần tới UBND phường xin xác nhận để làm Chứng minh nhân dân nhưng ông lại chẳng có bất cứ một mảnh giấy nào chứng minh lai lịch, gốc của mình.

Ông chỉ được người ta biết đến là "con nghiện có thâm niên". Mẹ mất, Nguyễn Hữu Ngà lại không thể chứng minh thân phận, nên số tiền bồi thường đợt 2 của căn nhà giải tỏa của mẹ con ông đến giờ vẫn không thể giải ngân.

Đi xin việc ở đâu cũng không được, vì chỗ nào người ta cũng đòi CMND hoặc hộ khẩu, quá buồn chán, thất vọng, Nguyễn Hữu Ngà lại lang thang, tìm đến men rượu giải sầu cho quên đời.

Khi chân đã mỏi, gối đã chùn, tiền đã cạn cho những thú vui, Nguyễn Hữu Ngà sang quận Bình Thạnh xin việc. Tại đây, ông được một chủ nhà hàng thấu hiểu hoàn cảnh, thân phận đã nhận vào làm nhân viên bảo vệ, giữ xe. Đây là công việc đàng hoàng, nghiêm túc và ổn định nhất trong hơn 50 năm làm người của Nguyễn Hữu Ngà.

Hơn 2 năm qua, ông đã sống được bằng những đồng tiền chân chính từ lao động của chính mình. Có tiền tiêu xài, có xe máy chạy nhưng ông vẫn là một kẻ vô gia cư, không chốn trở về. Nguyễn Hữu Ngà tâm sự, nhiều lúc muốn đi vào khách sạn ngủ một giấc thật sảng khoái nhưng không có CMND cũng đành chịu. Đi thuê trọ cũng không thể nên sau mỗi ngày làm việc, ông mắc võng ngủ lại ngay tại cửa hàng.

Con gái của Nguyễn Hữu Ngà sinh năm 1987 cũng đang trong cảnh người không danh phận chỉ bởi "cha không có giấy tờ".

Nguyễn Hữu Ngà chật vật với cuộc sống sau cai vì không có giấy tờ tùy thân.

Nguyễn Hữu Ngà chật vật với cuộc sống sau cai vì không có giấy tờ tùy thân.

Hủy hoại tuổi trẻ

Ma túy đã tàn phá và lấy đi thanh xuân, ước mơ, hoài bão của Lê Thị Hồng G. (25 tuổi, ngụ Đồng Nai). G. sinh ra trong một gia đình có tiền tài địa vị trong xã hội. Mẹ G. là giáo viên, cha làm kỹ sư xây dựng.

Ba mẹ chiều chuộng G. chẳng khác nào một công chúa, thích gì được nấy. 18 tuổi, G. lên TP HCM học đại học ngành văn hóa, du lịch. Bao nhiêu hy vọng của gia đình đã đổ dồn vào "cô chiêu" này nhưng rồi những cám dỗ của cuộc sống thị thành, hào nhoáng của ánh đèn vũ trường, quán bar đã cuốn thân xác và tuổi trẻ của G. vào cơn lốc ma túy đá.

Năm thứ 2 đại học, G. lột xác thành một dân chơi thứ thiệt. Trong những cuộc "bay lắc" xuyên đêm, G. như con thiêu thân, chìm vào ma túy. Bỏ học quá nhiều, thành tích học tập bết bát, G. bị nhà trường đuổi học.

Tin sốc này G. hoàn toàn giấu nhẹm gia đình, ba mẹ thì vẫn ung dung đặt niềm tin trong sáng vào phẩm hạnh của con gái, tiền vẫn "bơm" vào tài khoản cho G. đều đặn. Họ không thể ngờ, con gái đã dùng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ ném vào "thứ bột trắng chết người".

Vào một đêm giữa tháng 11-2019, chuông điện thoại của ông Lê Công H. reo liên hồi. Đầu dây bên kia là giọng của cán bộ Công an thông báo, con gái ông dương tính với ma túy. Ngay trong đêm, ông H. lái xe từ Đồng Nai lên TP HCM gặp con gái.

Nhìn thấy con rũ rượi, xơ xác ngồi cùng một nhóm dân chơi xăm trổ tại trụ sở Công an, ông thảng thốt không nói nên lời. G. thuộc diện phải đi cai nghiện bắt buộc 2 năm tại Trung tâm chữa bệnh Phú Văn (Bình Phước).

Thấm thoát cũng gần một năm G. đi cai nghiện ma túy, mỗi lần lên thăm con gái, mẹ G. lại sụt sùi khóc, thương con bao nhiêu thì tủi hổ nhục nhã bấy nhiêu. Cả đời bà làm nhà giáo, uốn nắn nhân cách con người mà lại không thể dạy nổi con gái.

Ông H. nhìn con như sát muối vào lòng, mắng chửi, đánh đập nó lúc này cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa, tất cả đã muộn màng. G. ăn năn hối cải, mong muốn làm lại cuộc đời sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

"Nó còn quá trẻ, tương lai đang ở phía trước. Nhưng liệu xã hội có định kiến với nó, khi cái dớp "con nghiện" đeo bám lấy cả cuộc đời? Nó ra đời bất lực, chán nản không lo nổi miếng ăn, lại quay trở về với ma túy thì sao?", ông H. đã thốt ra những câu hỏi nhức nhối, đau đớn như vậy.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho người nghiện.

Giải pháp cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng đã có, nhưng...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhận định, giai đoạn đầu sử dụng ma túy sau cai nghiện chỉ là sa ngã, chưa phải là tái nghiện.

Bệnh nhân sau khi rời khỏi trung tâm rất dễ sa ngã, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: gặp bạn nghiện cũ, trong tình huống cũ, gặp xung đột lớn về tâm lý, căng thẳng, đau đớn, thất bại… Một hoặc nhiều nguyên nhân đó gợi cho bệnh nhân nhớ về những hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác ngây ngất do ma túy tạo ra khiến cảm giác thèm ma túy quay về.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy thì sau cai nghiện, người nghiện vẫn chưa hoàn toàn phục hồi những thương tổn trí não lẫn tâm lý nhưng họ đã phần nào làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình. Chúng ta nên tỏ thái độ tôn trọng và cởi mở với họ hơn. Tránh thái độ kỳ thị, xa lánh có thể khắc sâu thêm sự mặc cảm, cô độc, dễ dẫn họ đến con đường tái nghiện.

Trong những năm gần đây, công tác phòng, chống ma túy và quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy đã và đang được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. Theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế,... có hiệu lực từ ngày 15-6-2014, người sau cai nghiện ma túy từ ba tháng trở lên có giấy chứng nhận của cơ sở cai nghiện bắt buộc và UBND cấp xã sẽ được vay vốn ưu đãi để sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người sau cai nghiện tiếp cận được vốn vay, việc làm vẫn chưa nhiều.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/gian-nan-tai-hoa-nhap-cong-dong-cho-nguoi-nghien-ma-tuy-612805/