Gian nan phòng, chống dịch cúm

KTĐT - Phòng, chống dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 đang là vấn đề nóng không chỉ riêng của ngành y tế. Sau liên tiếp các văn bản, kế hoạch của TP cũng như các ngành, sáng 16/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TP Hà Nội tiếp tục ngồi họp bàn phương án chống dịch.

Ngày, đêm chống dịch

Dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 đều xuất phát từ gia cầm, muốn không bị lây bệnh sang người, trước tiên phải chặn từ nguồn lây. Thế nhưng, tình trạng gà thải loại, gà giống từ Trung Quốc vẫn được tuồn vào Việt Nam , trong đó có Hà Nội. Để kiểm soát tình trạng này, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: "Phức tạp vô cùng!". Bà Mai cho biết, trước tình hình dịch ở Trung Quốc diễn biến rất "căng thẳng", bà cùng các đội Quản lý thị trường liên tục ngày, đêm (chủ yếu lúc 2 - 3 giờ sáng) kiểm tra đột xuất việc vận chuyển gia cầm vào Hà Nội, tập trung ở chợ Hà Vỹ. Hiện có một lượng lớn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc được tuồn vào một số bếp ăn tập thể các khu công nghiệp Hà Nội. Họ hợp thức hóa bằng cách mua Giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đối phó với cơ quan chức năng.

Vì lợi nhuận nên dân buôn lậu không chở gà bằng xe tải, mà dùng xe du lịch hạng sang để vận chuyển gà. Khi xé lẻ vào chợ, dân buôn dùng xe máy chở không quá 50 con/lần để tránh bị kiểm tra. Bà Mai cũng chỉ rõ, tình trạng buôn bán gà không rõ nguồn gốc cũng diễn ra khá phức tạp tại Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai.

Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Mai đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện phải vào cuộc, đặc biệt cần ngăn chặn việc giết mổ gia cầm tại chợ, trong đó có chim bồ câu. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đề nghị, 4 sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Công an cần phối hợp chặt chẽ hơn để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Sẵn sàng ứng phó với dịch

Công tác phòng chống dịch cần được ưu tiên ở mức cao nhất, đồng thời yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ để công tác phòng, chống dịch được thực hiện tốt.

Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP

Thời điểm này, mối lo lớn của ngành y tế chính là làm tốt công tác phòng chống cúm A/H7N9. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn. Đặc biệt là địa bàn Hà Nội, vì hàng ngày có khoảng 15.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó khoảng 2.000 khách đến từ Trung Quốc. Cũng theo ông Hạnh, hiện không loại trừ khả năng virus cúm A/H7N9 biến chủng lây từ người sang người và bùng phát dịch. Vì vậy, ngành y tế đã lên phương án ứng phó với 4 tình huống dịch. Ngành cũng đã sẵn sàng tình huống thiết lập bệnh viện dã chiến khi phát hiện các trường hợp nhiễm cúm lây từ người sang người. Phía Trung tâm y tế dự phòng đã chuẩn bị 106 máy phun, 13,6 tấn CloraminB, 2.000 viên Tamiflu và các phương tiện điều trị khác.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Sở Y tế cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chuyên môn để đáp ứng 4 tình huống về dịch cúm A/H7N9. Các sở, ngành chức năng phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát được việc lưu thông gà trên thị trường, đặc biệt là gà không rõ nguồn gốc và gà nhập lậu…

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/360009/gian-nan-phong-chong-dich-cum.aspx