Gian nan người thợ truyền tải nơi đỉnh 'đèo mây'

Đối với những người thợ truyền tải điện khu vực Tây Bắc trong mùa mưa bão năm nay nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hệ thống Truyền tải điện quốc gia càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết khi diễn biến thời tiết hết sức cực đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng, sạt lở nhiều vị trí móng cột trên đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa.

Sạt lở nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây

Có dịp tham gia đoàn công tác của Công ty Truyền tải điện 1 thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia ( EVNNPT) tới thăm và động viên cán bộ, công nhân viên Truyền tải điện Tây Bắc 2 đang dồn lực khắc phục sạt lở các vị trí móng cột trên đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chúng tôi cảm nhận rõ hơn khó khăn, vất vả mà những “người lính truyền tải” nơi đây đang phải đối mặt trong việc bảo đảm an toàn "mạch máu" truyền tải điện quốc gia .

Mưa lũ liên tục trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua đã làm các vị trí móng cột 128, 132, 134, 137 và 139 của đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa bị sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành an toàn của đường dây và truyền tải công suất từ hai nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu về TBA 500 kV Hiệp Hòa.

Công nhân Truyền tải điện Tây Bắc 2 rải bạt, xử lý sạt lở vị trí móng cột số 134 đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Theo anh Hoàng Đình Cơ, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Phù Yên thuộc Truyền tải điện Tây Bắc 2 trong cả chục năm trở lại đây có lẽ chưa bao giờ thời tiết lại cực đoan như những ngày cuối tháng 8/2018. Mưa lớn tập trung, kéo dài liên tục đã gây sạt lở tới 16 vị trí cột do đội quản lý, trong đó có 5 vị trí đặc biệt nguy hiểm thuộc địa bàn các xã Tạ Khoa và xã Song Pe, huyện Bắc Yên có thể gây ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa và việc truyền tải công suất từ hai nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu về TBA 500 kV Hiệp Hòa.

Gia cố các vị trí bảo đảm an toàn chân cột vị trí 134 đường dây 500kV Sơn La _ Hiệp Hòa. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Còn theo Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, trước đây việc sạt lở chủ yếu điễn ra tại các khu vực có nhiều nương rẫy nhưng năm nay việc sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông, hệ thống truyền tải điện và đời sống dân sinh. Mưa lũ gây sạt lở và vùi lấp hoàn toàn một số ngôi nhà và tài sản của bà con.

Bà Bích cho biết “ Trong đợt mưa lũ cuối tháng 8/2018 toàn xã Song Pe có 18 hộ bị sạt lở mất trắng hoàn toàn, 152 hộ phải di dời khẩn cấp. Nguy cơ bị ảnh hưởng sạt trượt lên tới 291 hộ. Rất may chưa có thiệt hại về người”.

Lý giải về tình trạng sạt lở nghiêm trọng này, ông Thái Minh Thắng, Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2 cho biết: Do địa hình đồi dốc,mưa lớn, liên tục trong nhiều ngày đã làm yếu liên kết lớp đất đá trên bề mặt các tầng đá lớn cùng với độ che phủ rừng đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp đã làm tình trạng sạt lở, sạt trượt càng trở nên nghiêm trọng.

Gian nan khắc phục tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn đường dây

Đối với những người thợ ruyền tải điện khu vực Tây Bắc, việc khắc phục, xử lý sự cố ảnh hưởng tới các vị trí móng cột trong điều kiện thời tiết bình thường đã vất vả thì việc xử lý sạt lở trong mùa mưa lũ càng khó khăn gấp bội phần.

Căng mình gia cố vị trí móng cột bị sạt lở. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

“Thời tiết thuận lợi di chuyển đến các vị trí móng cột chót vót trên các đỉnh đồi đã hết sức gian nan, chưa kể khi mưa lũ. Nhiều vị trí chưa thể tiếp cận ngay vị địa hình hiểm trở, chia cắt do sạt lở. Có điểm anh em phải đi bộ từ 15 – 20 km mới đến được các điểm sạt lở, một số vị trí anh em phải vượt sông di chuyển bằng thuyền mới tiếp cận được hiện trường”, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Phù Yên Hoàng Đình Cơ chia sẻ.

Tiếp cận vị trí sạt lở số 134 đang được Đội Truyền tải điện Phù Yên huy động lực lượng gấp rút khắc phục, xử lý chúng tôi càng thấm thía hơn nỗi vất vả của những người lính truyền tải giữa nơi lưng chừng trời này.

Từ đường giao thông di chuyển hơn 1 km bằng con đường mòn độc đạo, vượt qua vài con dốc, qua một số điểm lầy lội tới vị trí móng cột cao hơn 600 m so với mực nước biển này các phóng viên của đoàn công tác mồ hôi đã ướt sũng lưng áo, thở không ra hơi, trong khi những người lĩnh truyền tải còn phải đưa một khối lượng lớn sắt thép, đá, xi măng, máy móc xử lý sạt lở hoàn toàn chỉ với sức người để thấy họ phải gian nan, vất vả như thế nào.

Được biết ngay sau khi xảy ra mưa lũ gây sạt lở, ảnh hưởng tới một số vị trí móng cột, Truyền tải điện Tây Bắc 2 đã huy động tối đa lực lượng, vật tư trang thiết bị tại chỗ để xử lý tạm bằng cách chằng néo chống nghiêng cột, phủ bạt lên mặt móng và khu vực bị sạt lở để chống thấm nước. Đồng thời đào thêm các rãnh thoát nước phía ta-luy dương để lái dòng chảy không cho nước chảy vào móng cột.

Sau khi hết mưa, đơn vị đã thực hiện công tác đổ bê tông móng néo, lắp dây tăng néo cột và gia cố mái dốc, kè rọ đá, gia cường vị trí móng.

Ông Thái Minh Thắng, Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc 2 cho biết: Hiện nay, toàn bộ lực lượng của đơn vị (gồm 5 đội truyền tải điện với tổng số gần 80 người và cán bộ nhân viên các phòng nghiệp vụ), cùng với sự hỗ trợ của nhân dân địa phương đang dồn sức khắc phục sự cố sạt lở, đồng thời vẫn tổ chức ứng trực để sẵn sàng xử lý trong trường hợp lại có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Nhiều vị trí người thợ truyền tải phải di chuyển bằng thuyền để tiếp cận hiện trường. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ triển khai tại hiện trường mới đây, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 1 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn thiết kế, tăng cường nhân lực và thiết bị, đẩy nhanh tiến độ khoan thăm dò địa chất, đưa ra phương án xử lý triệt để sự cố sạt lở các vị trí móng cột đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa.

Lãnh đạo Tổng công ty cũng nhấn mạnh phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ công nhân viên và các lực lượng tham gia thi công trên công trường.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/gian-nan-nguoi-tho-truyen-tai-noi-dinh-deo-may/347601.vgp