Gian nan hành trình 'tìm lại' đôi chân cho trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động của người võ sư Aikido

Hơn 10 năm nay, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ của thầy Lê Hoàng Mai đã giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động có thể tự đi lại, sinh hoạt như người bình thường.

Tọa lạc tại nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận (179 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM), lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động do thầy Lê Hoàng Mai hoạt động từ 18h đến 20h vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần hoàn toàn miễn phí.

Thầy Lê Hoàng Mai, người thành lập lớp học này.

Thầy Lê Hoàng Mai, người thành lập lớp học này.

Lớp học "tìm lại" đôi chân cho trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động.

Lớp học này đã được thành lập và tồn tại hơn 10 năm nay với sứ mệnh “tìm lại” đôi chân cho rất nhiều trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động. Tại đây, thầy Mai sử dụng các bài tập, cách vận động giúp các bé hoàn thiện cơ thể, đặc biệt không sử dụng thuốc.

Thầy Mai sử dụng các bài tập, cách vận động giúp các bé hoàn thiện cơ thể, đặc biệt không sử dụng thuốc.

Lớp học là nơi tập trung nhiều trẻ em bị khuyết tật, chậm khả năng vận động do bẩm sinh, tai nạn có thể “tìm lại” đôi chân, tự sinh hoạt được. Ngoài ra, nơi đây cũng hỗ trợ cho những người bị tai biến, liệt nửa người có khả năng đi lại được và một số người bị tai nạn giao thông, gãy cột sống có khả năng đứng lên được.

Nơi đây cũng hỗ trợ cho những người bị tai biến, liệt nửa người có khả năng đi lại.

Theo thầy Lê Hoàng Mai, lớp học đã có trên 10 năm tuổi. Lý do thầy cố gắng duy trì, phát triển lớp học tới hiện tại là do thấy được nhiều hoàn cảnh trẻ em khuyết tật, chậm khả năng vận động đã chạy chữa rất nhiều nơi nhưng không tiến triển. Điều này thôi thúc thầy giúp đỡ các em, giúp các em có thể tự đi được, tự sinh hoạt được.

Ngoài ra, mục đích thầy Mai mở lớp học này là còn để các học viên có một sân chơi lành mạnh để sống, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ mọi người. Từ đó, xã hội sẽ tốt hơn nhờ những người như các em. Sau này các em trưởng thành sẽ lan tỏa những thông điệp yêu thương, nhân rộng mô hình này hơn nữa.

“Thời gian đầu mở lớp, tôi không có ý định để nhiều người biết đến. Nhưng có 1 trường hợp đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Khi một người mẹ ẵm con đến gặp tôi, em bé đó nằm dưới đất và co quắp người lại. Tôi suy nghĩ nếu như mình không giúp thì sau này bé lớn lên sẽ như thế nào, vì thế tôi đã nhận và sau này bé đó đi lại được. Từ đó, tôi quyết định mở lớp rộng hơn để nhiều người biết tới”, thầy Mai chia sẻ.

Được biết, trước đây, thầy Mai là giáo viên dạy võ Aikido, nhưng đến thời điểm hiện tại, thầy Lê Hoàng Mai đã đóng cửa hết các sân dạy võ của mình để tập trung vào lớp học đặc biệt này. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên làm việc tại đây cũng là các học viên trong lớp võ Aikido của thầy.

Các tình nguyện viên làm việc tại đây là các học viên trong lớp võ Aikido của thầy Mai.

“Trước đây mình và team đi dạy võ và mở rất nhiều sân, tuy nhiên, thời gian sau nhiều người từ mọi nơi đổ về tìm sự giúp đỡ nên mình đóng hết các sân lại để tập trung hơn. Cũng vì thế mà mình gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế. Nhưng đây là công việc mình tự nguyện nên mình luôn cố gắng, đến khi nào không cố gắng được nữa thì thôi”, thầy Mai tâm sự.

Thầy Mai cho biết, thầy chưa từ chối bất kỳ trường hợp nào, bằng mọi giá thầy và Team 404 luôn cố gắng giúp đỡ những người tìm đến. Đối với những trường hợp ở xa, thầy hỗ trợ ngược lại tiền ăn ở, phí sinh hoạt hằng ngày vì đa số họ là người khó khăn.

“Có nhiều phụ huynh vì chạy chữa khắp nơi cho con mà họ phải bán nhà nhưng tình trạng trẻ vẫn không tiến triển”, thầy Mai cho biết.

Ở đây có rất nhiều trường hợp đặc biệt nhưng sau 1 thời gian điều trị, các em đã được “tốt nghiệp” và có khả năng đi lại.

Một số trường hợp tiêu biểu như em bé 3 tuổi ở Nam Định bị cổng sắt khoảng 1,5 tấn ngã đè bể hộp sọ may mắn được bác sĩ cứu sống nhưng bị liệt nửa người. Sau khi gia đình đưa đến đây, khoảng 1 tháng sau bé đã có thể đứng dậy và đi lại được.

Trường hợp khác ở Vũng Tàu, lúc gia đình đưa bé tới lớp học thì bé không có hộp sọ, phải ẵm trên tay và không thể ngồi được. Sau một thời gian luyện tập, hiện tại bé đã có thể ngồi được, nhận thức được.

Sau một thời gian luyện tập tại đây, hiện tại, cô bé này đã có thể ngồi được, nhận thức được.

“Hồi bé mới lên đây, bé không biết gì hết, không ngồi được, cô chỉ có thể ẵm bé trên tay thôi. Hiện tại bé đã ngồi vững rồi và cô kêu tên bé bé cũng biết. Hồi trước 2 bàn tay bé nắm chặt lại không mở ra được còn bây giờ bé mở ra được mà còn biết vỗ tay nữa”, bà ngoại cô bé xúc động chia sẻ.

“Niềm vui lớn nhất của mình là các em đứng dậy được, có thể ngồi, ăn và phát triển triển cùng nụ cười hạnh phúc của gia đình. Đó cũng là động lực để thầy trò mình cố gắng hơn”, thầy Mai cười nói.

Ngọc Quyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/gian-nan-hanh-trinh-tim-lai-doi-chan-cho-tre-em-khuyet-tat-cham-kha-nang-van-dong-cua-nguoi-vo-su-aikido-20201015170206195.htm