Gian nan hành trình đi tìm con chữ của học sinh vùng cao Xứ Thanh

Trời còn chưa sáng, những con chim rừng vẫn còn ngái ngủ, thì những em học sinh nơi đây đã dậy, nhai tạm miếng cơm nguội để chuẩn bị cho hành trình leo núi vượt sông đi tìm 'con chữ'.

Bản cần lắm một cây cầu

Bản Vui, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nằm tách bạch với trung tâm xã bởi con Sông Mã. Con đường duy nhất để vào bản là con đò ngang của bản làng tự góp tiền để mua. Con đò này không chỉ là cầu nối giữa bản và trung tâm mà còn là con đường duy nhất giúp các em ở đây đến trường.

Chúng tôi tìm đến bản Vui vào một buổi chiều muộn, khi những con chim rừng đã ríu rít rủ nhau bay về tổ sau một ngày kiếm ăn miệt nhọc, khi bến đò cũng vãn dần khách qua sông.

Hàng ngày các em đều phải đi qua sông đến trường

Chiếc đò từ từ đưa chúng tôi qua sông, đến giữa dòng, gặp nước chảy siết nó bắt đầu lắc lư, khiến ai mới đi lần đầu không khỏi rùng mình trước những hiểm nguy luôn rình rập mỗi khi qua đây. Chỉ khi đò cập bến chúng tôi mới thở phào bước lên bờ mà không giám quay đầu nhìn lại.

Đặt chân lên trên con đường vào bản khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối, những tiếng cười nói của trẻ thơ bắt đầu ít dần. Từ bờ sông, chúng tôi đi bộ hơn 9km mới vào đến trung tâm bản.

Ngồi uống nước trên nhà sàn của trưởng bản Cao Công Nghĩa, trong ánh lửa lập lòe, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được cuộc sống lam lũ của bà con nơi đây. Cuộc sống lam lũ của họ cũng như những bếp lửa đang cháy, cứ lẻ loi mãi không biết lúc nào mới được bùng lên.

Đặc biệt là những đứa trẻ, từ khi lọt lòng họ đã chịu biết bao thiệt thòi. Họ không có nhiều đồ chơi, không có quần áo mới như ở thành phố. Ngay cả chiếc bàn để học cũng không có.

Trời mờ sáng các em học sinh ở đây đã phải bằng rừng hơn 9km đến trường

Dưới những ánh điện le lói, yếu ớt là 3 đến 4 cái đầu chụp lại nằm cùng học. Do không có bàn nên các em nằm thẳng ra sàn nhà để viết bài. Những quyển sách giáo khoa đã cũ, từ thời anh chị nhưng vẫn được giữ cẩn thận để cho thế hệ sau.

Em Hà Anh Truyền cho biết: “Bọn em không có sách giáo khoa mới mà chỉ mượn lại của các anh chị đã học qua để học nên chúng em gì giữ nó rất cẩn thận để cho những đứa em khác có cái mà học”.

Gian nan con đường đến trường

Khi mặt trời còn chưa thức giấc, những con chim rừng vẫn đang còn ngái ngủ thì bản Vui đã nhộn nhịp tiếng người lớn gọi trẻ em dậy chuẩn bị đi học và tiếng mài dao xột xoạt của bà con để chuẩn bị lên nương. Cũng chính vì lẽ đó mà bản Vui có tên từ đó, bản luôn đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ của mọi người.

Để đến được trường, các em phải vượt hơn 9km đường đồi núi và 200m qua đò. Những ngày trời nắng còn đỡ, nhưng chỉ cần vài hạt mưa xuống, đường trở nên lầy lội, khó đi, chỉ cần xẩy chân một chút có thể rơi xuống vực hoặc ngã gãy tay lúc nào không hay.

Những em nhỏ vẫn được bố mẹ đưa đón qua đò mới in tâm về làm việc

Nói về những khó khăn mà các em luôn phải đối mặt mỗi khi đến trường, em Hà Nhật Long cho biết: “Nhiều hôm trời mưa chúng em đến trường quần áo bẩn hết, có những bạn còn bị gãy tay, trượt khớp khi bị ngã. Biết là vất vả vậy nhưng chúng em vẫn cố gắng đến trường để học con chữ”.

Không chỉ có vậy, có hôm mưa to, các em phải nghỉ học vì không qua được sông, hoặc phải ngủ lại trường. Những hôm như vậy, bao nhiêu ánh mắt của gia đình và bạn bè lại tập trung hướng ra sông, chờ nước rút để đón con cháu về.

Anh Hà Văn Át (SN 1984) chia sẻ: “Vất vả lắm các chú ạ, nhưng biết làm sao được, đời chúng tôi không được học hành nên mới nghèo đói, nay bằng giá nào cũng phải cho con đến trường. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền quan tâm, xây dựng được cái cầu để con cháu đi học đỡ nguy hiểm hơn.

Những đoạn đường các em đến trường đã gặp không ít hiểm nguy, nhưng khó khăn hơn cả có lẽ là lúc đặt chân lên thuyền. Lúc đấy tính mạng các em đều giao phó cho người lái đò và sự hiền dịu của dòng sông.

Bản Vui nằm nằm lưng chừng trên ngọn đồi, cách trung tâm xã 12 km

Được biết, bản Vui có 58 em học sinh đang phải qua sông để đến trường. Chiếc đò bắc qua con sông này do dân tự góp tiền mua. Mỗi một hộ gia đình sẽ trực để đưa đò 3 ngày. Cứ như vậy cả bản làng sẽ quay vòng, thay phiên nhau đưa đò. Chính vì lẽ đó mà kinh nghiệm lái đò, hiểu về nguồn nước đối với một số hộ giường như là không có, chưa kể đến những hôm người già trực, sức yếu tay mềm nên rất nguy hiểm.

Chia sẻ về những khó khăn của bà con bản Vui ông Phạm Quang Hạt, Phó Chủ tịch xã Thanh Xuân cho biết: “Trong toàn xã có 2 bản phải qua đò. Trong đó bản Vui là khó khăn nhất. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên chính quyền xin kinh phí xây câu nhưng vẫn chưa thấy đâu.”

“Vẫn biết các em học sinh đi học vất vả, chính quyền đã vận động các hộ gia đình ở trung tâm xã tạo điều kiện cho các em trú lại những ngày mưa to gió lớn, để không xảy ra tình trạng đáng tiếc xảy ra”. Cũng theo ông Hạt

Rời xa bản Vui trong ánh mắt ngóng trông của bà con và các em học sinh. Chúng tôi đến với họ như để tiếp thêm sức mạnh và niềm hi vọng về tương lai tươi sáng, về những cây cầu của ước mơ, nối tiếp nhau cùng bắc qua sông.

Hà Khải - Xuân Sơn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/gian-nan-hanh-trinh-di-tim-con-chu-cua-hoc-sinh-vung-cao-xu-thanh-post17992.html