Gian nan hành trình cải cách kiểm tra chuyên ngành

Số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) còn lớn, nhiều mặt hàng được công bố cắt giảm nhưng chỉ ở mặt hình thức, chưa đi vào thực chất, khiến mục tiêu đơn giản hóa trong lĩnh vực này chưa được như kỳ vọng.

Danh mục hàng hóa KTCN lớn gây khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Trong ảnh: Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình.

Danh mục hàng hóa KTCN lớn gây khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Trong ảnh: Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình.

Còn hơn 70.000 mặt hàng phải kiểm tra

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp thứ 5 Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) mới đây cho thấy số lượng mặt hàng còn phải KTCN của các bộ, ngành còn rất lớn. Theo đó, năm 2015, có 13 bộ, ngành ban hành danh mục 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý, KTCN. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số lượng nhiều nhất với 65.185 mặt hàng, chiếm gần 79% tổng số lượng của cả nước.

5 bộ khác có số lượng mặt hàng quản lý, KTCN từ 1.000 trở lên vào thời điểm đó là: Bộ Y tế 5.730; Bộ Công Thương 5.096; Bộ Khoa học và Công nghệ 3.434; Bộ Giao thông vận tải 1.433; Bộ Thông tin và Truyền thông 1.034.

Đến giữa năm 2019, tổng số lượng mặt hàng quản lý, KTCN còn 70.087, nghĩa là trong khoảng 4 năm qua các bộ, ngành mới cắt giảm được 12.600 mặt hàng.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị có số lượng cắt giảm nhiều nhất với 7.623 mặt hàng. Tuy nhiên, số lượng cắt giảm chưa đủ mạnh so với các bộ, ngành, vì vậy, tỷ trọng số mặt hàng phải quản lý, KTCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn rất lớn, lên đến 57.562 mặt hàng. Đáng chú ý, tỷ trọng mặt hàng phải KTCN của bộ này trong tổng số lượng của cả nước đã tăng từ 78,8% năm 2015 (65.185/82.698 mặt hàng) lên 82% vào trung tuần năm nay (57.562/70.087).

Theo lý giải của cơ quan chức năng, hiện nhiều mặt hàng thuộc diện quản lý, KTCN khó cắt giảm vì phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tới 24.950 mặt hàng phải tuân thủ công tác quản lý theo Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng còn hàng nghìn mặt hàng phải KTCN. Trong đó, Bộ Công Thương còn 3.914 mặt hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ còn 2.628 mặt hàng...

Đánh giá về công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục KTCN thời gian qua, tại cuộc họp thứ 5 của Ủy ban 1899 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Chủ tịch Ủy ban 1899 cho rằng, các bộ, ngành có nỗ lực nhưng kết quả thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Cắt giảm hình thức

Tại cuộc họp của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng với 14 bộ, cơ quan về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh ngày 21/8 vừa qua, vấn đề chậm chuyển biến trong cải cách KTCN tiếp tục là nội dung thu hút được nhiều sự quan tâm và đưa ra “mổ xẻ”. Một số ý kiến cho rằng trong những tháng đầu năm nay, việc cải cách quản lý, KTCN chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” chứ không phải giảm số lượng mặt hàng cần kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, việc đơn giản hóa thủ tục KTCN còn hình thức, một số việc đã được giao tại nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng các bộ chậm sửa đổi, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật; thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có nơi kéo dài tới 3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Thậm chí, tình trạng chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ dù đã được phản ánh nhiều lần nhưng vẫn còn tồn tại không ít. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ví dụ như mặt hàng radar thu phát sóng (Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giao thông vận tải), dàn lạnh (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nguyên liệu sữa (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế)…

Vướng cả từ văn bản

Không chỉ chậm chuyển biến trong cắt giảm danh mục, mặt hàng phải kiểm tra, việc thực hiện KTCN còn gặp khó bởi vướng mắc trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là một số nghị định có nhiều tác động đến cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Điển hình như vướng mắc liên quan đến Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008 quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định này, đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn), việc kiểm tra nhà nước về chất lượng được xem xét qua hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu theo 3 biện pháp. Đó là: Tự đánh giá phù hợp của tổ chức, cá nhân; chứng nhận giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận; chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định...

Tuy nhiên, đến nay một số bộ ban hành văn bản chưa phù hợp với quy định của Nghị định 74. Đơn cử như Thông tư 41/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải; Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Thông tư 14/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư 33/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương; Thông tư 08/2019/TT-BCA của Bộ Công an.

Cụ thể, các văn bản nêu trên phân danh mục hàng hóa nhóm 2 (kèm mã số HS) thành 2 nhóm phải kiểm tra chất lượng trước thông quan và sau thông quan. Đối với trước thông quan, người nhập khẩu phải nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng. Tuy nhiên, đối với hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng sau khi được thông quan, văn bản các bộ chưa quy định rõ biện pháp công bố hợp quy, do đó, vướng mắc phát sinh là không xác định người nhập khẩu có phải nộp cho cơ quan Hải quan bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định tại Nghị định 74 hay không.

Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, việc thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng gặp vướng mắc với quy định về phương pháp kiểm tra giảm...

Để khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách, đơn giản hóa thủ tục quản lý, KTCN, tại kết luận phiên họp thứ 5 của Ủy ban 1899, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác quản lý và KTCN theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng phải đảm bảo yêu cầu tăng cường chống gian lận thương mại. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật về KTCN, đặc biệt có nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước nước về hải quan, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để văn bản khi ban hành có tính khả thi và thực tế đi vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gian-nan-hanh-trinh-cai-cach-kiem-tra-chuyen-nganh-110503.html