Gian nan giữ 'lửa nghề' môn bắn súng

Bắn súng là môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam, nhưng chi phí đầu tư lớn và đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến thiếu.

Chuyện nhiều vận động viên (VĐV) phải tập bắn chay là hình ảnh quá quen thuộc với bất cứ trung tâm bắn súng nào, ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo trẻ và giữ “lửa nghề” cho các xạ thủ.

Bao giờ thoát cảnh tập chay?

Là một trong những trung tâm mạnh của bắn súng Việt Nam nhưng thời gian qua, các VĐV Hải Phòng đã quá quen với cảnh tập chay. Vì thiếu kinh phí, thiếu đạn nên cứ mỗi buổi tập, các xạ thủ Hải Phòng nâng súng lên ngắm rồi lại đặt súng xuống thành ra lâu ngày cũng quen.

Tương tự là Hà Nội, những vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ ngoài tầm với nên VĐV thường xuyên trong cảnh ngóng... đạn tập. Đến đạn thi đấu còn phải lo cho từng giải đấu thì khó nói đến việc bố trí đủ đạn tập. Trong khi đó, lực lượng của bắn súng Hà Nội lại đông đảo, tới hơn 70 VĐV ở cả 3 tuyến. Việc thiếu đạn tập triền miên khiến các xạ thủ không thể cải thiện thành tích, thậm chí nhiều VĐV thụt lùi thành tích. Chính vì vậy, số VĐV của Hà Nội tại đội tuyển quốc gia ngày càng ít và thua xa vài năm trước, khi đạn tập và thi đấu là vấn đề lớn.

 Bắn súng Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu kinh phí, đạn tập.

Bắn súng Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu kinh phí, đạn tập.

Một trong những cách giải quyết việc thiếu đạn tập của nhiều địa phương là đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài. Địa điểm tập huấn luôn sẵn đạn để VĐV tập luyện, từ đó giúp các VĐV nâng cao trình độ. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì kế hoạch tập huấn nước ngoài phải gác lại nên nhiều câu lạc bộ, VĐV hiện nay đều chấp nhận tập trong nước với tình trạng thiếu đạn.

HLV Nguyễn Tấn Nam, Trưởng bộ môn bắn súng Hà Nội khẳng định: “Điều quan trọng nhất vẫn là phải cung cấp đầy đủ điều kiện tập luyện cho VĐV để giữ “lửa nghề” cũng như nuôi khát vọng cho các VĐV, nhất là VĐV trẻ. Câu chuyện thiếu đạn tập luyện dù khó song vẫn cần các ngành, các bên liên quan cùng chung tay giải quyết để gỡ khó”.

Đào tạo trẻ gặp khó

Khi Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường chuẩn bị bước sang tuổi 46 thì người ta mới thẳng thắn nhìn vào thế hệ trẻ kế cận. Chỉ có vài xạ thủ trẻ như: Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thu Trang, Iwaki (xạ thủ gốc Việt đang thi đấu cho đội TP Hồ Chí Minh), Bùi Thúy Thu Thủy, Nguyễn Xuân Chuyên, Phan Công Minh, Bùi Hồng Phong có khả năng tiếp bước các thế hệ trước. Tuy nhiên cũng vẫn là ít so với yêu cầu trẻ hóa đội tuyển quốc gia.

Sau SEA Games 27 năm 2013, bắn súng Việt Nam hồ hởi vì sở hữu dàn xạ thủ nam, nữ mới qua tuổi đôi mươi đầy tài năng. Những Hoa Hồng, Minh Châu (súng ngắn hơi), Thành Đạt (súng trường) đã đóng góp hơn một nửa trong tổng số 7 tấm Huy chương Vàng của đội tuyển bắn súng Việt Nam. Ở tổ súng ngắn nam, những Nguyễn Hoàng Phương, Hà Minh Thành cũng có bước phát triển khá ổn định.

Bẵng đi một thời gian, bắn súng Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo trẻ. Điều này càng thấy rõ như việc đội tuyển bắn súng quốc gia đang chỉ có 19 VĐV. Số lượng này thực sự là khá khiêm tốn với một môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Nhung, Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam cho biết: “Hiện nay tình trạng khan hiếm về nguồn tuyển chọn VĐV cho đội tuyển bắn súng quốc gia diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, vài năm trước có thể chọn được 10-15 xạ thủ tại một địa phương cho đội tuyển quốc gia. Nhưng nay rất khó tìm đủ số VĐV đáp ứng yêu cầu như vậy để gọi vào đội tuyển quốc gia. Có khi chỉ chọn được 1-3 VĐV ở những địa phương từng được đánh giá là có phong trào bắn súng mạnh trên toàn quốc”.

Trong các địa phương phát triển môn bắn súng thì Hà Nội từng là nguồn cung cấp hàng đầu về VĐV cho các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội chỉ có 2 xạ thủ góp mặt ở đội tuyển quốc gia, 4 xạ thủ có tên trong đội tuyển trẻ quốc gia. Với Hải Phòng, câu chuyện không chỉ là đạn tập mà còn đến từ tâm lý của các bậc phụ huynh. HLV Phạm Cao Sơn của bắn súng Hải Phòng lý giải: “Khó khăn của nguồn VĐV trẻ môn bắn súng còn đến từ việc nhiều gia đình giờ không muốn cho con đi theo thể thao thành tích cao. Nhiều khi thấy các em có năng khiếu, có thể thành công trong môi trường thể thao thành tích cao nhưng các thầy cũng không thể lay chuyển được ý định tập cho vui của cha mẹ các em”.

Bắn súng Việt Nam từng gây tiếng vang ở đấu trường quốc tế, đặc biệt là 1 tấm Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Tokyo 2016. Tuy nhiên, chất lượng thế hệ kế cận Hoàng Xuân Vinh lại đang là bài toán khiến các nhà chuyên môn khá đau đầu. Trong đó, giải quyết khâu thiếu đạn tập là vấn đề cấp bách nhất lúc này.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/gian-nan-giu-lua-nghe-mon-ban-sung-622420