Gian nan giấc mơ World Cup

Việc vòng chung kết World Cup 2026 diễn ra theo thể thức 48 đội đã mở ra cơ hội tham dự cho các nền bóng đá đang phát triển, trong đó có đội tuyển Việt Nam. Lý thuyết là vậy, song để hiện thực hóa mục tiêu trên lại là câu chuyện không hề đơn giản.

Sau hơn hai năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, Huấn luyện viên Park Hang-seo thừa nhận, bóng đá Việt Nam chưa sẵn sàng cho World Cup. Nhà cầm quân người Hàn Quốc này lý giải, muốn đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thì bóng đá Việt Nam cần có thêm nhiều “lò” đào tạo chuyên nghiệp; cầu thủ trẻ phải được thi đấu nhiều hơn ở câu lạc bộ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cần hoàn thiện và nâng cao hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp... Ta phát triển thì bạn cũng không đứng yên. Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia cũng đã sớm khởi động chiến dịch săn vé dự World Cup.

Trong phát biểu mới đây, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển U.19 Việt Nam Philippe Troussier cho rằng, để chuẩn bị cho World Cup 2026 bóng đá Việt Nam cần tất cả thế hệ cầu thủ sinh từ năm 1998 đến 2004. Con số sẽ lên khoảng 100 cầu thủ. 100 người này là những người được trải nghiệm, được thử thách ở các giải đấu từ vòng loại World Cup tới SEA Games 2021, vòng loại Olympic 2024... Tuy nhiên, nhà cầm quân người Pháp này băn khoăn: “Câu hỏi thực sự ta phải đặt ra là 100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu? Và họ được chơi bao nhiêu trận? Các cầu thủ cần tập luyện, nhưng họ phải được thi đấu nữa.Trong đội hình U.19 Việt Nam chuẩn bị cho vòng chung kết U.19 châu Á 2020, không có cầu thủ nào giành được suất đá chính tại V-League. Điều này thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ”.

 Cầu thủ sinh năm 2001 Huỳnh Công Đến là tài năng triển vọng của bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ sinh năm 2001 Huỳnh Công Đến là tài năng triển vọng của bóng đá Việt Nam.

Trong đào tạo bóng đá trẻ, không phải lúc nào ta cũng có được các lứa cầu thủ mong muốn. Dù bóng đá Việt Nam đang sở hữu thế hệ Quang Hải, Văn Hậu... xuất sắc, nhưng thế hệ kế cận chưa chắc đã đạt được trình độ chuyên môn tương tự. Cũng vì lẽ đó, việc càng có nhiều các “lò” đào tạo chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà chuyên môn được lựa chọn, sàng lọc để tìm ra những cầu thủ tốt nhất. Giám đốc kỹ thuật của VFF Jurgen Gede băn khoăn: “Tôi thấy nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam hay sử dụng đồ uống có ga, các loại bim bim, đồ ăn vặt... Tôi hiểu tâm lý trẻ con, nhưng xác định làm cầu thủ thì đừng ăn uống cho "sướng mồm". Vấn đề lớn nhất của cầu thủ Việt Nam là họ không có ý thức di chuyển không bóng. Một trận đấu, cầu thủ chỉ chạm bóng khoảng 60 lần thôi. Trong 60 lần chạm bóng ấy, làm sao để tối ưu một đường chuyền, một cú sút? Đá bóng đỉnh cao làm gì có chuyện người khác dí bóng vào chân, còn hậu vệ đối phương chạy ra cho anh sút? Phải di chuyển, chạy chỗ, chạy vào "điểm mù" của đối thủ mới có tình huống để xử lý”.

Có thể thấy còn khá nhiều vấn đề mà bóng đá Việt Nam cần giải quyết để hướng tới mục tiêu World Cup 2026, trong đó đặc biệt là công tác đào tạo trẻ. Rồi câu chuyện mới đây Ban Kỷ luật của VFF ra án phạt cấm thi đấu 11 cầu thủ trẻ của Đồng Tháp vì tham gia cá độ bóng đá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các câu lạc bộ trong việc cần phải sâu sát, nghiêm khắc trong việc đào tạo, nuôi dưỡng các cầu thủ. World Cup là mục tiêu, là giấc mơ không chỉ của riêng ai mà cần có sự chung tay vào cuộc của những nhà quản lý, hoạch định chiến lược, các địa phương phát triển phong trào bóng đá... Tất cả cùng đoàn kết thì mới mong hoàn thành đại sự.

Bài và ảnh: MINH CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/gian-nan-giac-mo-world-cup-617946