Gian nan đòi tiền bảo hiểm tàu cá

Theo quy định pháp luật, một trong trong những yêu cầu bắt buộc đối với tàu cá được phép rời cảng để khai thác thủy sản là phải có giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá lẫn ngư dân hành nghề trên tàu. Tiếc rằng, do không nhận thức đầy đủ nội dung trong hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) nên nhiều chủ tàu vấp phải khó khăn khi yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự sau sự cố tai nạn trên biển.

Tòa án Nhân dân (TAND) TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang thụ lý, giải quyết vụ kiện tranh chấp HĐBH giữa ông Nguyễn Thuận (trú ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) với Bảo Việt Khánh Hòa (BVKH) liên quan đến sự cố tai nạn tàu cá mang số hiệu KH-95678 TS. Từng có hàng chục năm trải nghiệm trong nghề “đi sóng, về gió”, nhưng giờ đây ông Nguyễn Thuận gần như đã “trắng tay”.

Ông Thuận bày tỏ: “Tôi vay tiền đóng mới hai chiếc tàu cá mang số hiệu KH-95678 TS và KH-98888 TS, mỗi tàu có công suất 755 CV. Cách đây hai năm, một tàu bị chìm khi đang vận hành trên biển, một tàu mắc cạn phải sửa chữa, khiến cho tôi phải rời biển, trong khi lãi vay ngân hàng vẫn phải thanh toán, nhưng bảo hiểm tàu cá bị từ chối nên nợ nần chồng chất, buộc tôi phải giao nhà cho chủ nợ cấn trừ tiền vay bên ngoài”.

Để ra khơi khai thác hải sản, mỗi tàu cá đều phải có bảo hiểm.

Để ra khơi khai thác hải sản, mỗi tàu cá đều phải có bảo hiểm.

Ông Thuận nhớ lại, ngày 17/8/2019, hai tàu cá nêu trên rời cảng Vĩnh Trường, TP Nha Trang, ra khơi khai thác hải sản. Ngày 19/8/2019, trong lúc hai tàu cá vượt qua khỏi Hòn Hải (Bình Thuận) khoảng 60 hải lý thì biển động mạnh, sóng gió cấp 6-7, vỏ tàu cá KH-95678 TS bị rò rỉ, nước tràn vào khoang. Sau khi sử dụng thiết bị vô tuyến trên tàu để thông báo cứu nạn nhưng không liên lạc được, ông Thuận lặn xuống hầm tàu dò tìm không thấy vị trí rò rỉ, nhóm ngư dân nỗ lực tát nước ra khỏi khoang tàu nhưng bất thành, tàu cá trị giá gần chục tỷ đồng đắm dưới biển.

Hơn 1 năm sau sự cố tai nạn, ngày 10/12/2020, BVKH có văn bản từ chối chi trả bảo hiểm với lý do tàu cá KH-95678 TS hoạt động ngoài phạm vi bảo hiểm. Theo BVKH, tàu cá nêu trên bị chìm ở vùng biển Bình Thuận, cách bờ ở nơi gần nhất của đảo Phú Quý 98 hải lý về phía Đông Nam; cách Vũng Tàu 182 hải lý; cách đảo Đá Tây, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) 107 hải lý. Trong khi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá KH-95678 TS chỉ được phép hoạt động ở vùng biển hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý, nếu tham gia đội tàu thì được cộng thêm 20 hải lý. Theo đó, giới hạn hoạt động tối đa của tàu cá KH-95678 TS chỉ cách bờ hoặc nơi trú ẩn 70 hải lý, trong khi vị trí tàu chìm vượt quá giới hạn quy định, nên nằm ngoài phạm vi bảo hiểm !

Ông Hoàng Minh Huy, Trưởng phòng giám định bồi thường của BVKH cho biết, để có căn cứ từ chối chi trả bảo hiểm, BVKH đã thuê Công ty CP Giám định kỹ thuật Việt Nam (VITECONTROL) xác định vị trí tàu đắm, loại tàu, vùng hoạt động. Trong khi đó ông Nguyễn Thuận cho rằng, Hòn Hải cách nơi tàu chìm 68 hải lý được đánh dấu là điểm A6 đường cơ sở Việt Nam, có hải đăng Hòn Hải. Đây cũng là nơi có nhiều tàu cá trú ẩn khi sóng to, gió lớn, nên trường hợp tai nạn tàu cá KH-95678 TS phải được chi trả bảo hiểm.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, công văn của Tổng cục Thủy sản trả lời Vitecontrol có nội dung: “Đảo Hòn Hải được coi là “nơi trú ẩn” khi khu vực đảo có vùng nước tự nhiên hoặc nhân tạo để tàu có thể trú ở đó trong trường hợp sự an toàn của tàu bị đe dọa”. Thế nhưng BVKH và VITECONTROL vẫn không xác định đảo Hòn Hải là “nơi trú ẩn” của tàu cá.

Một trường hợp khác là tàu cá PY-92737 TS của ông Nguyễn Rờm (trú ở phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng bị từ chối bảo hiểm sau khi bị sự cố kỹ thuật. Vụ việc xảy ra cách đây hơn 3 năm, trong lúc đang hành nghề trên biển ngày 26/3/2018, bánh trớn hộp số tàu cá nêu trên bị vỡ, ông Rờm liên hệ người thân ở đất liền gửi bánh trớn mới theo tàu cá khác đưa đến nơi để khắc phục, nhưng đến ngày 22/4/2018 thì “chết máy” ngoài khơi, nên phải thuê tàu PY-96839 TS của ông Lê Tân (trú ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) lai dắt về cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa để sửa chữa. Ngày 29/4/2018, ông Rờm lập thủ tục đề nghị Bảo Minh Phú Yên (BMPY) bồi thường hơn 34 triệu đồng chi phí lai dắt, sửa chữa…

Sau khi Công ty CP Giám định năng lượng Việt Nam – Chi nhánh miền Trung (EICMT) giám định, ngày 13/7/2018, BMPY có thông báo từ chối chi trả bảo hiểm vì nguyên nhân tổn thất tàu cá PY-96839 TS là do hao mòn tự nhiên, không thuộc phạm vi bồi thường. Ngay sau đó, ông Nguyễn Rờm có đơn khiếu nại trong thời hạn quy định, được nhân viên BMPY ký nhận, thế nhưng cho đến nay BMPY vẫn không giải quyết khiếu nại.

Không riêng ở Khánh Hòa, Phú Yên mà những năm trước, một số ngư dân ở Bình Định cũng đã khởi kiện tranh chấp HĐBH tàu cá.

Tiếp xúc nhiều ngư dân khu Nam Trung Bộ, được biết họ có nhiều trải nghiệm trong nghề nhưng không hiểu biết đầy đủ về HĐBH và vùng hoạt động của tàu cá do họ làm chủ. Đáng tiếc hơn nữa là nhiều người cho rằng mua bảo hiểm tàu cá để có đủ điều kiện ra khơi hành nghề kiếm tiền nên gần như họ không tìm hiểu kỹ từng điều khoản trong hợp đồng, nhân viên tư vấn bảo hiểm không giải thích thấu đáo, mà chỉ tranh chen số lượng hợp đồng và doanh thu, đến khi xảy ra sự cố tai nạn thì ngư dân mới nhận ra sai lầm.

Chỉ thị 49/CT-BNN-TCTS ngày 6/1/2021 của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản có đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện một số biện pháp, trong đó có yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.

Vấn đề đặt ra là nhân viên tư vấn cần giải thích thấu đáo, rõ ràng cho ngư dân hiểu rõ các điều khoản trong HĐBH trước khi ký kết và thực hiện đúng quy định để giảm thiểu những vụ tranh chấp không đáng có.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/gian-nan-doi-tien-bao-hiem-tau-ca-638991/