Gian nan đòi nhà

Hàng trăm người dân mua căn hộ tại chung cư Long Phụng (quận Bình Tân) và chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức), mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung sự bức xúc về một việc không mong muốn là mang đơn đi đòi nhà. Căn nhà họ đi đòi được mua bằng số tiền tích cóp, dành dụm, vay mượn. Căn hộ mà họ mua thuộc những chung cư tồn tại giữa trung tâm thành phố, được cơ quan chức năng cấp phép, được rao bán công khai.

Chị Nhâm Thị Quyên (ngụ quận 12) dở khóc, dở cười khi phát hiện hai căn hộ mình mua tại chung cư Long Phụng với giá hơn 2,4 tỷ đồng (đã thanh toán) được chủ đầu tư bán cùng lúc cho nhiều người, thậm chí, có căn bán cho bảy người. Chị Lâm Duy Ngọc (quê ở tỉnh Kiên Giang) cũng chịu chung tình cảnh mua chung một căn hộ với ba khách hàng khác. Gần 10 khách hàng mang đơn kêu cứu cơ quan chức năng để đòi một căn hộ đã mua. Hằng tháng, ngoài việc mang đơn đi kiện, họ còn phải lao động để vừa phải trả tiền thuê nhà, vừa trả lãi ngân hàng. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, khó khăn thêm chồng chất.

Theo thông tin mà UBND quận Bình Tân cung cấp, chung cư Long Phụng bắt đầu xây dựng từ năm 2009 đến năm 2012 thì ngưng thi công. Từ năm 2010 đến năm 2011, ông Huỳnh Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Bình Tân đã thế chấp chung cư cho Ngân hàng TMCP Phương Nam (sau đó Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank). Do không có khả năng trả nợ cho nên công ty đã có văn bản bàn giao tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và 105 căn hộ thuộc chung cư Long Phụng cho ngân hàng để trả nợ. Sau khi đã cấn trừ nợ ngân hàng, ông Ánh tiếp tục bán cho nhiều người, chiếm đoạt 141 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Ngày 8-6-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và ra quyết định truy nã ông Ánh. Tuy nhiên, do hết thời hạn điều tra mà chưa tìm được ông Ánh cho nên cơ quan CSĐT đã tạm đình chỉ vụ án.

Kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao cho thấy, từ tháng 12-2010 đến hết tháng 12-2013, ông Nguyễn Hùng Nghiêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú (chủ đầu tư dự án chung cư Gia Phú) đã huy động số vốn hơn 200 tỷ đồng, vay ngân hàng 89 tỷ đồng. Trong đó, thu tiền bán 130 căn hộ cho khách hàng gần 77 tỷ đồng, tiền nợ khách hàng về việc chấm dứt hợp đồng và thanh lý hợp đồng chưa trả hơn 15 tỷ đồng, tiền bán trùng căn hộ (31 căn hộ đã ký hợp đồng bán cho khách hàng trước đó nhưng lại tiếp tục ký bán cho 39 khách hàng khác) thu hơn 20 tỷ đồng. Hiện nay, Viện KSND tối cao đã ra quyết định chấp nhận giải quyết đơn tố cáo Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú có dấu hiệu lừa đảo, bán một căn hộ cho nhiều người của những khách hàng mua nhà tại dự án này. Viện KSND tối cao cũng gửi văn bản yêu cầu Viện KSND thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định hủy bỏ Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự để phục hồi điều tra, giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật…

Trong hai sự việc nêu trên, điều mà khách hàng mong mỏi nhất là được nhận căn nhà họ đã mua bằng đồng tiền “mồ hôi, nước mắt” của mình để ổn định lại cuộc sống. Nhưng họ cũng chưa biết phải chờ đến bao giờ?

Về phía các cơ quan chức năng, phải trả lời cho người dân rõ: Tại sao đã có nhiều quy định chặt chẽ của pháp luật nhưng chủ đầu tư hai dự án nêu trên vẫn có thể vừa thế chấp ngân hàng, vừa bán một căn hộ cùng lúc cho nhiều người mà không bị phát hiện, ngăn chặn? Tại sao vụ việc đã được phát hiện cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân?

Về phía chủ đầu tư các dự án, cho dù các cơ quan chức năng khởi tố hay đình chỉ vụ án, có khởi tố bị can hay không, thì chủ đầu tư dự án vẫn phải có trách nhiệm bồi thường cho dân. Người dân vẫn có thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại dù những người đứng đầu hai công ty có hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37334902-gian-nan-doi-nha.html