Gian nan đào tạo nghệ sĩ Việt theo công nghệ Hàn

Những năm gần đây, nhiều công ty giải trí Hàn Quốc đã sang VN tuyển thực tập sinh lẫn tìm kiếm tài năng qua các cuộc thi và hứa hẹn đào tạo họ thành nghệ sĩ chuyên nghiệp và giúp vươn ra thế giới.

Nhóm Lime được đào tạo tại Hàn Quốc nhưng gặp khó khăn khi phát triển tại thị trường VN - Ảnh: NSCC

Chúng ta có thể tham chiếu từ họ để áp dụng cho thị trường giải trí Việt. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải hiểu thị trường mình cần gì, tài năng mình đang thiếu gì để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp

Phạm Trọng Khoa, CEO của Celeb Entertainment

Giữa tháng 5 vừa qua, sự bắt tay hợp tác chiến lược giữa Công ty giải trí SM của Hàn Quốc (SM Entertainment, một trong ba “ông trùm” của ngành giải trí Hàn Quốc, gắn với thành công của những tên tuổi: BoA, Super Junior, EXO, SHINee...) và Tập đoàn Imex Pan Pacific của VN (IPPG) được xem là cú hích lớn của ngành giải trí. SM sẽ bắt đầu bằng việc sản xuất các sản phẩm V-Pop để giới thiệu và quảng bá các nghệ sĩ SM và “tìm kiếm, đào tạo các tài năng tại VN để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu” như lời ông Kim Young-min, Tổng giám đốc điều hành SM.

Việc hợp tác giữa hai “ông lớn” này tiếp tục làm dấy lên hy vọng cho những tài năng trẻ VN mong muốn vươn ra thế giới. Song thực tế cho thấy các cuộc tuyển chọn tài năng âm nhạc Việt với giải thưởng đào tạo phát triển ở xứ kim chi của những công ty giải trí Hàn Quốc đến VN (hoặc kết hợp cùng đơn vị tổ chức của VN) những năm qua thường rầm rộ ban đầu nhưng kết quả lại khá mờ nhạt.

Trầy trật khi về VN

Năm 2013, cuộc thi Ngôi sao Việt do Hàn Quốc và VN tổ chức từng gây sốt bởi tổng giải thưởng dành cho quán quân lên tới 7,5 tỉ đồng bao gồm: chi phí đào tạo tại Hàn Quốc, sản xuất album, MV, ra mắt chính thức với tư cách ca sĩ chuyên nghiệp, ký hợp đồng với công ty quản lý sau khi chương trình kết thúc... Thí sinh chiến thắng - Thanh Tùng (Tùng Lee) sau đó được sang Hàn Quốc đào tạo dưới sự hỗ trợ của RBW Entertainment (công ty quản lý nhóm nhạc nữ nổi tiếng Mamamoo). Sau khi được huấn luyện theo tiêu chuẩn K-Pop, Tùng Lee ra single Hate you but I miss you, nhưng không để lại dấu ấn gì, ngoài hình ảnh của Tùng xuất hiện sau đó trông “trắng trẻo, đáng yêu” như các ca sĩ Hàn. Và dần dà Tùng Lee cũng “im thin thít”...

Cũng từ cuộc thi này, tuy không đoạt giải cao nhưng các thành viên của nhóm Lime được V&K Entertainment (công ty giải trí liên doanh giữa Công ty VNK - Hàn và Công ty HDK - VN) ký hợp đồng, đưa sang Hàn Quốc đào tạo. Thời gian tại Hàn Quốc, Lime vừa học vừa biểu diễn, ra MV, tham gia show truyền hình thực tế... Nhưng sau đó, Lime vẫn trở về VN, vì theo nhạc sĩ Đằng Phương - giám đốc nghệ thuật của nhóm tại VN, “tiềm lực của Lime không thể so sánh với các nhóm tại Hàn Quốc, ở cả mức độ cạnh tranh cũng như mối quan hệ. Mỗi năm có vô số nhóm nhạc bản xứ ra đời và còn tồn tại rất ít nên cực khó để nhóm nhạc VN có thể trụ lại được”. Lime bị nhận xét từ hình ảnh đến âm nhạc mang phong cách Hàn quá nhiều, nhưng theo nhạc sĩ Đằng Phương, “Lime được xây dựng là nhóm nhạc nữ phong cách Hàn tại VN, có thể ở thị trường VN nhóm ít được ủng hộ như ca sĩ độc lập, việc định hình còn khó khăn, song chúng tôi sẽ kiên trì”.

Cùng thời điểm với Lime, ca sĩ Hàn Khởi cũng có 2 năm được đào tạo tại một công ty giải trí của Hàn Quốc. Nhưng khi về VN, sản phẩm của Hàn Khởi không tạo được ấn tượng.

Ngoài ra, một số cuộc thi tuyển tài năng Việt khác của các công ty liên doanh giữa Hàn Quốc và VN như Dream Star Audition (của GMRB Management) hay đợt tuyển sinh của JNU Entertainment, Cube Entertainment... với những giải thưởng hấp dẫn: được đào tạo theo công nghệ K-Pop, giúp các bạn trẻ phát huy tài năng và chạm ngõ thị trường Hàn Quốc. Nhưng đến nay (sau 3 năm) vẫn… không thấy gì.

Nhìn vào “điểm gãy”

Anh Phạm Trọng Khoa, CEO của Celeb Entertainment (công ty tổ chức cuộc thi Step2fame để chọn 4 thí sinh ký hợp đồng đào tạo tại Hàn Quốc), nhìn nhận: “Chúng tôi gọi là đào tạo nghệ sĩ Việt theo công nghệ Hàn, vì chúng ta không thể phủ nhận sự thành công của một nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc. Chúng ta có thể tham chiếu từ họ để áp dụng cho thị trường giải trí Việt. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải hiểu thị trường mình cần gì, tài năng mình đang thiếu gì để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp”.

Gần 20 năm gắn bó với đời sống nhạc Việt trong nhiều vai trò, anh Khoa cho rằng việc các tập đoàn giải trí Hàn Quốc muốn góp phần tìm kiếm, phát triển tài năng từ các quốc gia khác là tín hiệu hoàn toàn tốt. Nhưng, “một dấu hỏi lớn là tại sao đến giờ vẫn chưa thấy sự thành công nào? Có lẽ vì một điều đơn giản mà hình như ít ai nhận ra: do họ không hiểu thị trường, nhu cầu khán giả Việt. Tôi cho rằng đó là “điểm gãy” lớn nhất”, anh nhìn nhận.

Nguyên Vân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/gian-nan-dao-tao-nghe-si-viet-theo-cong-nghe-han-967130.html