Gian nan cuộc đấu tranh chống vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến

Từ nay, những nền tảng trực tuyến khổng lồ như Facebook hay Google sẽ phải trả phí cho việc sử dụng nội dung của các hãng tin tức, truyền hình cũng như nhà sản xuất âm nhạc tại châu Âu. Đó là nội dung của gói cải cách bản quyền kỹ thuật số vừa được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu thông qua dự luật bản quyền kỹ thuật số tại phiên họp ở Strasbourg, Pháp ngày 12-9-2018

Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu thông qua dự luật bản quyền kỹ thuật số tại phiên họp ở Strasbourg, Pháp ngày 12-9-2018

Với 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng, các nghị sĩ châu Âu đã nhất trí thông qua gói cải cách trên nhằm đảm bảo các “ông lớn” Internet phải chia sẻ doanh thu một cách công bằng hơn với ngành công nghiệp sáng tạo tại châu Âu. EU cho rằng quyết định của EP là một tín hiệu mạnh mẽ và tích cực, bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu chung trong việc hiện đại hóa các quy tắc bản quyền tại EU.

Tuy nhiên, các điều luật này cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện 28 nước thành viên EU. Vì thế, EP, Ủy ban châu Âu (EC) và Hội đồng châu Âu sẽ phải tiến hành các cuộc thương thảo nhằm thu hẹp những bất đồng và thống nhất quan điểm trước khi ban hành rộng rãi luật bản quyền trên.

Cách đây 2 năm, EC đã khởi động việc thảo luận gói cải cách bản quyền nhằm đảm bảo các nền tảng trực tuyến phải chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản, các hãng phát thanh truyền hình và giới nghệ sĩ một cách công bằng, cũng như chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Hiện nay, gói cải cách bản quyền trực tuyến của Nghị viện châu Âu đang vấp phải những ý kiến trái chiều.

Đối với các đài phát thanh, truyền hình và hãng thông tấn lớn của châu Âu, các nhà sản xuất âm nhạc và giới nghệ sĩ, dự luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Hồi tháng 8 vừa qua, hơn 100 nhà báo kỳ cựu làm việc cho các hãng tin và truyền thông hàng đầu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ký vào một tâm thư, kêu gọi EP thông qua gói cải cách bản quyền trên nhằm đảm bảo các nhà sáng tạo nghệ thuật được hưởng lợi nhuận công bằng trong thế giới kỹ thuật số.

Các nhà xuất bản lớn cũng thúc đẩy tiến trình cải cách này, sau khi nhận ra vai trò cấp thiết của biện pháp chống lại việc sử dụng tin tức trực tuyến miễn phí, khiến doanh thu của nhiều công ty truyền thông bị giảm sút nghiêm trọng. Quyết định được đưa ra tại Strasbourg cũng được các hiệp hội báo chí châu Âu đánh giá là “một cuộc bỏ phiếu lịch sử vì báo chí và nền dân chủ”.

Nhà báo Sammy Ketz của Hãng tin AFP (Pháp) nhấn mạnh việc đưa tin của các nhà báo đang ngày càng nguy hiểm và tốn kém. Trong khi các công ty truyền thông phải trả phí nội dung và cử phóng viên đi tác nghiệp để có thể mang lại những thông tin đa dạng, có chiều sâu và đáng tin cậy, bất chấp hiểm nguy thì các hãng Internet lại thu lợi nhuận trên sản phẩm truyền thông đó mà không “mất đến một xu”.

Tuy nhiên, những người phê phán dự luật của EP lại gọi đây là “một dạng thuế kìm hãm” các cuộc trao đổi hay thảo luận trên Internet. Một nhóm các kỹ sư tin học, viện sĩ hàn lâm châu Âu và các nghị sĩ EP cũng gửi thư ngỏ lên Chủ tịch EP với cảnh báo rằng dự luật là “một bước tiến tới chuyển Internet từ một nền tảng mở và sáng tạo thành công cụ để giám sát tự động và kiểm soát người sử dụng”.

Các “đại gia” Internet như Google, Facebook hay Wikipedia cũng đặc biệt chỉ trích dự thảo luật về bản quyền với quan điểm quy định này sẽ dẫn tới sự kiểm duyệt thông tin gắt gao hơn.

Wikipedia thậm chí còn thông báo ngừng hoạt động tại ba quốc gia Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan nhằm bày tỏ sự phản đối việc EP thông qua văn kiện trên. Tuyên bố của Wikipedia Tây Ban Nha cho rằng chỉ dẫn về bản quyền của EP sẽ tạo ra rào cản và giới hạn mới trong việc tiếp cận trang bách khoa toàn thư trực tuyến này. Wikipedia nhấn mạnh việc chia sẻ tin tức trên các trang mạng xã hội hoặc tiếp cận tin tức thông qua một trang mạng tìm kiếm sẽ trở nên phức tạp hơn trong không gian mạng.

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/gian-nan-cuoc-dau-tranh-chong-vi-pham-ban-quyen-tren-cac-nen-tang-truc-tuyen/781935.antd