Gian nan cuộc chiến chống khủng bố

Ngày 11-9-2018 là tròn 17 năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ gây chấn động thế giới. Dù 3 đời Tổng thống Mỹ gần nhất gồm W.Bush, Barack Obama và Donald Trump đều coi chống khủng bố là một trong những nội dung cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Washington nhưng cho đến nay nước Mỹ vẫn loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố.

Biểu tượng của nước Mỹ sụp đổ trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Ảnh: AFP.

Còn đó những nỗi đau

Theo Reuters, loạt 4 vụ tấn công khủng bố cách đây tròn 17 năm gồm 2 chiếc máy bay bị không tặc khống chế đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York, 1 chiếc bay sượt qua Lầu Năm góc ở bang Virginia và 1 chiếc máy bay đâm ở Pennsylvania, khiến 2.966 thiệt mạng.

Không chỉ gây tổn thất sinh mạng, sự kiện ngày 11-9-2001 còn làm nước Mỹ tổn thương sâu sắc bởi nó tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này, là tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) - biểu tượng sức mạnh kinh tế Mỹ và Lầu Năm góc - biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ. Sự kiện khủng bố 11-9-2001 vì thế đi vào lịch sử nước Mỹ như một ngày đau buồn và đen tối nhất, một ngày mà người Mỹ mãi mãi khắc ghi.

Ngoài việc cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, khiến 6.000 người khác bị thương, thảm kịch ngày 11-9-2001 đã để lại vô số hệ lụy xấu cho sức khỏe, mang đến những vết thương tâm lý dai dẳng đối với người dân New York. Thống kê từ Chương trình sức khỏe của Trung tâm thương mại thế giới (WTC) đăng tải trên tờ New York Post gần đây cho biết, có gần 10.000 người ở New York bị chẩn đoán ung thư, trong đó nguyên nhân chính có thể do hít phải bụi và khói độc sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi WTC ở thành phố này ngày 11-9-2001.

Trong danh mục bồi thường các nạn nhân thiệt mạng và bị bệnh do vụ khủng bố gây ra của Chính phủ, có hơn 50 loại ung thư khác nhau và nhiều căn bệnh khác. Một báo cáo khác còn cho biết, dù 17 năm đã trôi qua kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 chấn động toàn thế giới, danh tính của hơn 1.100 nạn nhân cho tới nay vẫn chưa được xác nhận.

Hình ảnh của 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong “ngày đen tối” của nước Mỹ. Ảnh: AP.

Nước Mỹ chưa an toàn

Sau sự kiện khủng bố 11-9, Mỹ đã phát động và dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda của trùm khủng bố Bin Laden, thủ phạm và chủ mưu của vụ tấn công khủng bố. Cuộc chiến tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden và mạng lưới tổ chức Al Qaeda đã khiến nước Mỹ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và hàng nghìn binh sĩ Mỹ thương vong.

Theo thống kê, số lượng lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến dịch Bảo đảm Tự do (OEF - tên gọi chính thức của kế hoạch Chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, GWOT, giai đoạn 2001-2014) và Chiến dịch Canh gác Tự do (OFS - tên gọi mới từ năm 2014 sau khi NATO chính thức kết thúc tham gia) ở Afghanistan đến 2.383 người. Cộng với 4.504 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Iraq thì con số thương vong trong hai cuộc chiến đến gần 7.000. Nếu tính cả những đối tác dân sự người Mỹ tử vong tại hai chiến trường này thì con số có thể lên tới 10.000. Bên cạnh đó là khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ bị thương sau hai cuộc chiến, còn phí tổn chiến tranh khoảng 4.000-6.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù ông trùm Bin Laden đã bị tiêu diệt nhưng hiểm họa từ Taliban và al-Qaeda vẫn còn đó. Hiện nay Taliban vẫn tổ chức các hoạt động phiến loạn tại Afghanistan, trong khi al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á.

Bên cạnh đó, Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của nhóm này còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy hiểm chưa từng có, nhất là khi IS đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ. Dù IS đã phải hứng chịu rất nhiều thất bại ở Syria và Iraq, những điều kiện để tổ chức này “trỗi dậy trở lại” vẫn còn rất nhiều.

Theo giới phân tích, khả năng phục hồi của al Qaeda vẫn đang tiếp diễn và thực tế các nhân tố làm nảy sinh chủ nghĩa cực đoan trên toàn cầu sẽ không biến mất sớm. Điều này khiến người ta có thể dự đoán rằng, cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 17 năm qua sẽ cần nhiều thời gian nữa mới có thể đi đến hồi kết.

Ga tàu điện Cortlandt đã được mở trở lại lần đầu tiên sau 17 năm. (ảnh: AFP).

Nhiều hoạt động tưởng niệm

Theo thông lệ hằng năm, tại Manhattan, quận trung tâm của thành phố New York, buổi lễ tưởng niệm sẽ bắt đầu lúc 8 giờ 46 phút, giờ địa phương (tức 20 giờ 46 phút, giờ Hà Nội) ngày 11-9 tại Đài tưởng niệm thuộc Trung tâm thương mại thế giới. Mọi người cùng tập trung mặc niệm đúng thời khắc tòa tháp đôi bị tấn công và sụp đổ. Các nạn nhân của cả hai cuộc tấn công năm 1993 và 2001 sẽ được đọc tên trong buổi lễ này.

Trước đó, ngày 8-9 vừa qua, ga tàu điện ngầm ở đường Cortlandt, New York đã được mở lại sau 17 năm. Ga tàu điện Cortlandt cũ, nằm trên tuyến đường đi chuyển từ phía Tây Manhattan tới Trung tâm thương mại thế giới New York, đã bị chôn vùi trong đống đổ nát sáng 11-9-2001, vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công khủng bố. Giám đốc Cơ quan Giao thông Vận tải Metropolitan (MTA), đơn vị điều hành hệ thống tàu điện ngầm toàn TP New York, nhấn mạnh, đây không chỉ là một ga tàu điện ngầm mới, mà còn là “biểu tượng cho sự phục hồi của người dân New York trong việc cải thiện lại Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới này”.

Nhân dịp này, Đài tưởng niệm mang tên “Tháp Tiếng nói” đã được khai trương tại khu di tích là hiện trường nơi chuyến bay số hiệu 93 của Hãng hàng không United Airlines đâm xuống cánh đồng của vùng nông thôn Pennsylvania. Hãng tin AP đưa tin, công trình cao gần 30m này được thiết kế nổi bật giữa khu vực quảng trường để tưởng nhớ 40 nạn nhân đã thiệt mạng trong Chuyến bay 93 ngày 11-9-2001.

Điểm nổi bật của nó là trên đó gắn 40 chiếc chuông gió, mỗi chiếc được điều chỉnh và định vị để phát lên thanh âm riêng biệt, giống như một “một buổi hòa nhạc vĩnh cửu dành cho những người anh hùng”. Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân dự lễ tưởng niệm ở Pennsylvania năm nay.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gian-nan-cuoc-chien-chong-khung-bo/