Gian nan công tác giữ rừng

Kon Plông là một trong những địa phương ở tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực giữ gìn vốn rừng nguyên sinh, đầu nguồn trên địa bàn miền núi. Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) hiện còn gặp nhiều gian nan, thử thách...

Huyện Kon Plông, Kon Tum đã nỗ lực bảo vệ rừng nguyên sinh, đầu nguồn

Huyện Kon Plông, Kon Tum đã nỗ lực bảo vệ rừng nguyên sinh, đầu nguồn

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện Kon Plông xác định có 38 điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Lãnh đạo UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật; trong đó tổ chức được 634 cuộc tuần tra, truy quét với 4.408 lượt người tham gia tại các điểm nóng thường xảy ra vi phạm.

Kết quả, phát hiện 36 vụ vi phạm khối lượng 322,5m3 gỗ quy tròn các loại; 250kg nhựa thông; tạm giữ 1 xe ô tô; diện tích rừng bị thiệt hại là 0,48 ha; tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của chốt kiểm tra liên ngành QLBVR của huyện tại xã Măng Cành, Măng Bút và các chốt bảo vệ rừng cấp xã, chủ rừng; kiểm tra và phối hợp kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn...

Đến nay, 35 điểm nóng đã được xử lý dứt điểm; 3 điểm nóng mới phát sinh đang triển khai các giải pháp kiểm soát, hạn chế.

Lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện 81 vụ vi phạm, tạm giữ 513,5 m3 gỗ quy tròn các loại, 1 máy cưa xăng, 7 xe ô tô, 5 xe máy, 1 máy đào bánh xích... Diện tích rừng bị thiệt hại hơn 2,4 ha là rừng tự nhiên chức năng sản xuất.

Xử lý hành chính 77 vụ vi phạm (trong đó có 14 vụ tồn năm 2018 chuyển sang); phạt tiền 545,2 triệu đồng, tịch thu sung công quỹ Nhà nước 331,9 m3 gỗ quy tròn các loại; 2 xe ô tô độ chế chở gỗ lậu không biển kiểm soát, không giấy đăng ký xe, 2 xe máy độ chế không biển kiểm soát và 1 cưa xăng.

Một số diện tích rừng còn bị xâm hại do lấy đất sản xuất. Ảnh: Phó Bình

Hạt Kiểm lâm Kon Plông đã khởi tố vụ án, chuyển Công an huyện tiếp tục điều tra 1 vụ vi phạm với khối lượng gỗ quy tròn là 153,3m3, thuộc nhóm IIa và đã chuyển Công an huyện điều tra 1 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, khối lượng gỗ quy tròn 18,2m3; 16 vụ còn tồn đang trong quá trình điều tra, xác minh.

Hạt còn phối hợp các cơ quan chức năng, UBND các xã, chủ rừng kiểm tra, xác minh thông tin công tác QLBVR; phản ánh của báo chí về việc bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; điều tra, xử lý các vụ vi phạm; tổ chức chữa cháy rừng... Phối hợp các sở, ngành liên quan của tỉnh kiểm tra thực tế tình hình công tác QLBVR, hiện trường khai thác tận dụng gỗ trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án (DA) tái định canh - tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum trên địa bàn huyện; phối hợp tổ chức tuyên truyền, tuần tra, truy quét; trao đổi thông tin, tình hình và triển khai công tác QLBVR, quản lý lâm sản vùng giáp ranh…

Huyện còn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tận dụng gỗ trên diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện DA tái định canh - tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum tại xã Đăk Tăng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông. Hạt Kiểm lâm đã xác nhận gỗ khai thác tận dụng thực hiện DA với khối lượng hơn 691m3; phối hợp UBND các xã nắm bắt, thông kê cụ thể đến từng thôn, xã nhu cầu gỗ làm nhà ở, nhà chính sách, nhà đại đoàn kết của dân, nhà văn hóa thôn trên địa bàn.

Tổ kiểm tra liên ngành huyện kiểm tra 9 cơ sở mộc dân dụng tại các xã Măng Cành, Đăk Long, Đăk Ring, Đăk Nên, trong đó có 3 cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không hoạt động. Tổ đã tiến hành lập biên bản đình chỉ đối với 3 cơ sở mộc này và yêu cầu tháo dỡ máy móc lắp đặt trái phép tại 2 cơ sở mộc và 1 trại mộc tại khu vực Đức Mẹ (Măng Đen).

Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Kon Tum tiến hành kiểm tra nguồn gốc lâm sản 3 đơn vị kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 39/KH-CCKL ngày 8/7/2019 của Chi cục. Qua kiểm tra, các đơn vị đều chấp hành các quy định về nguồn gốc lâm sản theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Khối lượng gỗ vi phạm bị bắt giữ tăng nhiều. Ảnh: Phó Bình

Nhìn chung, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp ở Kon Plông tuy giảm về số vụ nhưng khối lượng gỗ vi phạm tăng so với cùng kỳ năm 2018 (khối lượng gỗ vi phạm tăng 353m3); một số xã tình hình vi phạm tăng so với cùng kỳ năm 2018 là: Đăk Tăng, Măng Bút và Đăk Ring.

Tình trạng phá rừng trái pháp luật, mở rộng diện tích nương rẫy tại các khu vực triển khai các công trình thủy điện, các DA... với mục đích lấy đất đón đầu DA nhưng công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn chưa kịp thời; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Nói về nguyên nhân phá rừng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kon Plông Lê Hữu Có cho biết, do điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn khó khăn, đời sống người dân sống gần rừng đa số còn nghèo, phụ thuộc vào rừng. Diện tích rừng lại rộng lớn, phân bố trên địa bàn phức tạp, xa dân cư. Các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản hoạt động ngày càng tinh vi, bất chấp pháp luật.

Một số chính quyền xã, chủ rừng chưa triển khai thực hiện tốt công tác QLBVR tại gốc; triển khai công tác tuần tra, truy quét hiệu quả chưa cao. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng trái phép làm nương rẫy còn xảy ra trên lâm phần quản lý.

Một vấn đề lớn đang đặt ra là, nhu cầu gỗ làm nhà ở, nhà cộng đồng của người dân trên địa bàn lớn, trong khi đó cơ chế chính sách không cho phép khai thác gỗ làm nhà nên công tác quản lý khó khăn. Qua nắm bắt, thống kê trên địa bàn toàn huyện có nhu cầu làm mới và sửa chữa 183 nhà văn hóa, nhà ở với khối lượng gỗ khoảng 1.742m3 (trong đó 24 nhà văn hóa cần khoảng 646 m3; 159 nhà ở với khối lượng gỗ khoảng 1.096 m3). Đây cũng là khó khăn, thách thức lớn trong công tác QLBVR ở Kon Plông trong thời gian đến.

Phó - Bình

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/gian-nan-cong-tac-giu-rung_t114c1143n156892