Gian nan Brexit!

Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục đối mặt với thách thức quyền lực do sự phản đối từ chính nội bộ đảng cầm quyền đối với kế hoạch Brexit của bà ngày càng gay gắt và sự ủng hộ đối với việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về tư cách thành viên EU của Anh ngày càng lớn.

Bà May thậm chí đang ở thế bị kẹt giữa những người muốn hạn chế mối quan hệ kinh tế thân thiết với EU sau khi ra khỏi khối, quyết tâm thực hiện kế hoạch "Brexit cứng", cho rằng sự đoạn tuyệt hoàn toàn với EU sẽ giúp Anh ký kết được những thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia trên khắp thế giới. Trong bối cảnh, thời hạn Brexit - ngày 29-3-2019 - chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, khả năng Anh “rời khỏi ngôi nhà chung” mà không có thỏa thuận nào là hoàn toàn có thể xảy ra.

Kế hoạch Brexit của bà May giữ chân Anh trong thị trường hàng hóa chung của EU trong khi để cho nước này được tự do đưa ra những quy định riêng trong lĩnh vực dịch vụ, không những chẳng nhận được sự ủng hộ của cả hai phe phái trong đảng Bảo thủ của bà mà giới chức EU còn bác bỏ kế hoạch này vì họ cho rằng Anh được lợi rất nhiều từ tư cách thành viên EU mà không phải trả chi phí gì cũng như không phải chịu trách nhiệm gì.

Mặc dù kêu gọi sự đoàn kết và thống nhất trong chính phủ, song, kế hoạch Brexit, được nội các thông qua tại Chequers, đã bị công kích ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị thường niên đảng Bảo thủ (30-9). Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng bản kế hoạch Chequers "hoàn toàn không hợp lý".

Chỉ 6 tháng trước khi Anh rời EU trong sự thay đổi to lớn nhất của nước này về mặt chính sách thương mại và ngoại giao trong hơn 40 năm qua, cuộc tranh cãi về cách thức rời EU như thế nào vẫn không hề lắng dịu cả trong nội bộ đảng và chính phủ. Vị thế lãnh đạo vốn mong manh của bà May càng chịu thêm sức ép khi EU bác bỏ một số đề xuất của kế hoạch Chequers.

Cho đến nay, bà May vẫn đưa ra những tuyên bố tích cực về các cuộc đàm phán khi nói rằng bà sẵn sàng cân nhắc những mối quan ngại của EU nhưng giới phân tích nhận định không có nhiều dấu hiệu cho thấy bà May sẽ thay đổi lập trường về kế hoạch Chequers mặc dù vấp phải chỉ trích ngày càng tăng. Trọng tâm của kế hoạch Chequers là một thỏa thuận thương mại tự do.

Thủ tướng Anh Theresa May.

Cựu Ngoại trưởng Johnson và cựu Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis đang muốn thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada với EU, một đề xuất mà bà May cho rằng sẽ chia tách Bắc Ireland khỏi Anh khi buộc Bắc Ireland phải tuân thủ các nguyên tắc hải quan khác biệt.

Giới quan sát cho rằng Thủ tướng May đang chịu sức ép ngày càng gia tăng trong việc phải khẳng định vai trò lãnh đạo của bà và hội nghị thường niên đảng Bảo thủ lần này là dịp để các quan chức chính phủ và các nghị sĩ có tham vọng kế nhiệm bà thể hiện mình. Nữ thủ tướng đã cáo buộc giới chỉ trích kế hoạch Chequers của bà đang "chơi trò chính trị" với tương lai của Anh và hủy hoại lợi ích quốc gia.

Cựu Ngoại trưởng Johnson thậm chí tiếp tục đề cập cách tiếp cận cứng rắn hơn về Brexit, một động thái cho thấy ông này có thể nỗ lực hạ bệ nữ thủ tướng trong những tuần tới đây.

Trong giai đoạn "nước rút" của Brexit hiện nay, ban lãnh đạo nước Anh hiện vẫn vướng vào cuộc tranh cãi về kết cục cho Brexit. Những người ủng hộ Brexit "mềm" muốn giữ Anh gắn kết chặt chẽ với các quy định và tiêu chuẩn kinh tế của châu Âu nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn đối với hoạt động thương mại.

Ngược lại, những người ủng hộ Brexit "cứng" muốn Anh rời khỏi liên minh hải quan và thị trường chung châu Âu cũng như để London tự đưa ra những luật lệ thương mại của riêng mình. Giới phân tích bình luận hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ sẽ là dịp để bà May huy động tối đa ý chí và quyết tâm của mình để lấn át sức ép "vô hình" từ "đồng hồ Brexit" đếm ngược. Tuy nhiên, ngay cả quyết tâm và sự ủng hộ của một số nghị sĩ đảng Bảo thủ, bà May vẫn bị cho là đang trên con đường Brexit ghập ghềnh.

Trước thềm hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ, Andrew Bridgen, một thành viên của đảng này thừa nhận rằng Thủ tướng đang "quất roi vào con ngựa Chequers", song con ngựa này đã chết và không chắc đây là con ngựa cuối cùng đưa bà đến "bến đỗ" Brexit.

Sự chia rẽ trong nội bộ đảng của bà May về Brexit là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu như trong cuộc bầu cử sớm hồi năm ngoái Thủ tướng May không để mất đa số phiếu ủng hộ ở quốc hội thì bà đã có thể buộc các nghị sĩ bất đồng quan điểm phải thuận theo bất kỳ kế hoạch Brexit nào mà bà mong muốn.

Thế nhưng, giờ đây, khi hai vị cựu bộ trưởng "có tiếng nói" trong vấn đề Brexit kịch liệt công kích các nghị sĩ quốc hội mới được bầu đi theo chủ trương của bà, cùng với sự phụ thuộc mù quáng vào DUP - đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland hiện có ghế trong quốc hội, thì khả năng Thủ tướng May có thể hóa giải tình huống này là không hề dễ dàng. Đó là chưa kể việc Công đảng Anh đang kêu gọi tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.

Điều này chỉ xảy ra trong trường hợp kế hoạch Chequers của bà May không được quốc hội thông qua. Ngay cả khi Công đảng tự tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần 2 thì cũng không thể thực hiện được nếu không có cuộc tổng tuyển cử để giành quyền lực từ đảng Bảo thủ.

Như vậy, vẫn còn những bất đồng khiến Brexit rơi vào bế tắc khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời hạn kích hoạt quá trình này theo đúng kế hoạch. Giới lãnh đạo Anh dường như đang mắc vào thế "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" khi khó khăn thúc đẩy Brexit và cũng khó để nghĩ lại Brexit mà không vấp phải sự phản đối từ những người muốn Anh rời khỏi EU.

Bảo Trân (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/gian-nan-brexit-513270/