Gian lận thi cử tại Hòa Bình: Vì sao không công khai danh sách 64 thí sinh?

Ông Trần Văn Độ, ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, trong vụ việc này chẳng qua là có một số người nào đó không muốn công khai để bảo vệ những người khác (?).

Ông Trần Văn Độ, ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chánh án TANDTC

Ông Trần Văn Độ, ĐBQH khóa 13, nguyên Phó Chánh án TANDTC

Theo ông Trần Văn Độ, việc 64 thí sinh gian lận ở Hòa Bình bị phát hiện không liên quan gì đến quyền riêng tư, quyền bí mật cá nhân để không công khai. Do đó, dù muốn hay không muốn thì cơ quan chức năng cũng phải công khai danh sách các trường hợp nằm trong diện có bài thi bị gian dối. Thực tế, lực học của của học sinh thế nào thì phải chấp nhận kết quả đó.

Thứ hai, là căn cứ vào các quy định của pháp luật thì danh sách 64 thí sinh trên không nằm trong diện bí mật riêng tư cần phải bảo vệ. Đây cũng không phải là bí mật nhà nước để phải bảo vệ. Nếu nói là có quyền bí mật thì đó là thứ quyền bất hợp pháp…

Tôi nghĩ trong vụ việc này chẳng qua là có một số người nào đó không muốn công khai để bảo vệ những người khác(?). Ví dụ con ông này, cháu ông kia, rồi những người lớn có chức, có quyền… Thậm chí có thể còn liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ nữa… Đây là điều không thể chấp nhận được.

Chúng ta đều biết, có những vụ việc liên quan đến các em học sinh dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, lẽ ra trong trường hợp đó quyền riêng tư cần được bảo vệ thì lại chẳng bảo vệ, cứ công khai hết lên. Còn vụ việc này cần phải công khai thì lại chẳng công khai. Nói không công khai là đạo lý thì tôi không hiểu họ nói đạo lý gì ở đây? Đây là một bài học sâu sắc đối với các em và các em phải chấp nhận, nỗ lực vượt qua. Lực học của mình thế nào thì phải nhận điều đó.

Thành Nam - Văn Kiên (ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/gian-lan-thi-cu-tai-hoa-binh-vi-sao-khong-cong-khai-danh-sach-64-thi-sinh-1389216.tpo