Gian lận thi cử tại Hà Giang: Phó Giám đốc Sở Giáo dục nhờ nâng điểm vì lo con trượt tốt nghiệp

Ngày 15/10, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hà Giang bước sang ngày làm việc thứ 2 với phần xét hỏi. Đáng chú ý, trong khi cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Hà Giang Phạm Văn Khuông khai nhờ cấp dưới nâng điểm vì lo con trai trượt tốt nghiệp, thì cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT Triệu Thị Chính lại khai rằng bị cáo sai vì sống quá tình cảm.

Bị cáo Triệu Thị Chính một mực khẳng định không chỉ đạo việc nâng điểm và cho rằng bị cáo sai vì sống quá tình cảm.

Bị cáo Triệu Thị Chính một mực khẳng định không chỉ đạo việc nâng điểm và cho rằng bị cáo sai vì sống quá tình cảm.

Nâng điểm cho thí sinh để… làm phúc

Mở đầu phiên tòa sáng ngày 15/10, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang. Tại tòa, Bị cáo Hoài tiếp tục khẳng định không nhận tiền của ai khi nâng điểm cho thí sinh, cũng không được hứa hẹn gì về vật chất.

Trước những câu trả lời của bị cáo Hoài, đại diện VKS hỏi lại vì sao có những người không quen biết mà vẫn giúp nâng điểm, bị cáo Hoài một mực khẳng định không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào và có những trường hợp bị cáo không quen biết phụ huynh nhưng quen biết người nhờ vả.

Trả lời về cuộc trao đổi giữa Hoài và Lương tại nhà riêng của Hoài sau khi sự việc bị lộ và có nguy cơ bị khởi tố, bị cáo Hoài cho biết mình và Lương chỉ nói về cuộc sống và Lương nói sẽ thuê luật sư và đã hủy danh sách các thí sinh, ngoài ra không có nói chuyện gì khác.

Theo lời khai bị cáo Lương tại cơ quan điều tra: “Anh Hoài bảo cứ lôi chị Chính vào cuộc. Con chúng mày thi vào trường chuyên không đỗ, bây giờ đi nhờ”. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Hoài phủ nhận nội dung này, buộc VKS phải nhắc lại lời khai của chính Hoài tại cơ quan điều tra về nội dung cuộc nói chuyện của Hoài với Lương với ý đồ lôi cấp trên của mình là Phó Giám đốc Triệu Thị Chính phải chịu tội cùng.

Tại tòa, đại diện VKS cũng công bố lời khai của bị cáo Hoài tại CQĐT trong việc đổ tội cho Phó Giám đốc Sở Triệu Thị Chính: “Tôi nói như thế vì chị Chính đưa danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn nên chị là người khởi xướng. Chị Chính là Trưởng ban chấm thi, là Phó Giám đốc chịu trách nhiệm giám sát quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm. Cho nên việc Lương sửa bài thi, chị Chính phải biết và phải chịu trách nhiệm. Đã có 114 thí sinh bị nâng điểm nên chị Chính cần phải biết”. Khi nghe xong phần này, bị cáo Hoài đã thừa nhận đây chính là lời khai của mình tại CQĐT.

Bị cáo Hoài tiếp tục khẳng định cấp trên của mình là bà Triệu Thị Chính nhờ Hoài nâng điểm cho 13 thí sinh. Sau khi nhận danh sách khoảng 4 ngày thì được nâng điểm, trong đó có con của Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang Phạm Văn Khuông.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung- nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cho biết, khoảng tháng 6/2018, Dung đến nhà riêng của Nguyễn Thanh Hoài để đưa danh sách 5 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, Dung đưa tiếp danh sách 15 thí sinh còn lại, nâng tổng số thí sinh được nâng điểm thông qua Dung là 20 thí sinh. Trong số những người nhờ Dung giúp nâng điểm cho 20 thí sinh, Dung cho biết, đây đều là những người thân thiết như người nhà, người bên gia đình thông gia và ân nhân.

Trước các câu hỏi của HĐXX về mục đích động cơ nhờ nâng điểm cho các thí sinh, bị cáo Dung khai “Trước khi nhờ anh Hoài, tôi chỉ nghĩ là sức khỏe của tôi quá bi đát. 10 giáo sư đầu ngành ở Bạch Mai còn không làm gì được, đến khi tôi gặp họ, tâm nguyện của tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ mọi người để tạo phúc cho tôi”. Bị cáo Dung còn cho rằng: “Tôi không bao giờ nghĩ anh Hoài lại nâng điểm nhiều như thế, lúc đó tôi mới nhận ra là mình vi phạm pháp luật”.

Nhờ cấp dưới nâng điểm vì sợ con trượt tốt nghiệp

Cũng trong phiên tòa sáng 15/10, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phạm Văn Khuông- nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang khai, con trai bị cáo là học sinh của Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, nhưng điều bị cáo lo nhất là con trai trượt tốt nghiệp và chỉ mong con vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để học nghề tại một trường trung cấp nghề nào đó.

Trước lời khai của bị cáo Khuông, HĐXX đặt cầu hỏi, con trai của bị cáo là học sinh trường chuyên thì phải học giỏi, tại sao lại lo trượt tốt nghiệp. Phải chăng ngày trước con trai bị cáo đã phải “chạy” để vào trường chuyên? Lúc này, bị cáo Khuông đáp: “Con bị cáo không chạy vào trường chuyên. Bị cáo chỉ lo tốt nghiệp vì lúc ôn thi có một vài môn cháu không chú tâm lắm, chỉ sợ con trẻ sơ xảy một tí là bị điểm liệt”.

Nói về việc nhờ cấp dưới nâng điểm cho con trai, bị cáo Khuông cho hay, trong một bữa cơm liên hoan của cơ quan, bị cáo nói “chỉ lo con trai trượt tốt nghiệp” và Hoài nói “đã hiểu”. Bị cáo Khuông cho rằng, bị cáo hoàn toàn không nói đến chuyện nâng điểm môn nào, nâng bao nhiêu điểm, chỉ nhờ chung chung vậy thôi. “Đấy là tự nguyện của anh Hoài thôi, bị cáo không có ra lệnh cho anh Hoài. Tuy rằng không nói rõ là nhờ nâng điểm, nhưng bị cáo nói như thế là nghĩ rằng anh Hoài hiểu là cần phải nâng điểm cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong rằng anh em có quyền đến đâu thì giúp đỡ đến đó” - bị cáo Khuông tiếp tục đổ lỗi cho cấp dưới.

Trước các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Khuông cũng một mực khẳng định bị cáo không đưa cho Hoài bất kỳ cái gì và cũng không hứa hẹn nâng đỡ Hoài trong công tác vì “bị cáo và anh Hoài tình cảm như anh em”.

“Tôi sai vì sống quá tình cảm”

Trong phiên xét xử chiều 15/10, bị cáo Triệu Thị Chính - nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang phản bác mọi lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. Đồng thời, bị cáo Chính cũng không nhất trí với nhiều nội dung của Cáo trạng truy tố.

Theo đó, bị cáo Chính không đồng tình với việc Viện Kiểm sát truy tố bị cáo tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.

Về lời khai của bị cáo Hoài đối với việc tiếp nhận tờ giấy in danh sách 13 thí sinh nhờ “nâng điểm”, bị cáo Chính phủ nhận và cho rằng 13 trường hợp này chỉ “nhờ xem điểm” chứ không phải “nhờ nâng điểm”.

“Tôi có nói với anh Hoài tại sao đối xử với tôi như thế, tôi không làm điều gì sai cả. Tôi chỉ đưa anh danh sách 13 cháu là con của một số lãnh đạo, người thân, đồng chí, đồng nghiệp”- bị cáo Chính trình bày.

Danh sách 13 thí sinh này được đích thân Chính lập và đưa cho Hoài, Chính cho biết tiếp nhận 13 thí sinh này từ những tin nhắn của 6 người gồm những người thân quen nhờ vả. Trong đó, riêng ông Vũ Văn Sử (thời điểm đó là Giám đốc Sở GD&ĐT), chuyển tiếp tin nhắn của 3 trường hợp gồm: con bà Triều, Phó phòng Giáo dục huyện Xín Mần; bà Lại Thị Hương- Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang; bà Chúng Thị Chiên- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang…

Bị cáo Chính tiếp tục khai, ông Vũ Văn Sử là người “sống tình cảm” và nhiều lần nói chuyện bày tỏ băn khoăn muốn giúp đỡ các lãnh đạo, trong đó ông Sử đặc biệt nhấn mạnh trường hợp con gái ông Triệu Tài Vinh.

Sau khi, HĐXX đọc lại lời khai trong hồ sơ cũng như biên bản kỷ luật tại Sở GDĐT, trong đó có việc Triệu Thị Chính thừa nhận giúp đỡ nâng điểm cho 13 thí sinh. Tuy nhiên, bị cáo Chính đã phủ nhận và một mực cho rằng mình chỉ nhờ “xem điểm hộ”, đồng thời không biết việc bị cáo Hoài và Lương nâng điểm cho hàng trăm thí sinh.

Bị cáo Chính nhấn mạnh: “Tôi có lỗi nhưng tội không phạm tội, Tôi không chỉ đạo nâng điểm. Tôi để tình cảm xen vào công việc, tôi chỉ nhờ anh Hoài xem điểm. Tôi không biết anh Hoài nâng điểm cho hàng trăm thí sinh. Tôi sai vì tôi sống tình cảm quá. Nếu tôi lường trước được thì cuộc đời sẽ không có chữ nếu”.

Cuối cùng, bị cáo Chính cũng đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích có vụ lợi hay không trong việc nâng điểm cho hàng trăm thí sinh của một số bị cáo bởi bị cáo cho rằng khó có chuyện nâng điểm cho nhiều thí sinh như vậy mà không có tư lợi cá nhân.

Lộ tin nhắn bị cáo Hoài gửi cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Tại phần xét hỏi, Luật sư Hoàng Văn Hướng (người bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) hỏi bị cáo Hoài là trong tài liệu điều tra, thu thập tài liệu tin nhắn của bị cáo vào ngày 10/7/2018 có ký hiệu “Q”, đề nghị bị cáo Hoài giải thích rõ ký hiệu “Q” là ai. Liệu có phải là viết tắt tên ông Quý (Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) thì bị cáo Hoài đáp “không nhớ”.
Sau đó, Luật sư Hướng công bố nội dung tin nhắn bị cáo gửi người tên Q: “Em báo cáo anh hai việc, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả giữ liệu trên phần mềm quản lý thi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD gửi anh Sử giữ. Hai, việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị chấm bài thi về Sở theo Điều 26 của quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ là Phó Chủ tịch hội đồng thi và trưởng ban thư ký, xong thầy Trình, thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm, có gì anh xem giúp em. Và người tên Q nhắn lại Ok”.
Đến đây, bị cáo thừa nhận người tên Q trong tin nhắn là ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Luật sư tiếp tục hỏi, việc chị Chính, ông Sử gây khó khăn được hiểu như thế nào, bị cáo Hoài cho biết, theo Điều 26 của quy chế thi, bài thi thi môn trắc nghiệm sau khi chấm xong phải chuyển về Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Đến ngày 7/7/2018, bị cáo đưa chìa khóa cho bị cáo Lương mở phòng chứa bài thi môn trắc nghiệm để chuyển về Sở GD&ĐT, thầy Sử (Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang), cô Chính nói chúng tôi là vi phạm quy chế thi.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/gian-lan-thi-cu-tai-ha-giang-pho-giam-doc-so-giao-duc-nho-nang-diem-vi-lo-con-truot-tot-nghiep-tintuc449892