Gian lận thi cử ở Sơn La: Triệu tập không đến có thể áp giải tới Tòa?

Sự vắng mặt của các nhân chứng đã khiến phiên tòa phải hoãn lại, gây lãng phí tiền của, thời gian tổ chức phiên tòa, gây bức xúc trong dư luận.

Sáng nay ( 16/9) theo đúng kế hoạch, Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. 8 bị cáo phải hầu tòa vì đã có hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa nâng điểm cho 44 thí sinh. Đây là vụ án được đông đảo người dân Sơn La và dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La

Tuy nhiên, ngay sau khai mạc, chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa do hầu hết người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đã vắng mặt. Hàng loạt cán bộ, người có chức vụ là người làm chứng đã không đến dự, có người thậm chí không có phản hồi thông tin đến Tòa lý do vắng mặt. Dư luận một lần nữa thêm bức xúc, bởi dù với lý do nào đi nữa, sự vắng mặt của những cán bộ, lãnh đạo này là sự coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Sở giáo dục Đào tạo Sơn La được triệu tập đến Tòa với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Trong số 90 người và 1 cơ quan được Tòa án Nhân dân tỉnh gửi giấy mời triệu tập dự phiên Tòa với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng có tới 76 người vắng mặt. Tất cả các thí sinh nằm trong danh sách gian lận điểm thi đều vắng.

Đáng lên án, trong số 43 người làm chứng chỉ có 12 người có mặt. Những cán bộ chủ chốt có vai trò quan trọng được Tòa triệu tập đến để vụ án sớm được làm sáng tỏ cũng vắng mặt. Điển hình là ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở Giáo dục- đào tạo; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở; ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục; ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La; ông Nguyễn Minh Khoa, phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Sơn La…

Xác minh tại Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La, ông Lê Anh Cương, Thư ký phiên tòa cho biết, ông Hoàng Tiến Đức có thông báo xin không đến dự Tòa vì đang điều trị bệnh tại Hà Nội và có cung cấp bệnh án điều trị từ tháng 6.

Hội đồng xét xử cho biết, trường hợp người được triệu tập tiếp tục không đến sẽ thực hiện lệnh áp giải.

Trong vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018, ông Hoàng Tiến Đức được xác định là một trong số 18 người trung gian nhận thông tin thí sinh. Theo cáo trạng, ông Đức đã đưa cho bị can Trần Xuân Yến hai tờ danh sách ghi thông tin của 8 thí sinh để nâng điểm các môn thi và với mục đích chỉ là để nhờ xem trước điểm thi.

Ngày 31/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1855 về việc thi hành kỷ luật công chức. Theo đó, xét nội dung, tính chất và mức độ vi phạm trong vụ gian lận thi cử của ông Hoàng Tiến Đức, UBND tỉnh Sơn La quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo. (Trước đó ông Hoàng Tiến Đức đã bị Ban bí Trung ương Đảng kỷ luật với hình thức cách hết mọi chức vụ trong Đảng).

Trong số các cán bộ chủ chốt của Sở giáo dục và Đào tạo được Tòa triệu tập, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc và ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở cũng vắng mặt với lý do đi công tác. Duy nhất có ông Nguyễn Ngọc Hà, chuyên viên Phòng giáo dục phổ thông có mặt.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La xác nhận: Ông Hoàng và ông Sơn hiện đang tập huấn công tác kiểm tra, thanh tra về công tác kế hoạch do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Vì đã có kế hoạch của Bộ gửi từ ngày 30/8 nên các cán bộ này đã có thông tin xin vắng mặt tại Tòa.

Ngoài các cán bộ trên, ông Nguyễn Minh Khoa, cán bộ phòng cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La- người có liên quan trực tiếp đến các sai phạm của một số bị cáo khác cũng vắng mặt không lý do.

Dù với bất cứ lý do nào thì sự vắng mặt của ông Đức cũng như các cán bộ khác đã khiến phiên tòa phải hoãn lại, gây lãng phí tiền của, thời gian tổ chức phiên tòa, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Lê Anh Cương, Thư ký phiên tòa cho biết, do giấy mời triệu tập gửi đến địa chỉ nhà riêng, trong lần xét xử tới Tòa sẽ gửi giấy mời song song đến đơn vị công tác của những người làm chứng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để Lãnh đạo các cơ quan bố trí lịch làm việc, tạo điều kiện cho cán bộ đến dự phiên Tòa tới. Trường hợp người được triệu tập tiếp tục không đến sẽ thực hiện lệnh áp giải./.

Nhóm phóng viên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/gian-lan-thi-cu-o-son-la-trieu-tap-khong-den-co-the-ap-giai-toi-toa-956485.vov