Gian lận thi cử làm 'nóng' nghị trường

Công tác giáo dục, đặc biệt là việc phân luồng học sinh hay gian lận thi cử trong thời gian qua, là một trong những mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019 vào ngày 30-5.

Một bộ phận cử nhân xin đi làm công nhân

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) nhấn mạnh: Lao động việc làm là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển văn hóa xã hội. Tuy nhiên, so với các khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số lĩnh vực còn chưa gắn kết với nhu cầu thị trường, chưa theo kịp sự chuyển dịch mô hình cơ cấu kinh tế.

 Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Theo đại biểu, cơ cấu trình độ lao động trong các ngành trong lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam là 1 đại học - 1 cao đẳng - 1 công nhân kỹ thuật. Cơ cấu này đang mất cân đối, đặc biệt khi so sánh với những nước châu Âu hiện nay là: 1 lao động đại học thì có 3 lao động trình độ cao đẳng - 10 lao động công nhân.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, lao động trình độ đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ 9,58%, khoảng trên 120.000 người.

“Bất cập trên nảy sinh thực tế trong thời gian qua, một bộ phận cử nhân không tìm được việc làm sau tốt nghiệp nên giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân. Một bộ phận khác xin học nghề, học văn bằng 2 trung cấp cao đẳng nghề. Kết quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT của cả nước không mấy khả quan và còn xa với Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025", đại biểu đoàn Vĩnh Long chia sẻ.

Từ những bất cập đã phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng chiến dịch tổng thể gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, lao động và việc làm nhằm phù hợp với điều kiện Việt Nam, với cơ cấu trình độ hợp lý để giải quyết việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, sớm đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

"Cần kiểm soát chất lượng giáo dục chặt chẽ, đặc biệt là đầu vào. Kiến thức cho sinh viên phải gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và gửi sinh viên giỏi đưa đi đào tạo tại nơi có đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu thị trường lao động trên cả nước, từng vùng và từng địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo nghề cho học sinh sau THCS và THPT. Chú trọng đến các trường nghề để phân luồng hiệu quả huy động nguồn lực xã hội hóa", đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu quan điểm.

Tình trạng văn bằng, chứng chỉ giả gia tăng

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì cho rằng, chưa kể đến tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, giáo dục vẫn được coi là một “khoảng tối”.

Theo đại biểu, giáo dục vẫn là một lĩnh vực lớn, phức tạp, được cả xã hội quan tâm. Tôi thấy rằng cần ghi nhận cố gắng ngành giáo dục trong thời gian qua nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ cứ loay hoay nhiều vấn đề mà dường như ít đem lại kết quả như mục tiêu phát triển Giáo dục đã đề ra. Cải tiến nối tiếp cải tiến nhưng trong thi cử, sự cải tiến chưa mang lại kết quả gì rõ ràng thì tiêu cực, sai phạm lại nảy sinh. Tiếp xúc cử tri thì thấy rằng, rất nhiều ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục và bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy, người dân không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục.

“Thử hỏi rằng, một nền giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy, tiêu cực trong giáo dục còn khá nặng nề. Cộng với thị trường văn bằng chứng chỉ giả rất sôi động. Vừa rồi Công an Hà Nội bắt một vụ đã thu hàng tấn phôi bằng giả”, đại biểu đoàn Ninh Thuận cho biết thêm.

Về sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: "Tôi dám chắc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Là người tổ chức kỳ thi do mình xây dựng, tiến hành nhưng bộ không kiểm soát được.”

"Tất cả mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này mới lấy lại được niềm tin của người dân...”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến.

Gian lận trong thi cử làm băng hoại nền tảng xã hội

Cũng liên quan đến việc gian lận thi cử, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng hành động tiêu cực trong thi cử chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh giá hiệu quả thực chất của việc nhập 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học vào làm một. Bộ cũng cần xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Theo đại biểu, nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử diễn ra nhỏ lẻ, thì ngày nay hành vi gian lận có tổ chức, quy mô lớn, tinh vi hơn, diễn ra ở nhiều địa phương, do những người có chức có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện. Chính hành vi gian lận này đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà, khiến xã hội không khỏi lo lắng. Nguyên nhân được đại biểu đưa ra là do những giải pháp của ngành giáo dục hiệu quả thấp; ngành không mạnh dạn đối diện với sự thật để làm cho kết quả học tập trở nên thực chất. “Minh chứng rõ ràng nhất là lớp học có tới 43 học sinh nhưng lại có tới 42 học sinh giỏi, duy nhất một học sinh khá. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy, theo tôi là có rất nhiều nếu chúng ta khảo sát. Nền giáo dục bây giờ, tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển”, đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng mối quan hệ thầy trò ngày càng lỏng lẻo, đạo đức suy giảm và dù những vụ xảy ra giữa thầy và trò chỉ là hạt sạn, nhưng nó là hồi chuông báo cho chúng ta cần phải suy nghĩ, hành động.

Từ những vấn đề nên trên, đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, trúng thực chất các tồn tại của ngành giáo dục, có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thì chia sẻ trước Quốc hội ý kiến của cử tri An Giang: "Cử tri mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác thi cử vừa qua và phải có người chịu trách nhiệm cụ thể. Không thể nói là hoàn toàn do địa phương vì không chỉ một địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua.”

Đại biểu đoàn An Giang cho rằng, trong 3 năm qua, Bộ vẫn chưa tập huấn cấp tỉnh về công tác khâu chấm thi, chưa có biện pháp ngăn chặn phần mềm chấm môn trắc nghiệm lỏng lẻo... Bộ không đánh giá kết quả thi của các thành phố để có sự so sánh tỷ lệ điểm; vì nếu phân tích, không thể không đặt dấu hỏi tại sao các tỉnh miền núi có điểm thi cao hơn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Từ đó, đại biểu khẳng định: “Nếu phúc tra cả nước, tôi tin còn phát hiện rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Và có như vậy trong tương lai, các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung mới đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả".

“Trong giáo dục việc đánh giá kết quả rất quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều cải cách nhưng theo tôi, phương pháp là chưa đúng. Trong phiên thảo luận về Luật giáo dục, đã có nhiều đại biểu bàn về triết lý giáo dục nhưng theo tôi chúng ta cần đưa ra trước mặt nguyên tắc giáo dục. Rất đơn giản, đó là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một nền giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối ngay từ các em học sinh cắp sách tới trường”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/gian-lan-thi-cu-lam-nong-nghi-truong-575380