Gian lận thi cử: Khi nền tảng xã hội bị tấn công

Như một quả bom nổ, vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT ở Hà Giang (với 114 thí sinh, trong đó chủ yếu là con cháu quan chức cấp tỉnh, huyện và đại gia, và 330 bài thi được nâng điểm) cũng như ở một số địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn... đã phơi bày ở quy mô chưa từng thấy thực trạng thảm hại của nền giáo dục và thi cử nước nhà vốn từ lâu đã chịu nhiều kêu ca, phê phán.

Việc các cha mẹ của những thí sinh gian lận, chạy điểm để cho con cái được vào các trường đại học chọn trước, hẳn sẽ là vết nhơ trên lương tâm các bậc cha mẹ và con cái họ (nếu chúng biết và cũng đồng tình với việc làm phi pháp và phi đạo đức, vô lương tâm của cha mẹ), tất nhiên là nếu họ còn có lương tâm để cắn rứt.

Bởi vì, việc gian lận điểm thi chẳng khác nào hành vi đánh cắp, nhưng khác với những kẻ đánh cắp con vịt hay con chó chỉ làm hại cho một, hai người (và thường phải trả giá bằng cả sinh mạng hoặc nhiều năm tù), hành vi đánh cắp qua gian lận điểm thi chẳng những tinh vi hơn, có tổ chức hơn mà còn gây hại cho nhiều người hơn.

Biếm họa của DAD

Bao nhiêu thí sinh được nâng điểm để từ trượt thành đậu cao là bấy nhiêu thí sinh khác bị đánh cắp mất tương lai, mất vị trí mà lẽ ra họ phải được nhận thay vì những người trẻ kém cỏi hơn họ. Để rồi cuối cùng, nếu việc gian lận trót lọt, xã hội sẽ phải chấp nhận những kẻ bất tài chỉ biết đi lên bằng mánh lới gian lận đè đầu cưỡi cổ và dần dà rơi vào suy thoái.

Vậy nên cần nhìn tác hại của vụ gian lận thi cử động trời này không chỉ ở phía những kẻ cố tình gian lận, ở khía cạnh đạo đức cá nhân và lương tâm của họ mà phải nhìn thấy hết tác hại của nó đối với xã hội. Vụ gian lận thi cử này là một cú đánh thẳng vào những giá trị cốt lõi và nền tảng của một xã hội mong muốn phát triển lành mạnh, bình thường: đó là công bằng và ý thức về sự công bằng, là công lý và niềm tin vào công lý, là niềm tin rằng người có tài, có khả năng phải được đứng ở vị trí xứng đáng hơn kẻ không có khả năng, bất tài, vô đạo đức.

Vụ gian lận này hủy hoại niềm tin của trước hết là những người trẻ xứng đáng nhưng bị tước đoạt mất cơ hội vì sự gian lận của người khác, sau nữa là niềm tin của cả xã hội. Người trẻ và xã hội nói chung không thể không đặt ra những câu hỏi: Té ra có quyền, có tiền là có thể mua được tất cả? Té ra những gì tốt đẹp mà người ta rao giảng trong sách vở, trên các diễn đàn công khai đều là giả dối? Té ra câu “con vua thì lại làm vua” vẫn hoàn toàn đúng? Liệu có nên tiếp tục tin những gì mà nhà trường và các cơ quan rao giảng hay không? Và còn nhiều câu hỏi nữa...

Vụ gian lận thi cử này là một cú đánh thẳng vào những giá trị cốt lõi và nền tảng của một xã hội mong muốn phát triển lành mạnh, bình thường: đó là công bằng và ý thức về sự công bằng, là công lý và niềm tin vào công lý, là niềm tin rằng người có tài, có khả năng phải được đứng ở vị trí xứng đáng hơn kẻ không có khả năng, bất tài, vô đạo đức.

Chính vì tác hại ghê gớm đối với xã hội như vậy mà tuyệt đối không thể xuê xoa, xem nhẹ những vụ gian lận thi cử, đặc biệt như vụ gian lận năm nay, nếu không muốn sự gian lận, giả dối, thiếu trung thực, bất công lan tràn ngày càng nghiêm trọng hơn trong xã hội. Rất cần phải mổ xẻ tận gốc và xử lý nghiêm minh vụ scandal chưa từng có này.

Thật trùng hợp, báo chí ngày 22.7 vừa qua đưa tin: cảnh sát Nhật Bản vừa bắt cựu Cục trưởng Cục Chính sách khoa học và học thuật của Bộ Giáo dục và Khoa học nước này do có nghi vấn gian lận thi cử. Ông Futoshi Sano, 58 tuổi, đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng chức quyền. Ông này bị cho là đã ủng hộ Đại học Y khoa Tokyo bằng cách để ngôi trường này nhận trợ cấp nghiên cứu chính phủ trong năm tài chính 2017, đổi lấy việc trường đảm bảo một vị trí cho con trai ông Sano trong kỳ thi tuyển sinh đại học.

Luật pháp Nhật Bản nghiêm khắc đối với gian lận thi cử hẳn có lý do như nói ở trên. Cần nhìn nó ở góc độ xã hội chứ không chỉ ở góc độ kỹ thuật hay gói gọn nó trong giáo dục thuần túy.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gian-lan-thi-cu-khi-nen-tang-xa-hoi-bi-tan-cong-14579.html