Gian lận điểm thi: Có yếu tố tham nhũng quyền lực, lợi dụng vị trí

Trao đổi với Tiền Phong bên lề hội nghị phòng chống tham nhũng xoay quanh vụ gian lận thi cử, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần công khai các trường hợp vi phạm để làm rõ trắng đen.

Nhiều đối tượng bị khởi tố liên quan đến gian lận thi cử. Ảnh IT

Nhiều đối tượng bị khởi tố liên quan đến gian lận thi cử. Ảnh IT

Không công khai, niềm tin sẽ suy giảm

Vụ việc gian lận thi cử ở các tỉnh ngày càng nhiều thông tin mới, bộc lộ nhiều tình tiết mới. Với hàng loạt vi phạm liên quan đến cán bộ, người có chức vụ như vậy, phải chăng ở đây có câu chuyện lợi dụng quyền lực và tham nhũng quyền lực?

Việc này đúng sai thế nào thì phải có bằng chứng cụ thể. Vì chưa có bằng chứng nên toàn phải đặt ra giả thiết. Có thể thấy, các trường hợp sửa điểm ở các mức độ khác nhau, mục tiêu nâng điểm cũng khác nhau. Với các trường hợp vi phạm, cần phải khẳng định các cháu không chạy được, mà ở đây là lỗi của phụ huynh.

Giả định, các trường hợp đó toàn con nhà giàu, thì họ sẽ dụng tiền bạc để chi phối, mua điểm. Nếu danh sách ấy có nhiều quan chức, thậm chí là quan chức cấp cao thì không loại trừ bên cạnh tiền bạc có cả vấn đề về quyền lực. Ở đây cũng có thể có yếu tố tham nhũng quyền lực, lợi dụng vị trí của mình để gây ảnh hưởng.

Thậm chí, một quan chức không cần nói thẳng, mà đôi khi chỉ cần bóng gió thôi, thì các "để tử" đã hiểu ý và trực tiếp đi làm thay. Như vậy là ông ấy không trực tiếp chạy mà là "đệ tử" chạy cho.

Theo ông có nên công khai các trường hợp vi phạm để làm rõ trắng đen, xử lý đúng người đúng tội?

Với các em học sinh cũng có thể không công bố vì nó không phải người có lỗi. Thế nhưng cần phải công bố người có lỗi. Điều này cần phải làm, vì nếu không công khai minh bạch, thì niềm tin về cách xử lý sẽ suy giảm. Vì đến cả tên người ấy còn không muốn nói thì nói gì đến hình thức kỷ luật họ.

Việc xử lý vi phạm cần tuân thủ pháp luật, đã sai phạm thì phải xử lý. Mà một trong những khâu xử lý đó là phải công khai. Nhưng đúng sai thế nào thì phải có căn cứ và phải có bằng chứng. Như một số cán bộ cấp cao ở địa phương vừa qua, họ cũng khẳng định cá nhân mình không hề chạy. Thực tế cũng có thể là như thế, vì như tôi vừa nói, hoàn toàn có khả năng có nhiều người còn xung phong để chạy hộ.

Vậy công khai ở đây là gì và nhằm mục đích gì? Trước tiên để khẳng định ông là phụ huynh của các em. Nhưng ông cũng có thể đứng lên khẳng định tôi không chạy, vì không có bằng chứng về chuyện đó. Còn ai chạy, chạy ai thì tôi không biết. Chính vì vậy, phải công khai thì mới rõ trắng đen được. Cây ngay thì sợ gì chết đứng. Còn nếu cứ ỉm đi thì người ta có thể hiểu ông thừa nhận lỗi, vì ông là bố các trường hợp gian lận.

TS. Vũ Đình Ánh

Khó tìm bằng chứng?

Như vậy nghĩa là câu chuyện còn phụ thuộc nhiều vào chính những lời khai của những người vừa bị khởi tố?

Đúng vậy. Tất nhiên về nguyên tắc xử lý, đặc biệt trong hình sự thì người ta trọng chứng hơn trọng cung. Anh khai thì cứ khai nhưng vấn đề là bằng chứng ở đâu? Mà thông thường những vụ việc như thế thì rất hiếm có bằng chứng. Bởi cũng có thể người ta nói do đấu đá, tranh giành quyền lực nên người ta tìm cách hãm hại. Như vậy, muốn làm rõ trắng đen thì phải công khai từng trường hợp vi phạm. Còn nếu không công khai nghĩa là đã mặc nhiên thừa nhận vi phạm, thậm chí không vi phạm cũng bị nghĩ như vậy.

Theo ông, những trường hợp vi phạm không được xử lý nghiêm, thậm chí không bị phát hiện thì hệ quả sẽ ra sao?

Gian lận trong thi cử trước tiên nó tạo ra sự bất công. Người không xứng đáng lại được đỗ và như vậy sẽ tước đi cơ hội của người khác. Bởi hệ thống thi cử của chúng ta không phải chỉ để đạt hay lấy chứng chỉ gì đó, mà là thi cử cạnh tranh, có trượt có đỗ.

Nhưng điều quan trọng hơn là nó làm hỏng bộ máy giáo dục khi tiền bạc và quyền lực thay thế cho kiến thức, cho khả năng và cho trình độ. Đó là một sự tha hóa rất lớn, và nếu như tình trạng trên lan rộng thì sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi các trường hợp gian lận không bị phát hiện?

Có lẽ họ sẽ vẫn tiếp tục học, cũng không loại trừ khả năng họ không chỉ làm tha hóa hệ thống giáo dục phổ thông, mà cao hơn còn có thể làm tha hóa cả hệ thống các trường đại học. Vì với lực học như vậy, có thể họ phải tiếp tục gian lận để ra được trường. Rồi những con người đó sau này sẽ có vị trí, có địa vị trong xã hội, trong bộ máy.

Cảm ơn ông.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/gian-lan-diem-thi-co-yeu-to-tham-nhung-quyen-luc-loi-dung-vi-tri-1401561.tpo