Gian lận điểm thi: Bất ngờ đề xuất rà soát tổng thể

Cần nghiên cứu đề xuất rà soát diện rộng, tránh tình trạng 'xôi đỗ', nơi làm, nơi không

Sự việc gian lận điểm thi được phát hiện, nhiều thí sinh đỗ điểm cao ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La lần lượt bị các trường đại học danh giá trên cả nước trả về địa phương khiến dư luận bất bình, lãnh đạo địa phương cũng tâm tư, buồn bã.

Nhiều đối tượng ở Hà Giang cũng đã bị khởi tố vì tham gia nâng điểm thi cho thí sinh. Ảnh minh họa

Nhiều đối tượng ở Hà Giang cũng đã bị khởi tố vì tham gia nâng điểm thi cho thí sinh. Ảnh minh họa

Ngày 18/4, chia sẻ nhanh với Đất Việt, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình cho biết, tâm trạng của ông rất buồn.

Mặc dù chưa nhận được báo cáo cụ thể, nhưng ông Ninh chia sẻ, cá nhân ông đã rút ra được một bài học đắt giá trong chỉ đạo, điều hành quản lý chung.

"Tôi rất đau buồn trước sự việc xảy ra, nhất là phải chứng kiến hàng loạt thí sinh của tỉnh bị trả về. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá buộc chúng tôi phải nhìn nhận lại công tác quản lý của mình", ông Ninh chia sẻ.

Theo ông Ninh, đợt rà soát, kiểm tra vừa rồi là dựa trên những phản ánh từ dư luận về sự chênh lệch bất thường trong điểm số giữa các tỉnh miền núi với thành phố. Kết quả bước đầu đã xác định có nhiều vi phạm, gian lận, nhiều thí sinh được xác định có nâng điểm và đã bị buộc thôi học, hoặc tự túc xin nghỉ học.

Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, để đảm bảo tính công bằng, khách quan, Bộ GD-ĐT nên thực hiện rà soát tổng thể, trên diện rộng.

"Cũng giống trong công việc, một khi có dư luận tất cả đều phải thanh tra, kiểm tra tổng thể", ông Ninh gợi ý.

Lường trước vướng mắc liên quan tới kinh phí thực hiện, khiến ông Ninh cho rằng, Bộ GD-ĐT phải tính toán, lên kế hoạch thực hiện cho tốt để tránh lãng phí, tốn kém.

Ngoài ra, ông Ninh cũng kiến nghị, các cuộc rà soát cần được thực hiện ngay khi kỳ thi kết thúc, không nên để kéo dài gần một năm trời, sinh viên đã đóng tiền, nhập học rồi mới tiến hành thanh tra, kiểm tra.

"Nên có kế hoạch rà soát cùng một thời điểm, ngay khi có dư luận, không nên kéo dài đến tận bây giờ như vậy, vừa ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, nhà trường và dư luận của dư luận với việc này cũng không tốt. Nhiều câu hỏi sẽ đặt ra như: Vì sao bây giờ mới thực hiện rà soát? Có uẩn khúc gì không?...

Do đó, Bộ GD-ĐT cần phải có tính toán, cân nhắc cho phù hợp", ông Ninh nêu quan điểm.

Không để nơi làm, nơi không

Bày tỏ quan điểm ủng hộ mong muốn của lãnh đạo Hòa Bình, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần yêu cầu rà soát tổng thể kết quả kỳ thi tuyển tốt nghiệp THPT 2018 trên cả nước nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan giữa các tỉnh thành, địa phương và giữa các thí sinh với nhau.

Ông Nhưỡng đồng tình với những kết quả thanh tra bước đầu đã thực hiện tại 3 địa phương là Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang. Ông cho biết, đó là tín hiệu tích cực, được thực hiện dựa trên những phản ánh, tố giác từ dư luận, người dân.

Bước tiếp theo, ông Nhưỡng cho rằng cần nghiên cứu thêm kiến nghị của Hòa Bình, đề nghị xem xét và có chỉ đạo kịp thời.

"Nếu thực hiện, các cơ quan chức năng có thể thành lập từng đoàn giám sát, và tiến hành thanh tra từng bước. Tuy nhiên, các đoàn thanh tra cũng cần làm việc khách quan, công tâm, đúng trách nhiệm, tránh tình trạng làm kiểu "xôi đỗ", chỗ làm, chỗ không", ông Nhưỡng nói.

Gian lận điểm thi: Đừng biến học sinh thành người nói dối

Bác bỏ lo ngại về khoản chi phí phải bỏ ra nếu thực hiện rà soát, thanh tra lại, ông Nhưỡng nhấn mạnh: "Thiệt hại về vật chất không phải là câu chuyện đáng ngại, đáng ngại nhất là phải làm sao trả lại sự trong sạch, lành mạnh cho nền giáo dục, phải bảo đảm tính công bằng, khách quan trong thi cử, trong thực thi pháp luật".

Liên quan tới các trường hợp gian lận trong thi cử, thí sinh được nâng điểm tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, mới đây, ngày 17/4, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, các trường thuộc Bộ đã buộc thôi học 25 sinh viên đến từ Sơn La, 28 sinh viên đến từ Hòa Bình vì liên quan đến gian lận thi cử.

Ông Giám cho biết, trước khi tiếp nhận, các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển, nhập học đều phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Và tại bản cam kết, các thí sinh đều cam kết điểm thi của mình là "điểm xịn".

Như vậy, sau khi có kết quả sơ bộ điều tra bước đầu về các vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, hàng loạt các trường đại học cũng đã rà soát và ra thông báo buộc thôi học với một số thí sinh ở Hòa Bình được nâng điểm.

Trường Đại học Ngoại thương cũng đã buộc thôi học 2 thí sinh. Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận được danh sách 5 thí sinh có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó 2 thí sinh đã bị buộc thôi học do không đủ điểm. Trường Đại học Y Hà Nội cũng buộc thôi học một thí sinh, xin ý kiến chỉ đạo với một thí sinh khác.

Cùng với việc công khai danh sách các thí sinh được nâng điểm, tên tuổi, chức danh, nghề nghiệp của các phụ huynh có con được nâng điểm cũng dần lộ diện, trong đó ghi nhận hầu hết đều là con em cán bộ, lãnh đạo, đảng viên.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/gian-lan-diem-thi-bat-ngo-de-xuat-ra-soat-tong-the-3378493/